Chứng khoán Mỹ giảm điểm vì giá dầu bất ngờ tăng 6%
Phố Wall khép lại một tuần giao dịch đầy biến động, nhưng vẫn đạt thành quả tăng cả tuần...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (13/10), khi giá dầu thô tăng vọt và một báo cáo cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ tăng. Phố Wall khép lại một tuần giao dịch đầy biến động, nhưng vẫn đạt thành quả tăng cả tuần.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, còn 4.327,78 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,23%, còn 13.407,23 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 39,15 điểm, tương đương tăng 0,12%, đạt 33.670,29 điểm.
Tính cả tuần, S&P 500 tăng 0,45%, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp. Dow Jones tăng 0,79%, trong khi Nasdaq giảm 0,18%.
Cả ba chỉ số cùng không giữ được mức cao của phiên sau khi nhà đầu tư đón nhận dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng. Báo cáo từ Đại học Michigan về một cuộc khảo sát thường kỳ cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ sụt giảm trong tháng 10 này, trong khi kỳ vọng lạm phát tăng mạnh.
Một “cú bồi” khác đối với các chỉ số diễn ra khi giá dầu thô tăng vọt vì lo ngại rằng xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine có thể đẩy căng thẳng địa chính trị leo thang và lan rộng ở Trung Đông. Việc giá dầu tăng mạnh làm gia tăng mối lo về lạm phát, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Phiên này chứng kiến nhà đầu tư mua mạnh các tài sản an toàn để phòng ngừa rủi ro địa chính trị. Giá vàng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng, trong đó giá vàng giao sau trên sàn COMEX ở New York tăng hơn 3,1% - đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.
Do giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, lợi suất giảm xuống. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 9 điểm cơ bản, còn 4,62%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm 1 điểm cơ bản, còn 5,05%.
Tuy giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đang ở mức cao, vì các báo cáo lạm phát Mỹ công bố trong tuần này đều cho thấy lạm phát giảm chậm và còn cách xa mục tiêu 2% của Fed. Sự dai dẳng của lạm phát khiến nhà đầu tư chưa thể loại trừ hoàn toàn khả năng Fed còn phải tăng lãi suất thêm một lần nữa, đồng thời tin rằng Fed sẽ phải giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn cho tới khi thực sự đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
“Lãi suất vẫn là nhân tố chính chi phối thị trường… Đã có những dấu hiệu kỹ thuật cho thấy sự phục hồi của thị trường, nhưng giá cổ phiếu vẫn đang phải chống lại xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài”, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC.
Ông Turnquist cho rằng trừ phi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về ngưỡng khoảng 4,35%, “thị trường sẽ còn gặp nhiều khó khăn và biến động trong tháng 10 này”.
Đối với nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall, họ vẫn đang thận trọng nhưng lạc quan rằng thị trường có thể hồi phục trong quý 4 nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trở lại và lãi suất trong nền kinh tế bớt nóng.
“Với lợi suất trái phiếu cao như hiện nay, trái phiếu đang cạnh tranh mạnh với cổ phiếu… Nếu lợi suất ổn định trở lại như chúng tôi hy vọng, thì tôi cho rằng đó sẽ là một môi trường khá tốt cho cổ phiếu”, chiến lược gia trưởng Jeff Buchbinder của công ty LPL nhận định. Ông Buchbinder cho rằng rủi ro nằm ở chỗ lãi suất có thể tăng mạnh nếu lạm phát tăng tốc, nhưng quan điểm của LPL là điều này khó xảy ra.
Một loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3 trong phiên ngày thứ Sáu, mở màn cho một mùa báo cáo kết quả kinh doanh mới ở Phố Wall. Sau khi công bố báo cáo tài chính, cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 1,5%; Wells Fargo tăng hơn 3%; Citigroup giảm 0,2%; và BlackRock giảm 1,3%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 12 tại London tăng 4,89 USD/thùng, tương đương tăng 5,7%, chốt ở mức 90,89 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 5,8 USD/thùng, chốt ở 87,7 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong 6 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng.
Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của dầu thô kể từ ngày 1/12/2022. Cả tuần, giá dầu WTI tăng 4%, đánh dấu tuần tăng nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 1/9.
Thị trường dầu vẫn đang bất an về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, đặc biệt lo ngại về khả năng lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn dính líu vào xung đột này. Trung Đông, nơi căng thẳng đang diễn ra, là khu vực chiếm hơn 1/3 thương mại dầu lửa đường biển trên toàn cầu.
Hôm thứ Năm tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gọi tình hình thị trường dầu hiện nay là “rất nhiều bấp bênh” dù cuộc chiến Israel-Hamas chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung dầu.
Trong một diễn biến khác, Mỹ vào hôm thứ Năm thắt chặt lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga, theo đó áp hạn chế lên hai công ty vận tải biển mà Washington cho là vi phạm quy định về trần giá mà nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) áp lên dầu thô Nga. Theo một số nguồn tin, xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn tăng thời gian gần đây, dù nước này đang thực thi kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu và bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận