Chứng khoán Mỹ có bị soán ngôi bởi các thị trường mới nổi?
Sự phục hồi của cổ phiếu tại các thị trường mới nổi và châu Âu đang thúc đẩy suy đoán rằng, sự thống trị thị trường chứng khoán kéo dài một thập kỷ của Hoa Kỳ sắp kết thúc.
Khi nói đến thị trường chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Mỹ luôn được xem là một thị trường thành công rực rỡ, với thời gian dài vượt trội bởi một số yếu tố như: Thứ nhất, là sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Kể từ đầu năm 2008, chỉ số đồng DXY - thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 33%.
Sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ do lãi suất tăng, sự giám sát chặt chẽ hơn từ các nhà đầu tư và quan trọng là mức định giá rẻ hơn nhiều ở châu Âu và các thị trường mới nổi đã khiến chứng khoán Mỹ chịu thêm áp lực
Đồng USD mạnh hơn có nghĩa là chi phí trả nợ cao hơn và điều kiện tài chính chặt chẽ hơn đối với các quốc gia khác. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lưu ý, một nửa số khoản vay xuyên biên giới và trái phiếu quốc tế được tính bằng USD. Các khu vực doanh nghiệp tư nhân ở các thị trường mới nổi có mức nợ bằng USD đặc biệt cao.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, chứng khoán Mỹ đã bị sụt giảm bởi sự phục hồi ngoạn mục của cổ phiếu các thị trường mới nổi và châu Âu. Theo kết quả của cuộc khảo sát quản lý quỹ toàn cầu từ Bank of America công bố vào ngày 17/1, những người được hỏi đã cắt giảm phân bổ của họ vào chứng khoán Mỹ xuống mức thấp nhất trong 17 năm. Thay vào đó, họ tăng cường tiếp xúc với các thị trường mới nổi và châu Âu - cả hai khu vực vốn không được các nhà đầu tư ưa chuộng trong nhiều năm.
Điều này đã thúc đẩy suy đoán giữa các chiến lược gia đầu tư rằng, quyền lãnh đạo khu vực trên thị trường chứng khoán đang được chuyển từ Mỹ sang phần còn lại của thế giới sau một thập kỷ thống trị của xứ cờ hoa.
Chuyên gia Nicholas Spiro của công ty tư vấn kinh tế vĩ mô và bất động sản Lauressa Advisory cho biết, đồng USD đã suy yếu mạnh, giảm hơn 10% kể từ cuối tháng 9/2022, chủ yếu do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chiến dịch tăng lãi suất. Sự suy giảm của đồng bạc xanh là một lợi ích cho các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh sự phục hồi đáng chú ý của đồng Euro, đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số DXY.
Sự suy giảm của đồng bạc xanh là một lợi ích cho các thị trường mới nổi
“Đồng tiền chung châu Âu đã tăng 14,5% kể từ cuối tháng 9, với nguyên nhân đáng chú ý là do năng lượng rẻ hơn. Giá khí đốt bán buôn vốn tăng vọt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, nhưng đã giảm mạnh do thời tiết mùa đông ôn hòa. Nền kinh tế khu vực đồng Euro cũng tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2022, bất chấp những dự đoán về một cuộc suy thoái sâu rộng”, chuyên gia cho biết.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, một yếu tố quan trọng khác là việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh chóng đã làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và gây ra sự luân chuyển thị trường chứng khoán ra khỏi Mỹ. Kết quả cuộc khảo sát quản lý quỹ của Bank of America cho thấy kỳ vọng về tăng trưởng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm.
Thực tế, sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ do lãi suất tăng, áp lực chi phí tăng, sự giám sát chặt chẽ hơn từ các nhà đầu tư và quan trọng là mức định giá rẻ hơn nhiều ở châu Âu và các thị trường mới nổi đã khiến chứng khoán Mỹ chịu thêm áp lực. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12, “ông lớn” ngân hàng JPMorgan cũng lưu ý, khu vực đồng Euro chưa bao giờ được định giá hấp dẫn như vậy so với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, còn quá sớm để nói liệu chứng khoán Mỹ có bị phần còn lại của thế giới soán ngôi hay không. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm đối với châu Âu và các thị trường mới nổi như đồng USD phải tiếp tục suy yếu, giá khí đốt cần giảm hơn nữa để giảm áp lực lên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng... Sự vượt trội của châu Âu và các thị trường mới nổi chỉ mới bắt đầu và rất mong manh. Việc thay thế Mỹ trở thành thế lực thống trị thị trường chứng khoán trong nhiều năm tới vẫn là một thách thức khó có thể vượt qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận