Chứng khoán sáng 6/1: Dầu khí nỗ lực cân bằng, thị trường thu hẹp đà giảm
Những ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới đã không còn mạnh trong sáng nay nhưng độ rộng thị trường quá hẹp thể hiện sự lo ngại lan rộng. Riêng nhóm dầu khí hưởng lợi lớn...
Những ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới đã không còn mạnh trong sáng nay nhưng độ rộng thị trường quá hẹp thể hiện sự lo ngại lan rộng. Riêng nhóm dầu khí hưởng lợi lớn.
Các căng thẳng trên thế giới tiếp tục khiến chứng khoán châu Á có phiên đầu tuần giảm khá mạnh. Chỉ riêng chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ 0,59% còn Nhật giảm 1,81%, Đài Loan giảm 1,14%, Hồng Kông giảm 0,54%, Hàn Quốc giảm 0,99%... Riêng giá dầu tăng vọt tiếp 2,33% (dầu WTI) và 2,68% (Dầu Brent).
Tuy nhiên đến gần trưa, chứng khoán châu Á đã có sự phục hồi nhất định, các chỉ số bớt giảm. Các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đã dần lấy lại được độ cao và chỉ còn giảm rất nhẹ.
Chứng khoán Việt Nam cũng có nửa đầu phiên sáng khá xấu khi VN-Index lao dốc xuống 958,63 điểm, giảm 0,67% và để mất ngưỡng 960 điểm. Tuy nhiên trong nửa sau của phiên, thị trường đã phục hồi dần và VN-Index quay lại lên trên mốc này. Chốt phiên chỉ số đã đạt 961,82 điểm, còn giảm 0,34% so với tham chiếu.
Giao dịch sáng nhất hiện tại dĩ nhiên là nhóm cổ phiếu dầu khí. Giá dầu thế giới tăng đột biến cùng với căng thẳng Trung Đông đã giúp GAS tăng 2,95%, PLX tăng 1,05%, PVD tăng 4,28%, PVS tăng 4,97%, PVC tăng 1,47%, PGS tăng 3,35%... Trong đó GAS và PLX lọt vào nhóm trụ đỡ VN-Index.
GAS có phiên tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 9/2019, một phần vì giá dầu tăng, một phần vì mức điều chỉnh rất mạnh trong 2 tháng cuối năm ngoái đã đẩy giá rơi xuống đáy 10 tháng. Chỉ riêng 30 phiên cuối cùng của năm 2019, GAS đã giảm 13,64% giá trị.
Nhóm blue-chips cơ bản là giảm giá, VN30 chỉ có 5 mã tăng/22 mã giảm. Ngoài GAS, CTG cũng bất ngờ đảo chiều mạnh từ giảm 0,94% thành tăng 1,41%. EIB cũng đảo chiều từ giảm 0,87% thành tăng 2,03%. PNJ tăng 0,69%, REE tăng 0,41%.
Số giảm giá gây áp lực cũng rất mạnh do toàn các trụ lớn nhất: VHM giảm 1,88%, VCB giảm 1%, TCB giảm 1,48%, VRE giảm 1,45%. May là các mã còn lại đang thu hẹp đáng kể mức giảm: VNM chỉ còn giảm 0,34%, VIC giảm 0,26%, BID giảm 0,43%, SAB giảm 0,27%.
VN30-Index chốt phiên sáng còn giảm 0,47% so với tham chiếu, phục hồi khá từ mức giảm sâu nhất 0,84%. Độ rộng chung của HSX vẫn ghi nhận 104 mã tăng/203 mã giảm. Khoảng 100 mã đang giảm trên 1%.
Tuy độ rộng hẹp nhưng cũng không có các giao dịch hoảng loạn hay giảm quá sâu. Phổ biến các cổ phiếu giảm trong dải dưới 2%. Đầu cơ giảm sâu chỉ có D2D, DAH, HDC, BCG giảm trên 4% tới sàn. Các mã như HAR, TSC, TTB, FIT giảm dưới 3%.
Sáng nay ROS có biến động khá mạnh, có lúc tăng 3,3% nhưng chốt phiên sáng đã giảm 0,66%. Hôm nay là lượng hàng bắt đáy ngày 31/12 có thể giao dịch với hơn 20,4 triệu cổ. Vì vậy có thể áp lực cắt lỗ vẫn đủ gây sức ép. Chỉ trong T3 mức lỗ đã hơn 13%. Sáng nay ROS mới giao dịch gần 3,5 triệu cổ.
Sàn HNX có nhóm HNX30 cầm cứ khá tốt, chỉ số mới giảm 0,09% với 8 mã tăng/13 mã giảm. Nhóm dầu khí với PVS dẫn đầu nâng đỡ chỉ số này rất nhiều. Trong khi đó HNX-Index giảm 0,66% với 34 mã tăng/58 mã giảm. ACB giảm 1,3%, SHB giảm 1,54%, VCS giảm 1,91%...
Thanh khoản hai sàn duy trì mức trung bình, nhưng thực tế là có tăng nhẹ. Tổng giao dịch khớp lệnh đạt 1.386,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với phiên trước nhưng chủ yếu do ROS giảm giao dịch. Không tính mã này thanh khoản lại tăng nhẹ 2,1%. PVD, PVS, HPG, FPT, CTG đang là các cổ phiếu thanh khoản tốt nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận