Chứng khoán phái sinh: Lấy đà để chinh phục đỉnh mới
Khi thị trường tiếp cận đỉnh cũ thì tâm lý nhà đầu tư có sự cẩn trọng là hợp lý, nhưng đây có thể xem là nhịp chùng cần thiết cho một sự bứt phá bền vững hơn.
Tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt trở lại, có lúc chạm mức 1,3% - cao nhất trong vòng 1 năm khi giới đầu tư lo ngại lạm phát sẽ tăng cao.
Lý do là gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được kích hoạt, nhu cầu tiêu dùng hồi phục khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 bớt căng thẳng với số ca nhiễm hàng ngày giảm mạnh và chính sách nói lỏng tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, diễn biến này có thể chưa quá đáng lo ngại khi mặt bằng lạm phát nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát để Fed duy trì biện pháp nói lỏng tiền tệ.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán thường có diễn biến tốt khi lạm phát tăng trở lại từ nền tảng thấp nhưng chưa đủ nóng để khiến Fed quyết định tăng lãi suất.
Do vậy, việc lợi suất trái phiếu tăng khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi ở một khía cạnh nào đó được xem là yếu tố tích cực.
Thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới vẫn có triển vọng khả quan thì các thị trường khác không lo ngại bị tác động tâm lý, nhất là khi mức tăng điểm trong thời gian qua kém xa thị trường này.
Dòng tiền ngoại tiếp sức
Hoạt động giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây rất tích cực, tính cả khớp lệnh trên sàn cũng như giao dịch thông qua ETF.
Cụ thể, khối ngoại mua ròng khớp lệnh gần 1.500 tỷ đồng kể từ đầu tháng 2/2021 tới nay. Trên ETF, khối ngoại mua ròng mạnh hơn, đạt 1.700 tỷ đồng, trong đó mua mạnh nhất vẫn là chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond với hơn 1.200 tỷ đồng.
Sự tiếp sức của dòng tiền ngoại giúp thị trường có thêm động lực để duy trì xu hướng tăng bền vững hơn, bên cạnh sự sôi động của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Khả năng thị trường sớm lập đỉnh
Thị trường chứng khoán khai Xuân khá tưng bừng khi các chỉ số đều tăng mạnh, tiệm cận vùng đỉnh cũ. Diễn biến này xuất phát từ sự tích cực của thị trường quốc tế và tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan.
Tuy nhiên, khi thị trường dần tiếp cận đỉnh cũ thì tâm lý nhà đầu tư có sự cẩn trọng cũng không có gì lạ khi nỗi ám ảnh về nhịp trượt nhanh trước Tết vẫn còn, nhưng đây có thể chỉ là nhịp chùng cần thiết cho một sự bứt phá bền vững hơn.
VN-Index trong phiên cuối tuần qua giảm gần 1 điểm, đóng cửa tại 1.173 điểm, nhưng hai phiên trước đó tăng 57 điểm, tính chung chỉ số tăng 5,2% so với phiên trước Tết Nguyên đán. Tương tự, chỉ số VN30 trong phiên cuối tuần giảm hơn 7 điểm, nhưng vẫn tăng 3,4% sau 3 phiên.
Triển vọng của thị trường chứng khoán quốc tế vẫn được đánh giá cao bên cạnh dòng tiền lớn, đặc biệt là dòng tiền của tổ chức nước ngoài quay trở lại mua ròng có thể được xem là chất xúc mạnh cho khả năng vượt mốc 1.200 điểm của thị trường chung trong thời gian tới.
Chiến lược giao dịch có khả năng thành công cao là canh mua trong các nhịp chùng, chỉ số giảm về vùng hỗ trợ quan trọng từ 1.150 - 1.170 điểm. Mục tiêu kỳ vọng đương nhiên là vượt đỉnh cũ 1.200 điểm.
Thị trường bùng nổ ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu Xuân. Kế hoạch giao dịch phái sinh xuyên suốt từ trước Tết là canh mua (Long), quá trình rung lắc trước đó tạo nền tảng giá tương đối thuận lợi để mở vị thế ngay đầu phiên quanh 1.140 điểm và giữ vị thế mua qua tuần.
Kịch bản tích cực vẫn được duy trì trong tuần này, mặc dù thị trường có thể sẽ không dễ dàng vượt đỉnh, bởi sự thận trọng vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, kế hoạch là tiếp tục nắm giữ vị thế mua đang có và canh mua thêm nếu giá điều chỉnh về khu vực hỗ trợ 1.150 - 1.170 điểm. Mức hỗ trợ mạnh là vùng đệm trước Tết, 1.130 - 1.140 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận