Chứng khoán sẽ ra sao khi Fed giảm lãi suất?
Chuyên gia đến từ VPBankS nhận định trong trung và dài hạn nền kinh tế và TTCK sẽ diễn biến tích cực sau khi Fed giảm lãi suất. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, TTCK có thể rung lắc do lo ngại kinh tế suy thoái.
Cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào 18/9 tới đây, một nội dung quan trọng được chờ đợi là giảm lãi suất. Việc Fed giảm lãi suất đã được kỳ vọng diễn ra từ đầu năm nhưng qua nhiều lần trì hoãn đến nay chưa thực hiện.
Các số liệu thống kê công bố trong tuần qua cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ đã giảm nhiều sau giai đoạn tăng chóng mặt vào năm 2021 – 2022. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) – một thước đo giá bán buôn cho thấy sức ép tăng giá trong lương lai về cơ bản đã được kiểm soát.
Hầu hết các chuyên gia dự báo Fed giảm lãi suất lần đầu tiên trong kỳ họp tháng 9 này, mức giảm có thể là 25 điểm phần trăm. Song, với số liệu mới, một vài tổ chức đưa ra dự báo mức giảm có thể được nâng lên 50 điểm phần trăm.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. Ảnh chụp màn hình
Tại chương trình “Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng” mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết các ngành sản xuất từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đã đi xuống thấy rõ, PMI của hầu hết quốc gia đều dưới 50. Làn sóng cắt giảm lãi suất cho thấy bức tranh kinh tế có vấn đề chứ không phải do lạm phát giảm nữa vì lạm phát đã hạ nhiệt 2 năm gần đây.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất lần thứ 2 liên tiếp, lãi suất huy động giảm 25 điểm phần trăm nhưng lãi suất tái cấp vốn giảm đến 60 điểm cơ bản. Lãi suất tái cấp vốn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, do vậy việc hạ mạnh lãi suất này có mối lo liên quan đến tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát đang trong xu hướng giảm trên toàn cầu và giảm rất nhanh, nhiều chuyên gia còn cho rằng nếu không hạ lãi suất hợp lý thì lạm phát còn thấp hơn kỳ vọng của các ngân hàng trung ương.
Về trung và dài hạn, việc Fed giảm lãi suất sẽ tác động tích cực cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, thống kê cho thấy, trong lịch sử không ít lần sau khi Fed hạ lãi suất là suy thoái kinh tế. Theo ông Sơn, trong trường hợp có suy thoái kinh tế, TTCK sẽ giảm sau 6 tháng và tăng sau 1 năm. Trong trường hợp không suy thoái kinh tế thì TTCK tăng tốt sau 6 tháng và tăng mạnh mẽ sau 1 năm. Nhưng trong ngắn hạn (trong vòng 6 tháng), thị trường có những nhịp sụt giảm mạnh do lo ngại suy thoái kinh tế, có thể thổi bay tài khoản nếu nhà đầu tư không quản trị rủi ro thận trọng.
Mặt khác, trong môi trường lãi suất cao, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường tiền tệ bởi lợi tức ổn định cao hơn lãi suất ngân hàng, thanh khoản tốt và an toàn. Do vậy, phải khi lãi suất giảm xuống mức đủ thấp thì dòng tiền ở các quỹ tiền tệ mới được rút ra và chảy vào các thị trường khác.
“TTCK có nhiều dư địa để tăng trưởng trong 2 – 3 năm tới nhưng cần thận trọng để tránh những biến động trong ngắn hạn”, chuyên gia đến từ VPBankS nhận định.
Dòng vốn ngoại khi nào trở lại?
Khi Fed hạ lãi suất, Việt Nam có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm thêm lãi suất. Qua đó, doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn, dư địa phục hồi tốt hơn, nhất là sau thảm họa bão Yagi. TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế nên chắc chắn hưởng lợi.
Về diễn biến dòng vốn ngoại, khi Fed hạ lãi suất, dòng vốn có xu hướng chạy từ TTCK đã tăng nóng sang TTCK có mức sinh lời tốt hơn. Gần đây, dòng vốn có xu hướng rút khỏi Nhật Bản – nơi TTCK tăng tốt sang một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Phillippines. Đặc biệt là Thái Lan, TTCK nước này đã giảm liên tục và bị rút ròng thời gian qua, nhưng gần đây phục hồi trở lại cũng như thu hút vốn ngoại.
Giám đốc Chiến lược VPBankS đánh giá dòng vốn ngoại sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai gần, có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Bởi Việt Nam có nhiều câu chuyện hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như nâng hạng, nền kinh tế tăng trưởng cao hướng đến xuất khẩu.
Trong xu hướng giảm lãi suất, những doanh nghiệp đang vay nợ nhiều như bất động sản, sản xuất, xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Lãi suất hạ làm chi phí vốn giảm xuống giúp biên lợi nhuận cao hơn.
Khi mặt bằng lãi suất hạ, doanh nghiệp sản xuất có dư địa vay nhiều để thúc đẩy sản xuất, tăng nhu cầu nhập khẩu. Tiêu dùng chiếm khoảng 70% GDP Mỹ, lãi suất cao người Mỹ chắt bóp chi tiêu, lượng nhà mới xây ít và giá nhà cao. Ông Sơn cho rằng khi lãi suất hạ, trong 3 đến 6 tháng tới có thể nhìn thấy nhu cầu tiêu dùng tăng lên, tổng cầu quốc tế tăng lên. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tích cực.
Đồng thời, nhìn lại chu kỳ 2012 – 2015, Fed đưa lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử. Việt Nam vừa có chính sách hỗ trợ lãi suất, vừa đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho bất động sản. Nhờ đó, thị trường bất động sản đóng băng giai đoạn 2011 – 2012 đã phục hồi mạnh mẽ 2014 - 2016. Rất nhiều cổ phiếu bất động sản được cải thiện nhiều về thanh khoản và giá tăng bằng lần.
Tương tự, nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt lợi nhuận trong giai đoạn hạ lãi suất 2015. Bởi khi doanh nghiệp phục hồi thì nợ xấu ngân hàng giảm, giảm trích lập dự phòng, sức khỏe hệ thống ngân hàng cải thiện. Hơn nữa, trong cơ cấu thu nhập ngân hàng hiện nay, thu nhập từ dịch vụ đang tăng và dần chiếm tỷ trọng lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận