Chứng khoán phái sinh: Phòng ngừa rủi ro hay đầu cơ
Bài chứng khoán phái sinh này có 2 phần. Phần lý thuyết và phần ngôn ngữ bà ngoại.
LÝ THUYẾT CƠ BẢN VỀ CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH
** Chứng khoán phái sinh (Derivatives) là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.
Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, v.v. hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, v.v.
** Chứng khoán phái sinh (Derivatives) bao gồm 4 loại chính: Hợp đồng kỳ hạn (Forward Contracts), Hợp đồng tương lai (Futures Contracts), Hợp đồng quyền chọn (Option Contracts) Hợp đồng hoán đổi (Swaps)
Bạn muốn tìm hiểu sâu hãy search Google, tiếng Anh: what is Derivatives, hoặc tiếng Việt: Chứng khoán phái sinh là gì, sẽ ra rất nhiều nội dung về chứng khoán phái sinh.
** Sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30 (HNX30) với 4 sản phẩm có thời gian đáo hạn là 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng.
** Người ta giao dịch chứng khoán phái sinh vì 2 lý do: Phòng ngừa rủi ro (Hedge), và đầu cơ, đặt cược vào sự lên xuống giá (speculation)
GIẢI THÍCH CKPS KIỂU BÀ NGOẠI:
Ví dụ một chủ nông trại trồng số lượng lớn một nông sản, còn gọi là hàng hóa (commodities), sẽ thu hoạch để bán sau 12 tháng.
Giá hiện tại của mặt hàng X đó là USD 90/ tấn. Nếu 12 tháng sau, X vẫn duy trì mức giá này thì anh chủ nông trại sẽ đạt được lợi nhuận kỳ vọng.
Tuy vậy X đang có dấu hiệu biến động giá. Giá tăng hay giảm giá rất khó đoán. Nếu đến tháng 12, giá X cao hơn USD 90/tấn, thì anh lời to. Nhưng nếu X giảm hơn USD 90/tấn thì anh lỗ. Càng giảm anh càng lỗ.
Anh X không muốn hứng chịu lỗ vì sự giảm giá này nên giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro.
Giả sử sản phẩm phái sinh mặt hàng X, đáo hạn vào tháng 12, đang có mức giá G nào đó.
Anh bán (short) với số lượng tương đương khối lượng anh sản xuất, sản phẩm phái sinh mặt hàng X với giá G. Việt Nam gọi là bán khống. Tức là NĐT mở vị thế âm, vị thế bán. Khi đáo hạn thì NĐT sẽ mua vào, vị thế trở về 0.
** Trường hợp X tăng lên 20 USD / tấn vào tháng thứ 12. Khi đó anh bán khối lượng thu hoạch với giá 110/ tấn. Tức là anh thu lợi kỳ vọng (giá 90 USD/tấn), cộng với lợi do giá tăng là 20 USD/tấn.
Tuy vậy khi đó sản phẩm phái sinh X mà anh đã bán (sell) cũng sẽ tăng 20 USD/tấn. Anh đóng vị thế sản phẩm phái sinh này và phát sinh lỗ là 20 USD/tấn.
Hai khoản này bù trừ nhau, và anh chủ nông trại nhận được mức lời kỳ vọng ở mức giá USD 90 / tấn.
** Trường hợp X giảm xuống 30 USD / tấn vào tháng thứ 12. Khi đó anh bán khối lượng thu hoạch với giá 60 USD/ tấn. Tức là anh bị lỗ 30 USD/ tấn, so với mức giá bán kỳ vọng 90 USD/tấn.
Tuy vậy khi đó sản phẩm phái sinh mà anh đã bán (sell) cũng sẽ giảm 30 USD/tấn. Anh đóng vị thế sản phẩm phái sinh này và nhận được lợi nhuận là 30 USD/tấn.
Hai khoản này bù trừ nhau, và anh chủ nông trại nhận được mức lời kỳ vọng ở mức giá USD 90 / tấn.
**** Đó là hiệu quả phòng ngừa rủi ro (hedge) của sản phẩm phái sinh.
Thế nhưng trên thị trường, cũng có nhiều nhà đầu tư, không có trồng hay mua bán X, tức là kg có X vật lý, nhưng họ vẫn giao dịch mua bán sản phẩm phái sinh X. Tức là họ dự đoán xu hướng giá, và ra lệnh mua nếu họ dự đoán giá lên, và bán nếu họ dự đoán giá xuống. Giá diễn biến theo đúng hướng họ đoán thì họ lời. Ngược với hướng họ dự đoán thì họ lỗ. Tiếng anh gọi là Speculation.
Theo các web về trading thì khối lượng giao dịch đầu cơ, cá cược (Speculation) cao hơn rất nhiều so với khối lượng giao dịch nhằm phòng ngừa rủi ro (Hedge). Nhiều người sẽ có cảm giác tội lỗi, hoặc sai sai khi vào casino cá cược đen đỏ. Nhưng họ sẽ cảm thấy rất thoải mái khi tham gia các cược trên các sản phẩm phái sinh. Có lẻ họ nghĩ rằng việc giao dịch này khác casino, vì họ dùng kiến thức, thông tin để dự đoán xuo hướng, biến động giá.
NĐT SỬ DỤNG PHÁI SINH VN30 ĐỂ PHÒNG NGÙA RỦI RO?!
Giả sử có 1 quỹ đầu tư đang nắm 1 danh mục đầu tư dài hạn gồm các cổ phiếu cơ sở, và biến động giá trị của danh mục này gần trùng khớp với chỉ số VN30.
Bước vào tháng 4, dự đoán thị trường diễn biến phức tạp, quỹ này quyết định khóa vị trí hiện tại của mình cho đến cuối tháng 6/2022. Khóa vị trí nghĩa là tạm chấp nhận mức lời hay lỗ hiện tại, giữ nguyên mức lời/lỗ này cho đến cuối tháng 6/2022.
Quỹ đầu tư có thể bán ra hết số cổ phiếu trong danh mục và sẽ mua lại số cổ phiếu này vào cuối tháng 6. Nhưng điều này khó mà thực hiện. Vì số lượng cổ phiếu nhiều, cần thời gian bán ra và mua lại. Và khi bán, mua số lượng lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá CP, lệch với giá họ đang nắm giữ.
Lựa chọn hợp lý hơn là Quỹ đầu tư sẽ bán thực hiện bán ra một số lượng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 06/2022 (VN30 Index Futures June 2022) mã là VN30F2206, với giá trị tương đương với danh mục.
Như vậy trong thời gian từ lúc thực hiện lệnh bán VN30F2206 cho đến khi hợp đồng này đáo hạn vào cuối tháng 6/2022, quỹ đầu tư này sẽ không phát sinh lời hay lỗ thêm. Nếu chỉ số VN30 tăng, thì danh mục lời thêm, nhưng quỹ sẽ bị lỗ gần tương đương bên hợp đồng phái sinh VN30F2206. Nếu chỉ số VN30 giảm thì danh mục đầu tư sẽ sẽ lỗ, nhưng quỹ sẽ lời gần tương đương bên hợp đồng phái sinh VN30F2206. Hai khoản này sẽ bù trừ nhau. Và Quỹ sẽ giữ được vị trí (lời/lỗ) của danh mục từ thời điểm đó cho đến cuối tháng 6/2022.
NĐT CÁ NHÂN GIAO DỊCH CK PHÁI SINH ĐỂ PHÒNG NGỪA RỦI RO?!” CHỈ LÀ CÂU NÓI CỦA SỰ TƯỞNG TƯỢNG.
Có một số môi giới công ty chứng khoán đề nghị/ mời chào nhà đầu tư cá nhân giao dịch CK phái sinh để phòng ngừa rủi ro. Đề nghị này là không hợp lý lắm.
Thứ nhất: Nhà đầu tư ngắn hạn thường chỉ nắm giữ một vài cổ phiếu, với biến động giá khác hẳn với chỉ số VN30. Nếu nhà NĐT nắm những cổ phiếu đầu cơ ngắn hạn thì VN30 có thể lên hay đứng yên, nhưng cổ phiếu của họ vẫn rớt mạnh.
Trường hợp tốt hơn, nếu sự biến động là cùng chiều thì cũng không cùng tỷ lệ.
Ví dụ chỉ số VN30 tăng 10%, thì cổ phiếu của NĐT ngắn hạn có thể tăng 20%, 30%, 40% hoặc hơn.
Nếu chỉ số VN30 giảm 10%, cổ phiếu của NĐT ngắn hạn có thể giảm 20%, 30%, 40% hoặc hơn.
Nói tóm lại lời hay lỗ của phái sinh không bù trừ được với lỗ/lời của cổ phiếu cơ sở.
Thứ hai: NĐT chủ yếu là đầu tư ngắn hạn theo thông tin, theo xu hướng. Nên thông tin không đúng, xu hướng giá sai thì họ thoát chứ không có ý định đầu tư dài hạn. Do đó việc phòng ngừa bằng CK phái sinh là không hợp lý. Cách phòng ngừa rủi ro hợp lý của NĐT ngắn hạn là tuân thủ chốt lời và cắt lỗ.
**** Do đó có thể nói rằng “NĐT cá nhân giao dịch chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro?!” chỉ là câu nói của sự tưởng tượng.
Tôi có viết trong 1 status rằng nếu NĐT nghe theo đề nghị này thì không khéo họ lại lỗ hai lần. NĐT đang thua lớn ở Chứng khoán cơ sở, chưa kịp hoàn hồn thì nhảy qua bán/sell chứng khoán phái sinh. Mà chứng khoán phái sinh trong thời gian vừa qua, tuy là theo xu hướng giảm, nhưng vẫn nhảy lambada lên lên xuống xuống. Với tâm lý không ổn định, NĐT cá nhân có khả năng lỗ tiếp lần nữa vì chứng khoán phái sinh.
** Đối với NĐT ngắn hạn, lướt sóng thì chứng khoán phái sinh hầu như không thể áp dụng làm công cụ phòng ngừa rủi ro. Chủ yếu họ giao dịch chứng khoán phái sinh để đầu cơ. Tức là kiếm lời nếu đoán đúng diễn biến giá.
** Với các đặc điểm: Có thể ra lệnh mở trạng thái là Mua hay Bán, ký quỹ thấp đòn bẫy cao, giá lên xuống nhanh, chứng khoán phái sinh rất phù hợp với các nhà đầu tư thích cảm giác mạnh. Thắng nhanh (và dĩ nhiên thua nhanh).
Theo Cafef và nhiều báo, ông Lê Hải Trà, một lãnh đạo cao cấp của sàn chứng khoán HOSE trước đây, từng phát biểu “Ông Lê Hải Trà: “95% nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường phái sinh. Chỉ 5% kiếm được tiền trên thị trường phái sinh”. Đến nay, theo tôi biết, con số này vẫn thế.
** CÓ HAY KHÔNG VIỆC CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH HẠI CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ, LÀM CHO CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ RỚT GIÁ SÂU HƠN?
Một số bài báo, một số bài Facebook cho rằng “Chứng khoán phái sinh hại chứng khoán cơ sở, làm cho chứng khoán cơ sở rớt giá sâu hơn”.
Theo bạn câu này đúng, hợp lý hay không đúng, không hợp lý. Comment giải thích của bạn nhé.
Bạn nào không giải thích, mà quan tâm đến sự lý giải của tôi thì comment “Tôi/em quan tâm” nhé. Đủ 300 comment tôi sẽ viết nhé
Chúc các bạn một ngày vui.
Thân ái
LMC
Các bạn gọi là chơi hay đầu tư chứng khoán đều được cả. Nhưng nếu các bạn muốn kiếm lợi nhuận, không muốn bị thua lỗ khi chơi hay đầu tư chứng khoán thì hãy hiểu tường tận cách vận hành của cuộc chơi, lý giải được tại sao bạn chơi, tại sao bạn mua hay bán cổ phiếu đó với giá đó, hiểu được sự khác nhau của Giá cổ phiếu và giá trị của doanh nghiệp. Còn chơi mà mong chờ vào vận may thì sẽ túi tiền của mình cũng sẽ hên xui nhé.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận