Chứng quyền bị hủy niêm yết trong trường hợp nào?
Chứng quyền bị hủy niêm yết là trường hợp thường gặp trên thị trường chứng khoán. Khi chứng quyền chấm dứt giao dịch sẽ gây ra tác động không nhỏ đến các nhà đầu tư. Bởi vậy, khi đầu tư vào chứng quyền bạn cần tìm hiểu rõ về vấn đề này cũng như nằm lòng các thủ tục liên quan và cách xử lý.
1. Các trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết
Chứng quyền huỷ niêm yết là việc chấm dứt giao dịch toàn bộ chứng quyền niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK). Theo quy định hiện hành tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 107/2016/TT-BTC chứng quyền bị hủy niêm yết trong các trường hợp:
a. Tổ chức phát hành đình chỉ, tạm ngừng hoạt động, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hay bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động.
b. Chứng khoán cơ sở bị hủy niêm yết hoặc không thể xác định được chỉ số chứng khoán do các nguyên nhân bất khả kháng đã được quy định tại bộ nguyên tắc về xác định chỉ số.
c. Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày chào bán, số lượng chứng quyền đang lưu hành < 50% số lượng chứng quyền đã phát hành. Tổ chức phát hành phải hủy niêm yết một phần chứng quyền chưa lưu hành tương đương 40% số lượng chứng quyền đã phát hành.
d. Tổng số lượng chứng khoán cơ sở được quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành thuộc tất cả các tổ chức phát hành so với tổng số lượng chứng khoán cơ sở tự do chuyển nhượng vượt quá một tỷ lệ phần trăm theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Trong trường hợp này tổ chức phát hành phải hủy niêm yết một phần chứng quyền chưa lưu hành có thời gian tính từ ngày phát sinh tỷ lệ vượt đến ngày đáo hạn còn ít hơn hai 02 tháng theo nguyên tắc:
- Hủy niêm yết 80% số lượng chứng quyền đã phát hành trong trường hợp số lượng chứng quyền đang lưu hành ít hơn 5% số lượng đã phát hành;
- Hủy niêm yết 70% số chứng quyền đã phát hành trong trường hợp số lượng chứng quyền đang lưu hành từ 5% đến 10% số lượng đã phát hành;
e. Chứng quyền đến thời gian đáo hạn, kể cả trường hợp bị tạm ngừng giao dịch đến thời gian đáo hạn và/hoặc toàn bộ chứng quyền phát hành đã được hoàn tất việc thực hiện quyền. Trường hợp này chứng quyền sẽ tự động bị hủy niêm yết.
f. Trường hợp SGDCK xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và sau khi được UBCKNN chấp thuận.
2. Hồ sơ và quy trình hủy niêm yết chứng quyền
Việc hủy niêm yết chứng quyền được thực hiện theo quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán. Tùy từng trường hợp mà quy trình thực hiện như sau:
1. Trường hợp a, b tại phần 1
Sau khi có quyết định và thông tin chính thức về việc tổ chức phát hành chứng quyền và/hoặc tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở rơi vào trường hợp a, b tại phần 1, SGDCK sẽ ra Quyết định hủy niêm yết chứng quyền.
2. Trường hợp c, d tại phần 1
Hồ sơ hủy niêm yết
- Giấy đề nghị hủy niêm yết.
- Xác nhận từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về số lượng chứng quyền chưa lưu hành mà tổ chức phát hành sở hữu.
Quy trình thủ tục
- Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, SGDCK ra Quyết định hủy niêm yết chứng quyền.
3. Trường hợp e - chứng quyền đến thời gian đáo hạn
- Tối thiểu 05 ngày làm việc trước ngày đáo hạn của chứng quyền, tổ chức phát hành phải gửi Giấy đề nghị hủy niêm yết chứng quyền đến SGDCK do các chứng quyền sắp đến thời gian đáo hạn.
- 1 ngày làm việc trước ngày đáo hạn của chứng quyền, SGDCK ra Quyết định hủy niêm yết đối với số lượng chứng quyền đến thời gian đáo hạn.
- Trong vòng 3 ngày làm việc sau khi nhận được Thông báo từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về việc toàn bộ chứng quyền phát hành đã hoàn tất việc thực hiện quyền, SGDCK ra Quyết định hủy niêm yết chứng quyền.
4. Trường hợp f tại phần 1
SGDCK xin ý kiến của UBCKNN về việc hủy niêm yết chứng quyền và thực hiện thủ tục hủy niêm yết sau khi có ý kiến chấp thuận của UBCKNN.
3. Chứng quyền được xử lý như thế nào sau khi bị hủy niêm yết?
Theo Thông tư 107/2016/TT-BTC, trong thời gian từ khi có Quyết định hủy đến ngày hủy niêm yết chứng quyền có liệu lực, tổ chức phát hành có nghĩa vụ mua lại các chứng quyền đang lưu hành thông qua hoạt động thiết lập thị trường.
Sau ngày hủy niêm yết có hiệu lực, các chứng quyền đang lưu hành còn lại sẽ được tổ chức phát hành phối hợp với Trung tâm Lưu ký thanh toán tiền cho các nhà đầu tư sở hữu với mức giá được công bố tại thời điểm có Quyết định hủy niêm yết chứng quyền.
Như vậy, 24hMoney đã giúp bạn hiểu rõ các trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết cũng như những thủ tục liên quan. Để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về chứng khoán, bất động sản và kinh doanh, bạn có thể tải ngay ứng dụng 24hMoney hoàn toàn miễn phí!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận