Chứng khoán Việt chỉ còn 2 mã cổ phiếu giá trên 200.000 đồng
Sau một năm 2022 với quá nhiều "biến cố", bên cạnh đà lao dốc của hàng trăm mã cổ phiếu, thị trường chứng khoán cũng dần thưa đi những cổ phiếu "nặng đô" có giá cao trên 100.000 đồng.
Hiện chỉ còn 19 mã trong đó 6 trên HOSE, 3 tại HNX và 10 mã trên sàn UPCoM.
Đáng chú ý, hiện chỉ có 2 trong tổng số 1.606 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ đang niêm yết/đăng ký giao dịch trên toàn thị trường có giá trên 200.000 đồng bao gồm cổ phiếu VCF (sàn HOSE) và HLB (sàn UPCoM). 2/3 số mã hiện đang giao dịch từ 100.000 - dưới 150.000 đồng/cổ phiếu.
Xét theo vốn hóa thị trường, ngoại trừ VJC, SAB và GAS có vốn hóa từ 57.300 tỷ đến 194.200 tỷ đồng; đa số các cổ phiếu còn lại chủ yếu thuộc nhóm SmallCap (vốn hóa dưới 1.000 tỷ).
Cổ phiếu màu Đỏ (sàn HOSE), Vàng (sàn HNX) và màu Xanh (sàn UPCoM)
Theo ghi nhận đến thời điểm kết phiên 30/12/2022, "quán quân" thị giá là HLB của CTCP Nước Giải khát Hạ Long với mức 229.900 đồng thị giá.
Được biết CTCP Nước Giải khát Hạ Long có vốn điều lệ gần 31 tỷ đồng - tương ứng hơn 3 triệu cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu này hầu như không đáng kể với nhiều phiên không ghi nhận khớp lệnh.
Từ khá lâu, HLB thường được nhắc đến là cổ phiếu thuộc top những cổ phiếu có thị giá cao trên sàn chứng khoán. Theo ghi nhận, mã vượt mốc 200.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 12/1/2022 và gần như duy trì ngưỡng này đến trước thời điểm lao về 155.000 đồng tại thời điểm tháng 11 vừa qua.
Với mức giá hiện tại, vốn hóa của doanh nghiệp này chỉ ở mức hơn 700 tỷ đồng.
Đại diện còn lại có giá trên 200.000 đồng là cổ phiếu VCF của Vinacafe Biên Hòa cũng là một trong những cổ phiếu thường xuyên được nhắc đến trong nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.
VCF đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 ở mức 223.000 đồng/cp, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 5.900 tỷ đồng.
Mã IDP của CTCP Sữa Quốc tế, SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), WCS của CTCP Bến xe Miền Tây, CMF của CTCP Thực phẩm Cholimex,... là những cổ phiếu đang sở hữu thị giá hơn 150.000 đồng/cp trong phiên giao dịch 30/12/2022. Đây cũng là một trong số những doanh nghiệp luôn duy trì mức trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ cao cho cổ đông qua các năm.
Nhóm các cổ phiếu giao dịch "3 chữ số" rất nhiều. Có thể điểm danh như PDN của Cảng Đồng Nai, TBD của Thiết bị điện Đông Anh, như SLS của Mía đường Sơn La, NTC của Nam Tân Uyên, NDC của CTCP Nam Dược, VJC của Vietjet, FOC của CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT,...
Trong số này, cổ phiếu NTC của doanh nghiệp ngành khu công nghiệp – Nam Tân Uyên từng là một trong những cổ phiếu đắt đỏ top đầu thị trường với mức 213.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, tương ứng vốn hóa doanh nghiệp trên 5.100 tỷ đồng. Hiện mã này chỉ còn có giá 113.200 đồng/cổ phiếu với vốn hóa giảm gần một nửa.
Chờ "cú nổ" mang tên VNG
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận cho CTCP VNG được đăng ký giao dịch cổ phiếu (sàn UPCoM) với mã VNZ và ngày giao dịch chính thức là 5/1/2023.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của VNZ là 240.000 đồng/cổ phiếu. Với việc lên sàn với mức giá này, VNZ sẽ ngay lập tức chiếm lĩnh vị trí số 1 dành cho cổ phiếu có giá cao nhất thị trường chứng khoán.
Đáng nói, với mức giá này, vốn hóa của VNG chỉ chưa đầy 350 triệu USD - thấp hơn rất nhiều các mức định giá tỷ đô trước đó.
Trước đó, vào năm 2014, VNG từng được định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên tại Việt Nam – theo World Startup Report.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận