Chứng khoán Mỹ sụt giảm vì bức ảnh giả mạo về 'vụ nổ gần Lầu Năm Góc'
Một bức ảnh giả mạo về “vụ nổ gần Lầu Năm Góc” đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào sáng thứ Hai, khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm trong thời gian ngắn. Đây có thể là ví dụ đầu tiên về việc một hình ảnh nghi do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra có tác động đến thị trường.
Vào lúc hơn 10h ngày 22/5 (giờ New York), khi bức ảnh ghi lại sự cố được cho là “vụ nổ gần Lầu Năm Góc” lan truyền trên mạng xã hội, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 0,3%. Đến khi có thông tin đính chính rằng đây là bức ảnh giả mạo, chỉ số nhanh chóng tăng trở lại.
Bức ảnh giả, xuất hiện đầu tiên trên Facebook, cho thấy một cột khói lớn mà một người dùng Facebook tuyên bố là bùng phát gần trụ sở quân đội Mỹ ở Virginia.
Bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên các tài khoản Twitter có hàng triệu người theo dõi, bao gồm cả trang tin tức tài chính ZeroHedge.
Tuy nhiên, một nhân viên từ Lầu Năm Góc cho biết trong email gửi Bloomberg rằng không có sự cố nào được báo cáo vào sáng thứ Hai.
Sở Cảnh sát Arlington cũng viết trên Twitter: “Không có vụ nổ hoặc sự cố nào xảy ra trong hoặc gần khu Lầu Năm Góc, và không có mối nguy hiểm tức thời nào đối với công chúng.”
Trước khi các nguồn tin chính thức bác bỏ bức ảnh, thì nhiều người đã chỉ ra rằng đây có thể là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
Ông Nick Waters, nhà nghiên cứu tại nhóm tình báo nguồn mở Bellingcat, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng "cú sốc" khi nghe tin đồn về một vụ nổ gần Lầu Năm Góc đã khiến ông vội vàng tìm kiếm bức ảnh.
“Hãy kiểm tra mặt tiền của tòa nhà và cách các hàng rào nhòe vào nhau”, ông viết trên Twitter. “Cũng không có hình ảnh, video do người khác đăng với tư cách là nhân chứng trực tiếp.”
Khi sự thật được phơi bày, các tài khoản Twitter phát tán bức ảnh bắt đầu xóa bài đăng của họ hoặc đăng tin đính chính.
Mặc dù nguồn gốc của hình ảnh vẫn chưa rõ ràng, suy đoán rằng nó được tạo ra bởi AI đã làm sâu sắc thêm mối lo ngại rằng các công nghệ mới nổi có thể dễ dàng tạo hình ảnh và nội dung giả mạo, đẩy nhanh quá trình lan truyền thông tin sai lệch.
Trên Facebook, tài khoản đăng tải bức ảnh đã bị gắn nhãn “thông tin sai lệch” vào bài đăng gốc.
Twitter và Meta Platforms, công ty sở hữu Facebook, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận