Chứng khoán và nỗi ám ảnh cuối thu
Lịch sử nhiều năm giao dịch cho thấy, tháng 9 - 10 thường không phải là giai đoạn có hiệu suất cao của thị trường chứng khoán. Nhiều chuyên gia đưa ra khuyến nghị chờ đợi và thận trọng, nhưng có nhiều câu chuyện cần lưu tâm trong thời gian này.
Nỗi ám ảnh cuối thu
“Sell in May and go away” - câu ngạn ngữ thông dụng trong thị trường chứng khoán thể hiện lời khuyên, cũng như chiến lược rút khỏi thị trường cổ phiếu vào tháng 5 - không còn xa lạ với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn lại hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam trong một thập kỷ gần đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBankS cho rằng, các tháng 9, 10 mới là “nỗi ám ảnh” của các nhà đầu tư.
Theo thống kê của vị chuyên gia này, khoảng 4 năm trở lại đây, tháng 9 đều ghi nhận hiệu suất rất thấp của Chỉ số S&P 500. Nếu tính chu kỳ dài 10 năm trở lại đây, bình quân S&P 500 tháng 9 có hiệu suất thấp nhất trong năm. Tương tự, VN-Index giảm trong tháng 9 các năm gần đây. “Tôi cho rằng, đây cũng là yếu tố mang tính mùa vụ. Tại Việt Nam, tháng 3, 4, 9 và 10 thường có hiệu suất thấp”, ông Sơn cho hay.
Cái “dớp” của tháng 9 - 10 cũng là điều được ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Khối môi giới Công ty Chứng khoán JBSV nhấn mạnh. Chia sẻ tại Chương trình WeTalk “Đầu tư gì cuối năm 2024?”, thống kê thị trường Việt Nam trong 24 năm qua, ông Du cho biết, nếu VN-Index đi xuống trong tháng 10, thì thường sẽ là tháng giảm mạnh nhất trong năm.
Với bối cảnh hiện tại, VN-Index chưa vượt qua được vùng kháng cự quanh 1.285 - 1.300 điểm. Thanh khoản bình quân phiên của tháng 9 vẫn ở mức thấp nhất trong năm, dù nhích trở lại, vượt mức 20.000 tỷ đồng giá trị giao dịch vào ngày 20/9, một phần nhờ hai quỹ ETF ngoại hoàn tất đợt cơ cấu danh mục quý III/2024. Theo ông Sơn, tháng 9 năm nay nhiều khả năng cũng là tháng có hiệu quả không cao.
Trong tuần thứ hai của tháng 9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có quyết định quan trọng khi lần đầu tiên giảm lãi suất trong 4 năm qua, kết thúc chu trình tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm nhằm đối phó với lạm phát. Có ý kiến cho rằng, việc Fed mạnh tay giảm lãi suất là do lo ngại nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm tới 50 điểm cơ bản lãi suất điều hành giống như “một sự can thiệp trước” để tránh tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ, hơn là “một hành động chữa cháy” của Fed khi mọi thứ đã quá muộn.
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, thị trường chứng khoán vào thời điểm Fed hạ lãi suất thường có biến động khó lường. Thống kê của chuyên gia từ VPBankS cho thấy, trong 3 đến 6 tháng sau khi Fed hạ lãi suất, kể cả có suy thoái hay không suy thoái kinh tế, thị trường thường có một khoảng điều chỉnh giảm, sau đó mới đi lên. Với lưu ý về ảnh hưởng từ động thái của Fed, ông Sơn cho rằng, nhà đầu tư nên chờ đợi và thận trọng trong tháng 9 và 10.
Liệu có mùa thu hoạch?
Tuy nhiên, theo ông Sơn, sự luân chuyển của dòng vốn có thể tạo ra những khác biệt. Thực tế, thống kê trong tuần đầu tiên sau khi Fed đưa ra quyết định hạ lãi suất, top 10 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới đều ghi nhận cú bật trên 2%, dẫn đầu là chỉ số sàn chứng khoán Hồng Kông với mức tăng trên 5%, Philippines (+3,27%), Nikkei 225 (3,2%), hay sàn chứng khoán Thượng Hải (+2,2%)…
Quyết tâm hướng đến mục tiêu nâng hạng năm 2025
Chứng khoán Việt Nam tăng trong tuần vừa qua không nằm trong nhóm dẫn đầu, nhưng điểm sáng là sự trở lại của dòng vốn ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài có 4/5 phiên mua ròng, chỉ bán ròng ở riêng phiên 20/9, cũng là phiên hai quỹ ETF ngoại cơ cấu xong danh mục. Tổng cộng, giá trị mua ròng khoảng 1.230 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi bán ròng liên tục đã kéo dài sang tuần thứ 4.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree cho rằng, trong trường hợp Mỹ gặp suy thoái, sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, việc Fed hạ lãi suất sẽ giảm áp lực cho tỷ giá, từ đó nâng cao khả năng Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất thấp như hiện tại. Đánh giá tác động chung, ông Khang cho rằng, quyết định của Fed có tác động tích cực nhiều hơn với nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh các tác động chung từ sự xoay chiều chính sách tiền tệ của nền kinh tế số một thế giới đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán, bản thân thị trường Việt Nam cũng có những câu chuyện riêng. Tháng 10 năm nay, giới đầu tư chờ đợi thông tin công bố về bảng phân hạng thị trường của FTSE Russell. Tổ chức xếp hạng này đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán trong suốt 6 năm qua. Chắc chắn chưa có sự thay đổi về xếp hạng ở kỳ này.
Tuy nhiên, sự ra đời của Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều “gỡ” nút thắt khi cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền và có hiệu lực từ ngày 2/11/2024. Đây sẽ là cơ sở để FTSE Russell đưa ra đánh giá tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cùng với đó, Yagi - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm ở khu vực Biển Đông gây ra thiệt hại nghiêm trọng cũng là “thiên nga đen” xuất hiện bất ngờ và có thể gây tác động khó lường. Song theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sẽ bù đắp thiệt hại từ bão và hỗ trợ tăng trưởng GDP quý III/2024, bao gồm các chương trình hỗ trợ dự kiến của Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế sau bão; hoạt động xuất nhập khẩu tích cực hơn so với dự báo ban đầu; và môi trường tín dụng toàn cầu dần nới lỏng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận