Chứng khoán Mỹ: Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục đà sa sút, Dow Jones giảm hơn 50 điểm
Đà sa sút liên tục của nhóm cổ phiếu công nghệ đã khiến các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày đầu tuần.
Trong ngày giao dịch đầu tuần, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 54,34 điểm, tương đương 0,2%, xuống 34.327,79. Trong khi đó, Chỉ số S&P 500 mất 0,3% xuống 4.163,29 khi lĩnh vực công nghệ giảm 0,7%. Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 13.379,05.
Nhóm Big Tech đã phải chịu áp lực đầu tuần, với việc cổ phiếu của Apple và Netflix đều giảm 0,9%. Ngoài ra, cổ phiếu của Microsoft cũng giảm 1,2%, trong khi Tesla giảm hơn 2% khi nhà đầu tư nổi tiếng Michael Burry tiết lộ một vị thế bán lớn đối với hãng sản xuất ô tô điện này.
Trong những tuần gần đây, các nhà giao dịch đã 'tháo chạy' khỏi lĩnh vực công nghệ trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự chuyển hướng khỏi cổ phiếu tăng trưởng và chuyển sang các cổ phiếu tài chính, năng lượng và nguyên vật liệu theo chu kỳ, nhạy cảm với việc tái mở cửa kinh tế.
Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của UBS cho biết: "Các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho những đợt biến động lớn hơn nữa, do dữ liệu lạm phát cùng với các rủi ro khác, chẳng hạn như thất bại trong việc kiềm chế đại dịch. Dù vậy, chúng tôi không thấy những lo ngại về lạm phát sẽ kết thúc đà tăng của thị trường chứng khoán, điều mà các nhà phân tích đang kỳ vọng sẽ được dẫn dắt khi kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại".
Cổ phiếu dịch vụ truyền thông Discovery đã chống lại xu hướng đó, tăng mạnh sau khi AT&T thông báo vào ngày thứ Hai rằng sẽ hợp nhất WarnerMedia, bao gồm HBO, với Discovery. Thực thể mới sẽ hoạt động như một công ty đại chúng. Cổ phiếu loại B của Discovery đã bứt phá gần 14%, còn cổ phiếu AT&T khép phiên giảm nhẹ sau khi chạm đỉnh cao kỷ lục hồi đầu phiên.
Phố Wall đã trải qua một trong những tuần biến động nhất của năm 2021 khi chỉ số S&P 500 giảm đến 4% cho đến giữa tuần trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng. Chỉ số này cuối cùng phục hồi và chỉ giảm 1.4% trong tuần qua.
Không chỉ vậy, Nasdaq Composite cũng đã giảm 2,3% trong tuần trước, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi lo ngại lạm phát. Chỉ số blue-chip Dow đã giảm 1,1% trong thời gian đó. Cả 3 chỉ số chính đều có tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 26/2.
Nikolaos Panigirtzoglou, giám đốc điều hành tại JPMorgan, cho biết: "Các sự kiện tuần trước không chỉ là dấu hiệu cảnh báo về mức độ khó chịu của lạm phát mà còn là dấu hiệu cảnh báo về việc thị trường chứng khoán bị mua quá mức".
Dữ liệu tuần trước cho thấy, chỉ số tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể buộc phải bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ nếu áp lực giá cao hơn duy trì.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến công bố vào ngày 19/5, có thể cung cấp một số manh mối về suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách về lạm phát.
Ngoài ra, mùa báo cáo lợi nhuận quý I/2021 đang khép lại với hơn 90% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả. Cho đến nay, có đến 86% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo mức EPS dương bất ngờ, đánh dấu tỷ lệ phần trăm cao nhất cho kết quả lợi nhuận dương bất ngờ kể từ năm 2008.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận