Chứng khoán giảm mạnh nhất một tháng, nhà đầu tư nên làm gì?
Trong bối cảnh chứng khoán giảm mạnh nhất tháng, nhà đầu tư cần bình tĩnh, đánh giá lại danh mục, cân nhắc chiến lược đầu tư dài hạn và quản lý rủi ro hiệu quả.
Sau thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025, các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ đã đồng loạt điều chỉnh mạnh. Không ngoài dự đoán của giới đầu tư, chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Mở cửa phiên giao dịch 19/12, VN-Index giảm một mạch 12 điểm và dao động quanh ngưỡng 1.254-1.260 điểm suốt buổi sáng. Sang phiên chiều, chỉ số chính thậm chí còn thủng mốc 1.250, song nhờ lực cải thiện về cuối phiên, VN-Index chốt phiên đạt 1.254,67 điểm, giảm 11,33 điểm, tương đương 0,89%. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất trong 1 tháng qua của VN-Index (phiên 19/11 giảm 11,97 điểm).
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 453 mã giảm (12 mã sàn) và 262 mã tăng (19 mã tăng trần). Dù vậy, nếu xét về từng ngành, biến động các nhóm cổ phiếu lại khá cân bằng. Ngoài ra, các nhóm giảm điểm mạnh nhất cũng điều chỉnh không quá 2% như chăm sóc sức khỏe (-1,43%), tổ chức tín dụng (-1,08%), bất động sản (-1,02%).
Ngay ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, ngoại trừ SSB (-4,3%), các mã còn lại đều không giảm quá 2%. Một số mã “khỏe” như GAS, SSI về lại được mốc tham chiếu, trong khi PLX và BVH lần lượt tăng 0,3% và 0,4%.
Đánh giá về phiên giao dịch 19/12, giới chuyên gia nhìn nhận nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu. TS. Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán VPS nhấn mạnh điều quan trọng ở Việt Nam là nội lực nền kinh tế. Các báo cáo gần đây đều dự báo GDP Việt Nam năm 2025 tăng trưởng tích cực như: Standard Chartered dự báo tăng 6,7%; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng 6,4%...
Ngoài ra, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho TTCK trong nước như mức định giá thấp, tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết năm 2025, cũng như là triển vọng được FTSE nâng hạng…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng quan tâm câu chuyện tỷ giá và kiểm soát tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đang muốn giữ lãi suất liên ngân hàng ổn định quanh 4% để giữ thế chủ động trong điều tiết tỷ giá giai đoạn cuối năm, nhất là trong bối cảnh nhiều diễn biến khó lường của đồng USD sau khi FED giảm lãi suất 0,25%.
Ông Khánh khuyến nghị nhà đầu tư tránh bán tháo trong hoảng loạn, song cần đợi thời điểm giai đoạn tới để cơ cấu danh mục, hạn chế đầu tư dàn trải. Các nhóm ngành ưu tiên và cần quan tâm là viễn thông, hóa chất, cao su tự nhiên, cảng biển, vận tải biển…
“Tuy nhiên việc lựa chọn đầu tư cần sàng lọc kỹ bởi triển vọng từng cổ phiếu trong các ngành sẽ có sự phân hóa”, ông Khánh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường