Chứng khoán Việt Nam hồi phục ra sao sau những lần rơi vào thị trường gấu?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua thêm một ngày thứ 2 đáng quên khi VN-Index giảm 36,9 điểm (-3,03%) xuống mức 1.180,4 điểm. Như vậy, chỉ số này đã giảm hơn 100 điểm, tương đương 8% chỉ trong khoảng hơn 1 tuần giao dịch (6 phiên).
Đà giảm này của chứng khoán Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ xu hướng điều chỉnh chung của thị trường tài chính toàn cầu sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát cao kỷ lục trong hơn 40 năm (8,6%). Chỉ số S&P 500 sau đó đã lao dốc mạnh và chính thức bước vào thị trường gấu (bear market) từ ngày 13/6.
Thực tế, chứng khoán Việt Nam đã "hóa gấu" từ nhịp giảm sâu trước kéo dài từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5. Một nhịp hồi ngắn không đủ đưa thị trường phá vỡ xu hướng giảm, VN-Index sau đó đã quay đầu tìm về vùng đáy cũ. So với đỉnh đạt được hồi đầu tháng 4, chỉ số này đã giảm hơn 344 điểm, tương đương 22,5%.
Theo thống kê của Chứng khoán BSC, kể từ giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 đến nay, kinh tế thế giới đã trải qua nhiều biến động và chứng kiến không ít giai đoạn bear market. Chỉ số S&P500 và Shanghai Composite đã trải qua 5 lần giảm mạnh còn VN-Index cũng 6 lần rơi vào thị trường gấu.
- Đợt 1: 8/10/2007
- Đợt 2: 19/10/2009
- Đợt 3: 20/07/2015
- Đợt 4: 02/04/2018
- Đợt 5: 20/01/2020
- Đợt 6: 28/03/2022
Sau những giai đoạn thị trường giá xuống kéo dài, chứng khoán Việt Nam có thời gian hồi phục trung bình là 3,6 tháng và mức hồi phục trung bình là 50,06% so với đáy và 79,52% so với vùng đỉnh trước khi rơi vào thị trường gấu.
Về cơ bản, mức độ và tốc độ phục hồi của thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh kinh tế nói chung và các vấn đề nội tại khác trong mỗi thời kỳ. Theo đánh giá của BSC, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay khá tương đồng với giai đoạn năm 2018 khi Fed bắt đầu đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất bên cạnh vấn đề an ninh năng lượng, bất ổn trên thị trường hàng hóa.
Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở kinh tế vĩ mô Việt Nam đang khá ổn định, tăng trưởng tích cực và đang lệch pha so với thế giới. BSC cho rằng, thị trường có thể có thêm một nhịp sụt giảm nhẹ sau đó phục hồi đi lên như kịch bản giai đoạn 2018. Nhận định này không phải không có cơ sở khi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng cao.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận