Chủng mới Omicron sẽ thống trị Châu Âu
Các chuyên gia được phỏng vấn bởi Izvestia ước tính Omicron trong những tuần tới có thể trở thành chủng virus “thống trị” ở châu Âu. Theo WHO, hơn 50% dân số khu vực có thể bị nhiễm virus này trong vòng 6-8 tuần tới .
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, theo dữ liệu sơ bộ, bệnh nhân khi nhiễm biến thể này sẽ tiến triển ở dạng ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là do các loại vắc xin hiện có ít khả năng chống lại. Do đó, các nước châu Âu đang tích cực tăng tốc độ thử nghiệm vắc xin và thắt chặt các hạn chế.
Kỷ lục mới
Hôm 13/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận mức tăng ca bệnh lớn nhất. Số ca mắc Covid-19 mới tăng 15 triệu ca trong một tuần. Cho đến nay, Đông Nam Á đang dẫn đầu, nhưng châu Âu đang phải đối mặt với sự gia tăng chưa từng có về tỷ lệ mắc mới do sự lây lan của chủng Omicron. Đến nay, Pháp trở thành nước đứng đầu trong số các nước châu Âu về số ca mắc mới. Vào ngày 11/1, gần 360.000 trường hợp mắc mới đã được ghi nhận ở Pháp.
“Chúng tôi đã không nhìn thấy những con số như vậy kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Một làn sóng thủy triều thực sự với số lượng ca mắc mới rất cao. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, 22.000 người đã phải nhập viện, trong đó 3.900 người đang trong tình trạng nguy kịch hoặc đang được chăm sóc đặc biệt.
Theo dữ liệu ngày 12/1, có 332 nghìn người đã mắc Covid-19 trên toàn nước Pháp. Đồng thời, Pháp đang thắt chặt các biện pháp chống lại Covid-19. Kể từ ngày 3/1, người sử dụng lao động đã được yêu cầu đảm bảo cho nhân viên làm việc tại nhà ít nhất 3 ngày 1 tuần. Cấm bán và nhận đồ ăn, thức uống trên các phương tiện giao thông công cộng đường dài, cũng như trong rạp chiếu phim. Trẻ em trên 6 tuổi cũng phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
Ngoài ra, hôm 13/1, Quốc hội Pháp đã phê chuẩn các biện pháp mới về phòng chống dịch Covid-19 do Chính phủ nước này đề xuất, trong đó có dự luật về hộ chiếu tiêm chủng. Theo dự luật trên, người dân cần phải có hộ chiếu tiêm chủng để có thể sử dụng các dịch vụ cơ bản như tàu liên tỉnh, thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống. Chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh sẽ không còn hiệu lực nữa. Quy định này sẽ được áp dụng với những người từ 16 tuổi trở lên.
Trong khi đó, mọi thứ đang không thể tồi tệ hơn ở Italy vào lúc này. Hôm 11/1, hơn 220 nghìn trường hợp mắc Covid-19 mới được phát hiện - gấp đôi so với ngày trước đó (117 nghìn). Vào ngày 12/1, có 196 nghìn người đã nhiễm bệnh ở nước này.
“Tôi không loại trừ khả năng Omicron sẽ thống trị ở châu Âu trong tương lai gần, nhưng vẫn chưa có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận như vậy”, Antonio Clavenna, nhà dịch tễ học tại Viện nghiên cứu dược học Mario Negri (Italy) nói với Izvestia.
Theo ông Klavenna, khi mắc Omicron bệnh nhân sẽ tiến triển ở dạng ít nặng hơn, nhưng chủng này dễ lây lan hơn. Có nghĩa là, nếu một số lượng lớn người bị nhiễm bệnh, áp lực lên hệ thống y tế sẽ rất cao.
“Một số bằng chứng cho thấy hiệu quả của 2 liều vắc xin Covid-19 trong việc giảm nguy cơ mắc chủng virus này là thấp, trong khi hiệu quả của 3 liều vắc xin là xấp xỉ 60%. Trong mọi trường hợp, 2 liều vắc xin sẽ giúp ngăn ngừa ít nhất những diễn biến bệnh nặng”, ông Clavenna nói.
Theo nhà dịch tễ học, do sự lây lan nhanh chóng của Omicron, các “biện pháp không dùng thuốc” khác phải được tuân thủ, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc và bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang, ở những khu vực kín và đông người nên sử dụng khẩu trang loại FFP2 (tiêu chuẩn châu Âu).
Tại Italy, yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang đã được đưa ra vào cuối tháng 12 năm ngoái. Đồng thời, kể từ ngày 10/1, các nhà chức trách đã mở rộng phạm vi của giấy chứng nhận tiêm chủng. Giờ đây, loại giấy tờ này không chỉ phải xuất trình khi đến các nhà hàng và rạp chiếu phim, mà còn khi nhận phòng khách sạn và đi lại bằng phương tiện công cộng.
Tại Đức, số người mắc bệnh cũng đang gia tăng nhanh chóng. Nếu ngày 10/1 con số này là 16 nghìn thì đến ngày 11/1 là 120 nghìn và ngày 12/1, 86 nghìn trường hợp mắc Covid-19 mới được phát hiện tại Đức. Trong bối cảnh chủng Omicron đang lây lan, các nhà chức trách Đức ngày 7/1 đã nhất trí về các quy định mới nhằm chống lại sự lây lan của Covid-19. Theo đó, thủ hiến của tất các bang ở Đức đã ủng hộ việc áp dụng tiêm chủng bắt buộc tại nước này. Các vấn đề liên quan sẽ được Quốc hội thảo luận trong thời gian tới.
Những hạn chế cũng đang quay trở lại Thụy Điển, quốc gia trước đây có mức độ lây nhiễm thấp so với các nước láng giềng. Kể từ ngày 12/1, chế độ làm việc từ xa đã được quay trở lại trong nước. Các nhà hàng sẽ phải đóng cửa lúc 23h00 và du khách sẽ được ngồi theo nhóm không quá 8 người.
Dự báo của WHO
Tại London, chủng Omicron được cho là “thống trị” tại Vương quốc Anh vào ngày 19/12/2021. Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh tuần trước đã bắt đầu gửi quân y đến các bệnh viện thiếu nhân viên và đang căng thẳng tột độ do số ca mắc mới tăng kỷ lục trong nước.
Trong khi đó, WHO cho biết, hơn một nửa dân số châu Âu có thể bị nhiễm Omicron vào tháng Ba. Tại cuộc họp báo ngày 10/1, Hans Kluge, Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu nhớ lại rằng trong tuần đầu tiên của năm 2022, hơn 7 triệu trường hợp mắc mới đã được ghi nhận trong khu vực và con số này đã tăng gấp đôi sau hai tuần.
“Với tiến độ này, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) dự báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng 6-8 tuần tới”, đại diện của tổ chức nhấn mạnh trước đó.
“Còn quá sớm để đưa ra đánh giá đầy đủ về mức độ nguy hiểm của Omicron, cần có nghiên cứu và dữ liệu bổ sung, bao gồm cả từ các nước châu Âu để đánh giá đầy đủ liệu nó có áp dụng cho tất cả các nhóm dân cư hay không. Tuy nhiên, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy hiệu quả của vắc xin thấp hơn và khả năng miễn dịch suy yếu nhanh hơn khi bị nhiễm chủng virus này”, ECDC chia sẻ với Izvestia.
Đồng thời, ECDC lưu ý rằng, liều vắc xin tăng cường cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ hơn chống lại Omicron và sự hiện diện của ít nhất 2 liều vắc xin trong bất kỳ trường hợp nào sẽ ngăn chặn quá trình gây bệnh nghiêm trọng.
“Tiêm chủng vẫn là cách chính để giảm lây nhiễm với chủng Omicron, nhưng các biện pháp khác phải được thực hiện để làm chậm sự lây lan của virus, bao gồm hạn chế tiếp xúc xã hội và hợp lý hóa hệ thống xét nghiệm”, ECDC nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận