24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chứng khoán Everest "bất ổn" từ Chủ tịch đến kinh doanh: Cổ phiếu lao dốc, nhà đầu tư tháo chạy

Trước diễn biến “bảy nối ba chìm” của cổ phiếu EVS, nhiều nhà đầu tư từ tổ chức tới cá nhân đã tìm cách “tháo chạy” khỏi doanh nghiệp chứng khoán này...

Vụ án Tân Hoàng Minh khép lại với một bản án hợp tình, hợp lý. Đây có lẽ là một trong những bước đi kịp thời để nắn thị trường trái phiếu bất động sản, đưa trái phiếu trở về đúng bản chất là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế bên cạnh ngân hàng và là kênh sinh lời an toàn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trên thị trường, những lời đồn thổi về vụ án và các cá nhân, tổ chức có liên quan thì vẫn là đề tài chưa bao giờ “nguội”. Trong đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest (mã chứng khoán: EVS) – đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp là một trong những cái tên được giới đầu tư đặc biệt quan tâm

Với hàng loạt lỗi vi phạm, ngày 16/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định xử phạt hành chính đối với Chứng khoán Everest, với số tiền xử phạt là 400 triệu đồng; không có kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra vụ án, sau khi có yêu cầu từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Chứng khoán Everest đã nộp lại toàn bộ số tiền 500 triệu đồng có nguồn gốc từ bán trái phiếu do doanh nghiệp thanh toán phí, vào tài khoản tạm giữ để thu hồi nguồn tiền phạm tội.

RỦI RO ĐEM TIỀN ĐI ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU

Không những gian dối trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu, Chứng khoán Everest còn tồn tại nhiều bất ổn với việc đem tiền đi đầu tư trái phiếu. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của Công ty Chứng khoán Everest cho thấy, doanh nghiệp này đang đầu tư 1.220 tỷ đồng vào trái phiếu chưa niêm yết (tính đến ngày 31/12/2023).

Con số này giảm nhẹ 9% so với năm trước đó do đã hoàn tất lô trái phiếu 169 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Trường phát hành.

Tuy nhiên, nhìn vào danh mục đầu tư còn lại, Everest vẫn tiếp tục mắc kẹt tại lô trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (Xây dựng Vina2) phát hành. Theo đó, đến hết năm 2023, Everest đang nắm giữ 876 trái phiếu thuộc mã trái phiếu VC2H2122001 với tổng số tiền 87,6 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm.

Được biết, VC2H2122001 là lô trái phiếu được Xây dựng Vina2 phát hành ngày 27.10.2021, đáo hạn ngày 27/10/2022. Tổng giá trị phát hành 150 tỷ đồng cùng lãi suất cố định 11,5%/năm. Tổ chức tư vấn và đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý quản lý tài sản đảm bảo 2 là Chứng khoán Everest.

Có thể thấy không chỉ là đơn vị đứng ra thu xếp cho lô trái phiếu VC2H2122001 của Xây dựng Vina2, Everest còn là nhà đầu tư chi tiền để sở hữu một phần số trái phiếu trên.

Theo kế hoạch, ngày 27/10/2022, Xây dựng Vina2 phải thanh toán gốc và lãi của lô trái phiếu cho nhà đầu tư. Nhưng đến ngày 7/2/2023, Xây dựng Vina2 xin khất thêm một năm. Đến lịch một năm sau, tức ngày 27/10/2023, công ty này tiếp tục gia hạn thêm một năm nữa sang ngày 27/10/2024. Lý do được đưa ra là tình hình sản xuất kinh doanh vẫn chưa khả quan.

Thậm chí, tính đến ngày 31/12/2023, khoản đầu tư lớn nhất 882 tỷ đồng vào trái phiếu Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (Cam Lâm) cũng bị "bào mòn" lãi đáng kể. Tháng 12/2023, do Cam Lâm khó khăn về thanh khoản, chậm hoàn thiện xây dựng và phát triển dự án, lãi suất trái phiếu đã được điều chỉnh từ 15%/năm thành 12%/năm (đối với trái phiếu CLACH2124001) và 11%/năm (đối với trái phiếu CLACH2125002). Kỳ điều chỉnh từ ngày 28/12/2023 đến hết kỳ hạn trái phiếu.

Công ty bất ổn, bản thân người đứng đầu là Chủ tịch Chứng khoán Everest cũng liên tục mắc vi phạm. Ngày 31/5/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán Everest.

Theo văn bản, ông Châu đã có hành vi giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin. Cụ thể, ông Châu đăng ký mua 1,2 triệu cổ phiếu EVS từ 8/11 - 30/11/2022. Tuy nhiên, ông đã mua hơn 1 triệu cổ phiếu EVS vào ngày 7/11/2022, tức trước thời gian đăng ký 1 ngày.

Với vi phạm trên, ông Châu bị xử phạt gần 75,4 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng.

CỔ PHIẾU VÀ LỢI NHUẬN LAO DỐC, NHÀ ĐẦU TƯ TÌM CÁCH “THOÁT THÂN”

Ngoài những mặt tối trong lĩnh vực trái phiếu, kết quả kinh doanh Chứng khoán Everest cũng có nhiều dấu hiệu báo động. Theo đó, doanh thu của Everest có dấu hiệu suy yếu khi năm 2022 giảm 18% so với năm trước xuống 905 tỷ đồng; năm 2023 giảm tiếp 57% xuống 383 tỷ đồng. Song song với đó là lợi nhuận ngày càng mỏng với năm 2022 "bốc hơi" tới 82% còn 76 tỷ đồng; năm 2023 giảm thêm 56% về mức 33 tỷ đồng.

Chỉ số ROS (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp) qua đó cũng thu hẹp dần. Năm 2023 là khoảng 8%, tức 100 đồng doanh thu chỉ đem về vỏn vẹn 8 đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi năm 2022 ROS là 8% và 2021 là 38%.

Trong quý 1/2024, Chứng khoán Everest đạt 51,2 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán gần như đi ngang, đạt hơn 5,7 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tư vấn tài chính tăng thêm 56 triệu đồng, đạt 156 triệu đồng. Đáng chú ý, thu nhập từ hoạt động khác tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ, đạt 167 triệu đồng.

Dẫu doanh thu giảm, song nhờ giảm mạnh chi phí hoạt động từ 84,8 tỷ đồng xuống còn 15,5 tỷ đồng nên công ty đạt lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 19 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức thua lỗ 44,1 tỷ đồng cùng kỳ. Lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, cũng cải thiện rất nhiều so với kết quả lỗ 35,4 tỷ đồng của cùng kỳ.

Chứng khoán Everest "bất ổn" từ Chủ tịch đến kinh doanh: Cổ phiếu lao dốc, nhà đầu tư tháo chạy

Diễn biến cổ phiếu EVS trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư trong thời gian qua đã chứng kiến đà lao dốc không phanh của cổ phiếu EVS. Từ vùng đỉnh 27.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 2/2022 đến nay, EVS đã giảm hơn 72%.

Còn tính từ đầu năm đến nay, thị giá EVS đã giảm 16%, hiện ghi nhận ở mức 7.500 đồng/cổ phiếu; song cũng cải thiện đáng kể so với mức 6.900 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 4 vừa qua. Điều này cũng kéo EVS rơi vào nhóm ít các cổ phiếu chứng khoán có mức giá "mớ rau" hiện nay; cùng mức thanh khoản “èo uột”, thậm chí là “tắt” thanh khoản.

Trước diễn biến “bảy nối ba chìm” của cổ phiếu EVS, nhiều nhà đầu tư từ tổ chức tới cá nhân đã tìm cách “tháo chạy” khỏi doanh nghiệp chứng khoán này. Điển hình nhất là Công ty Cổ phần Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn đã đã bán sạch 32 triệu cổ phần (tương ứng 19,42% vốn điều lệ) vào tháng 12/2023.

Cũng trong năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Ngô Thị Thu Hương đã bán toàn bộ 109.312 cổ phiếu đang nắm giữ. Rồi đến Giám đốc tài chính là bà Vũ Thị Thanh Hằng bán hết 89.200 cổ phiếu. Kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng bán sạch 69.500 cổ phiếu.

Mới đây nhất, Ủy viên Hội đồng quản trị Nguyễn Thành Chung cũng đã hoàn tất bán 200.000 cổ phần trong tổng số 432.376 cổ phiếu đang nắm giữ vào tháng 3/2024. Qua đó giảm tỉ lệ sở hữu từ 0,14% xuống còn 0,02%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
5.20 +0.10 (+1.96%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả