Chứng khoán Mỹ giảm điểm, Nasdaq đứt chuỗi tăng điểm 5 phiên liên tiếp
Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,52%, 1,15% và 2,26%. Lĩnh vực hàng hóa không thiết yếu và công nghệ thông tin giảm điểm, tác động tiêu cực lên các chỉ số. Đường cong lãi suất tiếp tục đảo chiều khi lợi suất trái phiếu 2 năm cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần trước thềm mùa báo cáo lợi nhuận quý II, quãng thời gian doanh nghiệp phải đối diện với lạm phát ở đỉnh nhiều thập kỷ.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 164,31 điểm, tương đương 0,52%, xuống 31.173,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,15% xuống 3.854,43 điểm, chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,26% xuống 11.372,6 điểm.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong ngày 11/7. Ảnh: CNBC.
“Tất cả xoay quanh câu chuyện lợi nhuận”, theo Tim Lesko tới từ Mariner Wealth Advisors. “Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn tới thị trường là kỳ vọng lợi nhuận tương lai thay vì kết quả lợi nhuận quý vừa qua”, ông nói.
Jack Ablin, Nhà sáng lập Cresset Capital, dự báo các doanh nghiệp sẽ hạ dự báo lợi nhuận trong năm 2022 khi họ phải “vật lộn” với tình trạng giá cả ngày một tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm và một ngân hàng trung ương quyết liệt siết chính sách tiền tệ.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý II khởi đầu với một số cái tên nổi bật như PepsiCo và Delta Air Lines trong hai ngày 12/7 và 13/7. Sau đó là các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Wells Fargo và Citigroup.
Giá cổ phiếu một số doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ giảm điểm khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại quốc gia này diễn biến phức tạp. Các cơ sở kinh doanh, sản xuất tại Macau phải đóng cửa trong vòng một tuần, trong khi đó, Thượng Hải đã phát hiện ca nhiễm biến chủng BA.5 đầu tiên.
“Covid không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Số lượng ca nhiễm đang ngày một tăng lên trên phạm vi toàn cầu, dù khả năng Mỹ và Liên minh châu Âu tái áp dụng phong tỏa rất thấp”, theo Adam Crisafulli tới từ Vital Knowledge.
Lĩnh vực hàng hóa không thiết yếu trong S&P 500 giảm gần 2,8% trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin giảm 1,4%. Giá cổ phiếu của Amazon và Alphabet giảm hơn 3%. Tesla giảm 6,5% trong khi Netflix giảm 5,2%. Nike, Caterpillar và Walt Disney giảm hơn 2%, kéo tụt chỉ số Dow Jones.
Giá cổ phiếu của Twitter giảm 11,3% sau khi Elon Musk chấm dứt thương vụ mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD do liên quan tới vấn đề tài khoản mạo danh. Công ty này cho biết đã cung cấp cho Elon Musk tất cả thông tin cần thiết để đánh giá tình hình trước đó.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm tiếp tục cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, hay còn gọi là hiện tượng đảo chiều đường cong lợi suất, một dấu hiệu cảnh báo suy thoái. Theo đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong ngày 11/7 ở ngương 3,07% trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm ở ngưỡng 2,99%.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ trái chiều khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm nhẹ, trong khi chỉ số Nasdaq tăng phiên thứ 5 liên tiếp. Chốt tuần, cả ba chỉ số đều tăng điểm trong bối cảnh thị trường lao động vẫn tương đối “nóng”, một tín hiệu cho thấy một cuộc suy thoái mà nhiều người dự báo vẫn chưa thực sự hiện diện, qua đó cải thiện tâm lý của nhà đầu tư.
Báo cáo việc làm tích cực là thông tin tốt đối với nền kinh tế nhưng nó là tiền đề để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm theo đuổi chiến lược quyết liệt tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kéo giảm lạm phát.
Một số chuyên gia và nhà đầu tư dự báo thị trường sẽ tiếp tục đối diện với nhiều biến động trong tương lai.
Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi kết quả chỉ số giá tiêu dùng, dự kiến được công bố trong ngày 13/7 tới. Dow Jones dự báo lạm phát toàn phần, bao gồm chi phí lương thực và năng lượng, tăng từ 8,6% trong tháng 5 lên 8,8% trong tháng 6.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận