Chứng quyền: Siêu lợi nhuận, siêu rủi ro
Giá nhiều mã chứng quyền có bảo đảm (CW) tăng nhanh, đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Tuy vậy, giá không ít mã đang vượt xa giá trị lý thuyết, khả năng sinh lời đến khi đáo hạn gần như bằng 0.
Siêu lợi nhuận từ chứng quyền
Ðóng cửa phiên giao dịch 14/8/2019 tại mức giá 4.110 đồng/CW, giá chứng quyền CFPT1901 do Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) phát hành dựa trên cổ phiếu FPT tăng 47,8% tính từ phiên 6/8 (so với giá phát hành 1.900 đồng/CW, nhà đầu tư mua trong đợt phát hành lần đầu đạt lợi nhuận 116%).
Mức lợi nhuận cao gấp 6 - 7 lần lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng (dao động từ 7 - 8%/năm) mà nhà đầu tư thu được trong chưa đầy 2 tuần nếu đầu tư vào chứng quyền CFPT1901 là tỷ suất đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh thị trường chung biến động trong biên độ rộng, do ảnh hưởng bởi những yếu tố bất ổn từ thị trường thế giới.
Ðể có được mức tăng giá này, động lực quan trọng nhất phải kể đến sự bứt phá thị giá của cổ phiếu cơ sở - mã FPT. Từ vùng giá 49.000 đồng/cổ phiếu phiên 6/8, thị giá FPT đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/8 tại 53.200 đồng/cổ phiếu, sau khi Công ty công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 21,8% và 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ðồng thời, Công ty thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2019.
Như vậy, so với những nhà đầu tư trực tiếp mua cổ phiếu FPT chỉ đạt tỷ suất sinh lời 8,6%, nhà đầu tư mua chứng quyền đạt tỷ suất sinh lời gấp gần 6 lần trong cùng khoảng thời gian. Với mức giá giao dịch CW thấp hơn khoảng 13 lần so với thị giá FPT, nhà đầu tư còn tiết kiệm được khoản phí và thuế đáng kể so với việc trực tiếp đầu tư vào cổ phiếu.
CW có vòng đời 3 tháng phát hành đợt đầu sắp đáo hạn, nhà đầu tư cần cẩn trọng với CW có trạng thái lỗ sâu và giá cao hơn nhiều so với mức định giá.
Chính thức giao dịch từ ngày 28/6/2019 với 10 mã chứng quyền đầu tiên do 7 công ty chứng khoán phát hành được niêm yết, tham chiếu trên 6 mã chứng khoán cơ sở, trong vòng 3 tháng qua, sản phẩm CW ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nhờ mức lợi nhuận từ hàng chục đến hàng trăm phần trăm khi nhiều mã CW tham chiếu trên cổ phiếu MWG, PNJ, FPT liên tục tăng giá.
Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 14/8 tại mức giá 7.950 đồng/CW, mã chứng quyền CMWG1901 do Công ty Chứng khoán BSI phát hành đã tăng gần 4 lần so với giá chào bán sơ cấp (2.000 đồng/CW). Tương tự, chứng quyền CMWG1902 do VND phát hành có giá tăng 3,34 lần; chứng quyền CPNJ1901 do Công ty Chứng khoán MB (MBS) phát hành tăng giá 72%…
Rủi ro tăng theo đà tăng giá, thậm chí có nguy cơ mất trắng
Gần 3 tháng kể từ khi chính thức được giao dịch, sản phẩm CW cho thấy sức hút dòng tiền, đây sẽ là nền tảng cơ bản để các công ty chứng khoán tự tin phát hành thêm nhiều mã CW mới trong thời gian tới.
Giao dịch và thanh toán tương tự như cổ phiếu, tính đòn bẩy từ 5 - 10 lần, cao hơn nhiều đòn bẩy có thể sử dụng khi đầu tư cổ phiếu (tỷ lệ vay ban đầu tối đa là 50%) đã trở thành điểm hấp dẫn của CW và thực tế đã tạo ra mức “siêu lợi nhuận” cho những nhà đầu tư mua trong đợt phát hành trên thị trường sơ cấp cũng như các nhà giao dịch trên thị trường thứ cấp. Tuy vậy, có những mã chứng quyền giảm giá mạnh so với giá phát hành.
Chẳng hạn, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/8 tại mức giá 530 đồng/CW, mã chứng quyền CHPG1902 dựa trên cổ phiếu HPG do Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) phát hành giảm 53% giá trị so với mức giá chào bán sơ cấp (1.000 đồng/CW). Dù thị giá HPG vừa có một đợt hồi phục với mức tăng 13,8% trong 1 tháng qua, nhưng giá chứng quyền CHPG1902 hầu như chỉ đi ngang và giảm.
Lý do khiến chứng quyền CHPG1902 “miễn nhiễm” với diễn biến hồi phục của cổ phiếu cơ sở là mức giá thực hiện lên đến 41.990 đồng/cổ phiếu, cao hơn 15% so với mức giá cao nhất của HPG từ trước đến nay (sau điều chỉnh các quyền như cổ tức) là hơn 36.000 đồng/cổ phiếu thiết lập đầu tháng 3/2018.
Kỳ hạn chứng quyền CHPG1902 là 6 tháng, dài hơn hẳn thời gian đáo hạn các chứng quyền khác trên cùng mã HPG do MBS, VPS và SSI (mã CHPG1904) phát hành (có thời gian 3 tháng), đồng nghĩa với giá trị thời gian còn lại trong việc định giá chứng quyền cao hơn. Nhưng trong bối cảnh HPG đang gặp khó khăn (lợi nhuận sụt giảm), cổ đông ngoại có động thái bán ròng…, kịch bản để thị giá cổ phiếu HPG tăng 80% từ nay đến cuối năm và đạt giá thực hiện của chứng quyền CHPG1902 có xác suất thấp.
Trong trường hợp cổ phiếu HPG đón nhận kỳ vọng tăng giá về cuối năm, nhà đầu tư có thể lựa chọn một mã chứng quyền khác như CHPG1905 do SSI phát hành. Chứng quyền này có thời gian đáo hạn 6 tháng, giá thực hiện 23.100 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mã chứng quyền CHPG1902 của KIS, tương ứng với triển vọng sinh lời tốt hơn.
Vậy nhưng, khối lượng giao dịch của mã CHPG1902 lại thường xuyên dẫn đầu trong số các chứng quyền được giao dịch khi có hàng trăm nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên. Nguyên nhân có thể là do nhà đầu tư quan tâm đến thị giá thấp của chứng quyền này và tìm kiếm lợi nhuận từ việc “lướt sóng”, nhất là khi có công ty chứng khoán đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường.
Với khả năng sinh lời đến khi đáo hạn gần như bằng 0, nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền CHPG1902 có thể mất toàn bộ khoản đầu tư ban đầu nếu không bán trước thời điểm đáo hạn. Nguy cơ này cũng xuất hiện tại mã chứng quyền CVNM1901 trên cổ phiếu VNM khi giá thực hiện là 158.888 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá VNM hiện chỉ quanh mốc 120.000 đồng/cổ phiếu.
Với không ít mã chứng quyền khác, có chứng khoán cơ sở là MBB, HPG, FPT, MWG, dù mức giá thực đang thấp hơn thị giá cổ phiếu, nhưng việc đầu tư hiện nay cũng được đánh giá có rủi ro cao sau giai đoạn tăng giá mạnh, trong khi thời gian đáo hạn đang đến gần.
Trong bản tin chứng khoán ngày 14/8, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) định giá 16 chứng quyền đang giao dịch dựa trên mô hình Black-Scholes với các yếu tố đầu vào là các thông số CW kết hợp với lãi suất phi rủi ro tính theo lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và độ biến động của giá chứng khoán cơ sở trong 1 năm. Theo đó, có 15/16 mã CW đang được giao dịch cao hơn mức định giá, trong đó 9 mã có giá cao hơn từ 40% trở lên. MBS cũng định giá các CW theo mô hình Black-Scholes đến hết phiến 14/8, cả 16/16 mã CW đều đang được giao dịch cao hơn giá lý thuyết, một số mã cao hơn 100%.
Như vậy, trong bối cảnh giá nhiều mã chứng quyền tăng cao, vượt xa giá thực hiện, thì triển vọng thu lợi nhuận từ chứng quyền bị thu hẹp, thậm chí nguy cơ thua lỗ tăng dần.
Ẩn số ngày đáo hạn
Hiện còn chưa đầy 1 tháng nữa thì phân nửa số chứng quyền đang niêm yết sẽ đáo hạn. Ðây đều là các hợp đồng kỳ hạn 3 tháng trong đợt phát hành đầu tiên. Chứng quyền là sản phẩm được thiết kế cho hoạt động giao dịch, dù tham gia với mục đích đầu cơ hay phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư được khuyến nghị nên bán trước ngày đáo hạn để tránh chi phí thuế cao hơn khi thực hiện quyền và rủi ro giá cổ phiếu cơ sở biến động mạnh.
Ðáng chú ý, trong thời gian 14 ngày trước khi đáo hạn, công ty chứng khoán không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường cho chứng quyền, tức sức cầu khi đó có khả năng chỉ đến từ thị trường.
Một lưu ý quan trọng hơn là tại ngày đáo hạn, nếu giá cổ phiếu trên sàn thấp hơn giá định danh trong hợp đồng chứng quyền, thì chứng quyền sẽ trở nên vô nghĩa, không mang lại giá trị nào cho người sở hữu.
Nếu xu hướng thị trường bất lợi trong ngắn hạn, nhà đầu tư vào cổ phiếu cơ sở có thể chấp nhận chờ đợi khó khăn đi qua và thị giá hồi phục, thì với nhà đầu tư CW, thời gian chờ đợi là có giới hạn. Ðặc biệt, tính đòn bẩy cao cùng thời gian đáo hạn ngắn, biên độ giao dịch mỗi phiên lớn khiến sức ép ra quyết định nhanh đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư lựa chọn CW là kênh đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận.
Chẳng hạn, mã chứng quyền CFPT1901 ngay khi niêm yết cuối tháng 6/2019 đã tăng giá mạnh so với giá phát hành, đạt trên 4.000 đồng/CW, nhưng sau đó liên tục suy giảm, có lúc chỉ còn 2.650 đồng/CW, tương ứng nhà đầu tư mất hơn 40% giá trị trong chưa đầy 2 tháng. Yếu tố đòn bẩy cao lúc này đã trở thành con dao 2 lưỡi, nhanh chóng bào mòn tài khoản.
Không ít nhà đầu tư chứng quyền trên thị trường thứ cấp đã phải ngậm ngùi cắt lỗ. Với những người kiên trì, mức tăng giá mạnh của chứng quyền trong 2 tuần qua mới giúp họ hòa vốn. Trong khi đó, nếu mua và nắm giữ cổ phiếu FPT từ đầu tháng 7/2019 đến nay - cùng thời điểm mua chứng quyền, thì mức sinh lời đạt hơn 15% mà chưa cần dùng đến giao dịch ký quỹ (margin).
Nhà đầu tư cần hiểu rõ cái giá phải trả cho CW ở mức nào và mình có sẵn sàng trả giá cho sự chênh lệch của cung cầu thị trường không. Hiểu được rõ điều này rồi hãy quyết định giao dịch CW.
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.
CW là một công cụ tài chính rất hiệu quả cho nhà đầu tư trong thị trường đi lên, tuy nhiên, với biên độ dao động rất lớn, nhà đầu tư nên tính toán tỷ trọng giải ngân cho CW một cách hợp lý. Chỉ nên coi đó là một công cụ đòn bẩy hỗ trợ và tính tổng trạng thái đối với cổ phiếu đó giống như đang mua một lượng cổ phiếu tương ứng, tránh tình trạng coi CW là một cổ phiếu thực sự và dồn hết danh mục vào CW. Cho dù dự đoán giỏi đến đâu bạn cũng có thể sai 1 lần và với thị trường biến động cực lớn như CW thì sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả không kiểm soát được.
Cũng giống như các thị trường khác, sản phẩm CW mới ra đời có hiện tượng định giá quá cao so với công thức chuẩn, vì thế, nhà đầu tư cần xây cho mình những công cụ tính toán để hiểu rõ được giá mình phải trả cho CW đang ở mức nào và mình có sẵn sàng trả giá cho sự chênh lệch của cung cầu thị trường không. Hiểu được rõ điều này rồi hãy quyết định giao dịch CW.
Ngoài FPT, MWG, danh mục các cổ phiếu được phát hành CW cũng không quá nhiều nên VNDIRECT chỉ xoay quanh một vài cổ phiếu quen thuộc trong rổ VN30. Về dài hạn, khi các công ty chứng khoán tham gia nhiều hơn, có lẽ cổ phiếu nào cũng sẽ có CW tương ứng. Nhà đầu tư chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong giai đoạn tới. Xu thế phát triển các công cụ phái sinh là tất yếu đối với thị trường tài chính và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Thị trường phái sinh của Việt Nam vì thế còn rất nhiều đất để phát triển.
Sản phẩm chứng quyền có tiềm năng rất lớn, nhưng nhà đầu tư cần cẩn trọng với chứng quyền có trạng thái lỗ sâu và có giá cao hơn nhiều so với mức định giá
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC).
Về mặt cơ hội, sản phẩm chứng quyền ra đời mang đến nhiều nét mới và chứng tỏ được sức hút với thị trường. Với diễn biến khá tốt của các mã được chọn làm chứng quyền, các chứng quyền tương ứng có mức tăng rất ổn trong thời gian qua và mang lại tỷ suất lợi nhuận cao. Chứng quyền là sản phẩm có thể giúp nhà đầu tư kiếm lời nhanh chóng bằng tính đòn bẩy của sản phẩm.
Tuy nhiên, tính đòn bẩy cũng là một trong những yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý khi giao dịch, biên độ giao dịch của chứng quyền rất cao và mức độ giảm giá có thể rất lớn khi chứng khoán cơ sở diễn biến xấu.
Về rủi ro của chứng quyền, ma trận rủi ro với 2 yếu tố là số ngày còn lại và mức đòn bẩy hiệu dụng (effective gearing) thường được xem xét. Các chứng quyền có thời gian còn lại càng ngắn thì rủi ro càng cao và các chứng quyền có đòn bẩy càng cao thì rủi ro càng cao. Rủi ro luôn đi kèm với cơ hội, do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc để lựa chọn chứng quyền có mức độ rủi ro phù hợp. Hiện tại, các chứng quyền có vòng đời 3 tháng phát hành đợt đầu sắp đáo hạn, trong số này nhà đầu tư cần cẩn trọng với chứng quyền có trạng thái lỗ (OTM) sâu và có giá cao hơn nhiều so với mức định giá.
Với sự đón nhận của thị trường, HSC sẽ phát hành thêm các chứng quyền mới. Gần đây nhất, HSC đã phát hành thêm 4 triệu chứng quyền bổ sung cho chứng quyền CMBB1902. Sắp tới, HSC sẽ phát hành thêm các mã chứng quyền trên các cổ phiếu cơ sở khác. Tiêu chí chọn mã cơ sở làm chứng quyền của HSC vẫn sẽ là các mã cổ phiếu có cơ bản tốt và mức định giá hấp dẫn.
Về tiềm năng của sản phẩm, cá nhân tôi cho rằng, sản phẩm này có tiềm năng rất lớn vì những đặc điểm nổi bật của sản phẩm để đầu cơ như cần số vốn nhỏ, đòn bẩy cao, biên độ cao và nhiều chứng quyền được tạo lập rất tốt.
Nếu nhìn qua các thị trường đã triển khai trước đó như Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia sẽ thấy, tiềm năng của thị trường chứng quyền Việt Nam là rất lớn. TTCK Hồng Kông hiện có 2.394 công ty niêm yết, theo đó, số lượng chứng quyền niêm yết lên tới 5.473 loại tại thời điểm cuối tháng 7/2019. TTCK Thái Lan cũng có đến hơn 1.500 loại chứng quyền. Tất nhiên, để so sánh sự phát triển của TTCK Việt Nam và các nước kể trên là khập khiễng, nhưng nhìn sang họ để thấy tiềm năng của chứng quyền là rất lớn khi chúng ta mới bắt đầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận