Chứng khoán Việt Nam sức hồi phục nhanh nhất thế giới
Phát biểu tại lễ đánh cồng Khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2021, diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sáng ngày 4/1/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, khẳng định: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2020 là mộ
Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng đầu năm 2020 sụt giảm nhanh và mạnh, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn tháo chạy khỏi thị trường khá nhiều. Để ứng phó với đại dịch Covid-19 nhằm duy trì phát triển kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, với sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai hàng loạt các giải pháp về chính sách tài khóa như giãn, hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm… các khoản phí, lệ phí… nhằm hỗ trợ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị tác động của dịch bệnh, với tổng giá trị đã thực hiện các gói hỗ trợ khoảng trên 130.000 tỷ đồng. Trong đó, có việc cắt giảm các khoản phí cho nhà đầu tư, tạo thêm sức hút tham gia vào TTCK Việt Nam.
Nhờ vậy, kể từ quý II/2020 đến cuối năm, cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công của Chính phủ, nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường mới, TTCK Việt Nam đã có sự phục hồi phát triển ngoạn mục. Tổng mức huy động vốn năm 2020 thông qua TTCK đã đạt trên 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019. Chỉ số VN-Index đến cuối năm 2020 tăng 14,9% so với đầu năm (tăng 67% so với thời điểm đáy do tác động của dịch Covid-19). Thanh khoản của thị trường cổ phiếu đã tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân 7.100 tỷ đồng/phiên; đặc biệt trong những tháng cuối năm 2020, có những phiên giao dịch đạt mức bình quân 10.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên, gấp hơn 2 lần bình quân của năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, qui mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt khoảng 85% GDP.
Bên cạnh thị trường cổ phiếu, các thị trường khác cũng đã có những bước phát triển và tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn, qui mô của thị trường trái phiếu Chính phủ đã đạt 45% GDP (mục tiêu đề ra 30%). Trong năm 2020, đã huy động được trên 333.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tăng 64% so với năm 2019, với lãi suất huy động trái phiếu giảm. Điều này đã góp phần quan trọng giúp Bộ Tài chính có điều kiện cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ ở trong nước theo hướng bền vững hơn, trong đó mức kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu Chính phủ đã nâng lên 8,35 năm so với 7,42 năm của năm 2019.
Ngoài ra, TTCK phái sinh năm 2020 cũng đã có qui mô giao dịch tăng gần 80% so với năm 2019. Thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy, trong năm 2020, vẫn có khoảng 84% các công ty đại chúng qui mô lớn tham gia trên TTCK làm ăn có lãi. Đây là một tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi cao so với các khu vực kinh tế khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động khó khăn.
Với những kết quả đạt được nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, khẳng định: TTCK Việt Nam trong năm 2020 là một trong những thị trường có sức chống chịu trước tác động của khủng hoảng đại dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.
Năm 2021, nhận định dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp tác động khó khăn đến phát triển của nền kinh tế nói chung cũng như TTCK nói riêng. Nhưng với sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô; Luật Chứng khoán (sửa đổi, bổ sung) đã chính thức có hiệu lực tạo ra nền tảng pháp lý mới nâng tầm thị trường, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả…, dự báo TTCK Việt Nam sẽ có thêm một năm tiếp tục phát triển bền vững hơn cả về qui mô và chất lượng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị vận hành thị trường, ngay từ đầu năm 2021, phải hoàn thiện để Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2020 và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTCK đầy đủ, bao quát, hoàn chỉnh để thúc đẩy phát triển.
Đẩy nhanh cơ cấu lại TTCK theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt; hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và các sở giao dịch chứng khoán theo Quyết định 37/2020/QĐ-TTg của Chính phủ; xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh; tiếp tục tái cơ cơ cấu các định chế trung gian theo định hướng của Chính phủ.
Đảm bảo an toàn hệ thống giao dịch, đảm bảo TTCK hoạt động thông suốt, liên tục và ổn định.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK; đưa thêm các sản phẩm mới vào giao dịch trên TTCK. Đồng thời, tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật thị trường, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận