Chứng khoán Mỹ giảm điểm
Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,55%, 0,41% và 0,74%.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần sau kỳ nghỉ lễ khi nhà đầu tư gia tăng quan ngại về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới, bên cạnh đó là một cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 173,14 điểm, tương đương 0,55%, xuống 31.145,3 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,41% xuống 3.908,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,74% xuống 11.544,91 điểm. Chuỗi giảm điểm của chỉ số Nasdaq nối dài sang phiên thứ 7, dài nhất kể từ năm 2016.
7/11 lĩnh vực thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, trong đó, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và tiện ích là những trường hợp ngoại lệ.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong phiên giao dịch 6/9. Ảnh: CNBC. |
Diễn biến thị trường trong ngày hôm qua chịu ảnh hưởng chính từ dữ liệu tháng 8 của Viện Quản lý cung ứng (ISM). Theo đó, chỉ số đo lường lĩnh vực dịch vụ của ISM, thước đo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như nhà hàng và khách sạn, đạt 56,9 điểm, cao hơn dự báo 55,5 điểm của giới chuyên gia. Trước đó, báo cáo việc làm tháng 8, công bố ngày 2/9, cũng tốt hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư phố Wall, phản ánh nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối “khỏe mạnh”.
Cả hai báo cáo trên được công bố trước thềm cuộc họp tháng 9 của Fed, với dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo đồng nghĩa với việc Ngân hàng trung ương Mỹ phải quyết liệt hành động hơn trong quá trình siết chính sách tiền tệ.
Nhà đầu tư quan ngại việc Fed tăng mạnh lãi suất sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Hiện tại, tâm lý người tiêu dùng đang trong xu hướng giảm và các chuyên gia đã bắt đầu hạ triển vọng lợi nhuận trong quý III của nhiều doanh nghiệp.
“Khi áp lực đặt lên vai các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày một lớn trong khi nền kinh tế đi ngày một chậm, thị trường chứng khoán chắc chắn chịu ảnh hưởng”, theo Susannah Streeter, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tới từ Hargreaves Lansdown.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vốn tương đối nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất của Fed trong ngắn hạn, tăng lên 3,499%, mức cao thứ hai trong năm nay. Trong khi đó, loại suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,339%, cao nhất kể từ ngày 15/6. Loại suất tăng khi giá trái phiếu giảm.
“Cho tới khi lợi suất trái phiếu tăng chậm hoặc giảm, chứng khoán mới hết gặp khó”, Matt Miskin, Chiến lược gia đầu tư tới từ John Hancock Investment Management, nhận định.
Trong tuần này, nhà đầu tư dành sự quan tâm tới bài phát biểu của một số quan chức Fed, bên cạnh đó là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận