Chứng khoán liên tục điều chỉnh, dấu hiệu nào cho biết đáy?
Thị trường chứng khoán đã điều chỉnh liên tục nhiều phiên liên tiếp, VN-Index về gần mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản kém cùng khối ngoại tiếp tục bán ròng khiến thị trường kém hấp dẫn hơn.
Thị trường chứng khoán từ đầu tháng 10 đến nay giao dịch khá khó chịu, VN-Index rơi dần đều từ 1.291 điểm về sát mốc 1.200 điểm, đi cùng với đó là thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, có phiên về 10.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán điều chỉnh đi xuống giúp định giá trở nên hấp dẫn hơn, giới chuyên gia đang chờ cơ hội để bắt đáy. Tuy nhiên, đáy ở đâu và dấu hiệu nào cho biết đáy là điều không dễ đoán được. Mặt khác, thị trường đã điều chỉnh nhiều phiên liên tiếp, trong 9 phiên giao dịch gần đây thì chỉ có 1 phiên tăng giá.
Tại Chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng: Bắt đáy sao để không đứt tay?, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS) bày tỏ nếu trong nhịp tăng, thị trường chỉ cần điều chỉnh nhẹ thì sẽ thu hút dòng tiền. Điều đó xảy ra khi thanh khoản vào khoảng 20.000 tỷ đến 25.000 tỷ đồng mỗi phiên. Song, bối cảnh hiện nay, thanh khoản thị trường chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi phiên cho thấy dòng tiền đã chạy sang các kênh khác như bất động sản hay vàng. Một khi tiền đã đi khỏi mà muốn quay lại thì thị trường chứng khoán (TTCK) phải thực sự rẻ.
Ông Nguyễn Việt Đức. Nguồn: VPBankS
Nhà đầu tư hãy kiên nhẫn
Nhìn lại trong năm nay, thị trường đã có con sóng lớn vào đầu năm nhưng nhanh chóng kết thúc vào tháng 3 và có vài điểm nhấn giúp duy trì được đến tháng 6. Sau đó, từ tháng 6 đến tháng 11, chứng khoán luôn ở trong xu hướng giảm. Đáy thị trường đang ở rất gần, cơ hội rất lớn. “Thay vì FOMO theo thị trường tăng giá thì mua thị trường có định giá hấp dẫn và chờ đợi khoảng 3 đến 6 tháng, khả năng tăng mạnh rất cao. Hiện giờ, nhà đầu tư nên kiên nhẫn một chút”.
Theo đó, chuyên gia VPBankS nêu ra một số chỉ báo như chỉ báo phái sinh. Nếu muốn bắt đáy dựa trên phái sinh thì có 2 yếu tố quan tâm. Thứ nhất là lực bán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường phái sinh, nhà đầu tư nước ngoài được xếp vào nhóm dòng tiền thông minh. Thứ 2 là lượng OI – trạng thái cầm qua đêm. Trên thị trường phái sinh nhà đầu tư đa số dùng để short, khi giá lên có nhiều trạng thái nhưng khi giá xuống gần như có 1 trạng thái duy nhất là short nên lượng OI tạo đỉnh là dấu hiệu kỳ vọng thị trường gần đáy.
Tiếp theo chỉ số P/E, ông Đức cho rằng trong bất kỳ thị trường xấu cỡ nào thì P/E cũng chỉ về mức 10 - 11 lần. Điều này xảy ra vào 2016, trước khi bước vào sóng tăng mạnh 2016 – 2017; năm 2020, trước khi bước vào sóng Covid và năm 2022 khi có câu chuyện về trái phiếu. Còn dựa trên định giá P/B, thị trường có một số điểm hỗ trợ chính 1.155 điểm, nếu thị trường về đây sẽ có con sóng hồi.
Phương pháp cuối cùng là chỉ số sợ hãi. Tức là tìm xem bao nhiêu cổ phiếu đang giao dịch ở ngưỡng dưới RSI 30, số lượng cổ phiếu giao dịch dưới ngưỡng RSI 30 lên mức 20% – 25% là ngưỡng sợ hãi cao độ của thị trường. Nhìn vào lịch sử, trong thị trường panic (hoảng loạn) gần nhất 2022, số lượng cổ phiếu giao dịch dưới RSI 30 lên đến 50%. Trong bối cảnh bình thường, tỷ lệ này lên 30% đã có sóng hồi.
Cuối cùng là giao dịch khối ngoại. Trên thị trường, khối ngoại vẫn là nhóm được đánh giá dòng tiền thông minh dù tỷ trọng giao dịch chỉ 8% – 9%. Theo kinh nghiệm của ông Đức, khi khối ngoại bán thì thị trường có thể không xuống nhưng khi thị trường muốn tạo đáy thì khối ngoại phải mua vào. “Tinh thần nhà đầu tư lúc này đã đi xuống và phải bấu víu vào dòng tiền thông minh. Do vậy, khi khối ngoại quay lại mua ròng 1 đến 2 tuần đầu và xu hướng khá chắc chắn thì thị trường có khả năng tạo đáy cao hơn”.
Nên bắt đáy thế nào?
Ông Đức cho rằng khi bắt đáy nhà đầu tư không nên all in mà giải ngân từng phần theo phương thức cá mập. Cụ thể, nhà đầu tư có thể chia tiền ra thành 4 phần. Lần đầu tiên bắt đáy 25% số tiền đang có. Ở lần tiếp theo, giải ngân tiếp theo 25% nếu cổ phiếu đi ngang hoặc ở hỗ trợ tiếp theo. Nếu như sau 2 lần giải ngân 50% mà số tiền lỗ trên 10% thì phải cắt và làm lại từ đầu. Phần còn lại sẽ chỉ giải ngân ở nửa bên kia của đáy, tức ở lần 3, giải ngân tiếp 25% nếu cổ phiếu tạo đáy và đi lên (vượt MA20). Lần giải ngân cuối cùng là khi thị trường Uptrend, cổ phiếu vượt qua 3 đường trung bình quan trọng MA20, 50 và 200.
Đối với việc lựa chọn cổ phiếu, chuyên gia VPBankS cho rằng không nên lựa cổ phiếu có thị giá thấp, nên chọn cổ phiếu có thị giá từ 15.000 đồng trở lên. Nếu nhà đầu tư cho rằng yếu tố vĩ mô như thuế quan, tỷ giá, đồng USD có thể khiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng thấp hơn vào năm sau thì nên bắt đầu bắt đáy nhóm bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và đồ uống. Ngược lại, nếu cho rằng Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, dòng vốn FDI, doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng nhanh, nhà đầu tư nên bắt đáy cổ phiếu công nghiệp, hàng xa xỉ. Ngoài ra, khi bắt đáy nên tuân thủ quy tắc cắt lỗ 8% và không có ngoại lệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận