Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông “khoác” sắc xanh
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Năm (16/05), khi Mỹ nhắm tới Huawei một lần nữa, làm gia tăng thêm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại.
Tính tới lúc 14h ngày thứ Năm (16/05 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục khởi sắc, trong đó chỉ số Shanghai Composite tăng 12.64 điểm (tương đương 0.43%), còn Shenzhen composite tiến 0.228%.
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng lấy lại sắc xanh, tăng 78.91 điểm (tương đương 0.28%).
Chỉ số ASX 200 của Australia tăng 43.6 điểm (tương đương 0.69%) khi phần lớn lĩnh vực đều khởi sắc.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 14h giờ Việt Nam Nguồn: CNBC |
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 125.58 điểm (tương đương 0.59%), còn Topix lùi 0.61%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 25.09 điểm (tương đương 1.2%).
Nhóm cổ phiếu sản xuất xe hơi ở châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Năm (16/05), trong đó tại Hàn Quốc, cổ phiếu Hyundai Motor giảm 0.39% và Kia Motors vọt 1.55%. Ở Nhật Bản, cổ phiếu Nissan tăng 0.25%, còn Toyota hạ 1.28%.
Diễn biến trên xảy ra sau khi xuất hiện thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump định trì hoãn áp thuế quan lên xe hơi thêm 6 tháng.
Nhà Trắng có hạn chót đến ngày 18/05/2019 để quyết định xem có áp hàng rào thuế quan lên xe hơi và phụ tùng xe hơi nhập khẩu hay không. Theo luật, chính quyền Mỹ có thêm 180 ngày để đưa ra quyết định trong lúc họ đang đàm phán với các bên. Ông Trump xem hàng rào thuế quan là cách để giành lợi thế với các đối tác thương mại như Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản trong các cuộc đàm phán thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể châm ngòi cuộc xung đột thương mại mới trên toàn cầu nếu ông thực hiện áp thuế lên xe hơi. Chẳng hạn, EU đã chuẩn bị một hàng rào thuế quan để đáp trả nếu ông Trump nhắm tới xe hơi nhập khẩu từ khu vực này.
Dựa trên nguồn tin thân cận, quyết định trì hoãn áp thuế được đưa ra khi Nhà Trắng cố gắng tiến tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để chấm dứt cuộc xung đột ngày càng leo thang. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nâng thuế lên hàng hóa của nhau trong vài ngày gần đây, động thái như “châm thêm dầu vào lửa” giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – một yếu tố khiến thị trường tài chính kinh hãi và đe dọa tới nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại tiếp tục gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư khi ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước các mối đe dọa tới công nghệ Mỹ.
Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh ủy quyền cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross – có tham vấn với các quan chức hàng đầu khác – để ngăn chặn các giao dịch có liên quan tới công nghệ thông tin và công nghệ viễn thông “tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được tới an ninh quốc gia của nước Mỹ”.
Sau sắc lệnh trên, Bộ Thương mại Mỹ thông báo thêm Tập đoàn Huawei Technologies và các công ty con vào Danh sách Thực thể của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), khiến việc Huawei làm ăn với các công ty Mỹ trở nên khó khăn hơn rất nhiều,
Trong khi đó, sự xuất hiện của các dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo làm dấy lên nỗi lo sợ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong ngày thứ Tư (15/05) rằng doanh số bán lẻ của Mỹ giảm 0.2% trong tháng 4/2019, trái ngược với dự báo tăng trưởng 0.2% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Đêm qua, dữ liệu tại Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 4/2019 tăng trưởng 5.4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003 và thấp hơn dự báo tăng trưởng 6.5% từ cuộc thăm dò của Refinitiv. Doanh số bán lẻ Trung Quốc cũng khiến các chuyên gia kinh tế không khỏi thất vọng.
Dữ liệu đáng thất vọng từ cả Mỹ lẫn Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai bên ngày càng leo thang. Trước đó trong tuần này, Trung Quốc quyết định nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 01/06. Trong ngày 10/05, Mỹ quyết định nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời còn dọa áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa khác từ Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận