Chứng khoán đỏ sàn, Top 10 tỷ phú chứng khoán duy nhất một người nở nụ cười
Kết thúc tuần giao dịch, có tới 9/10 người trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tài sản giảm. Tài sản của người giàu nhất Việt Nam tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm 6%, tương ưng mức giảm 11,117 nghìn tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 2,84% giá trị vốn hóa với các mã cổ phiếu tiêu biểu như VCB (-2,5%), CTG (-3,4%), BID (-3,7%), VPB (-3,5%), MBB (-0,9%), ACB (-3,3%), SHB (-4,8%), TCB (-0,7%)... gây áp lực mạnh lên thị trường.
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm khá mạnh 2,78% giá trị, chủ yếu do sự suy giảm của các cổ phiếu bất động sản giảm, như VIC (-6%), VHM (-1,2%)...
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 1,6% giá trị vốn hóa với các mã như HPG (-0,5%), NKG (-1,6%)... Các nhóm ngành khác như dịch vụ tiêu dùng (-1,1%), dược phẩm và y tế (-1,1%), dầu khí (-0,7%), tiện ích cộng đồng (-0,5%), hàng tiêu dùng (-0,3%)... đều kết thúc tuần giao dịch trong sắc đỏ.
Xét về ảnh hưởng của các mã cổ phiếu, trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến Vn-Index là VIC, VCB và BID khi lấy đi của chỉ số lần lượt 5,60, 2,22 và 1,78 điểm. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số tuần qua là NVL, VNM và LGC khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 0,86, 0,45 và 0,14 điểm tăng.
Với diễn biến của các nhóm ngành cổ phiếu nói trên, đồng nghĩa với việc tài sản của các tỷ phú Việt giảm sâu theo thị giá cổ phiếu. Theo thống kê, có tới 9/10 người trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán ghi nhận mức tài sản giảm sau khi kết thúc tuần giao dịch.
Dẫn đầu là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tài sản của người giàu nhất Việt Nam tại VIC đã giảm 6%, tương ưng mức giảm 11,117 nghìn tỷ đồng và lui về mức 175,385 nghìn tỷ đồng.
Ở vị trí thứ hai, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 427 tỷ đồng so với tuần trước khi cả hai mã HDB và VJC cùng giảm giá, trong đó HDB giảm tới 12,8% còn VJC giảm 1,3%. Hiện tại, giá trị tài sản của bà Thảo tại hai doanh nghiệp này là 22,779 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long vẫn vững vàng ở vị trí thứ ba với tổng giá trị cổ phiếu HPG do cá nhân ông sở hữu là 19,040 nghìn tỷ đồng, giảm 105 tỷ đồng so với tuần trước đó khi HPG đóng cửa tuần ở mức giá 27.200 đồng/cp.
Hai vị trí còn lại trong Top 5 vẫn thuộc về bộ đôi Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang nhưng giá trị tài sản của cả hai đại gia ngân hàng và bán lẻ này đều cùng giảm hơn 150 tỷ đồng sau khi cả TCB và MSN cùng giảm giá.
Hiện tổng giá trị tài sản tại Techcombank và Masan Group của ông Hồ Hùng Anh là 14,747 nghìn tỷ đồng và của ông Nguyễn Đăng Quang là 14,414 nghìn tỷ đồng.
Vị trí thứ 6 trong top 10 thuộc về bà Phạm Thu Hương – người được biết đến với vai trò là Phó chủ tịch Vingroup, đồng thời là vợ của ông Phạm Nhật Vượng. Việc cổ phiếu VIC có tới 4 phiên giảm giá trong tuần qua khiến giá trị cổ phiếu VIC do bà nắm giữ giảm 876 tỷ đồng, còn 13,821 nghìn tỷ đồng.
Trong số 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, người duy nhất ghi nhận mức tăng về tài sản trong tuần vừa qua là ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Novaland. Ông Nhơn hiện đứng thứ 7 trong danh sách này với lượng cổ phiếu NVL do ông nắm giữ trị giá 11,911 nghìn tỷ đồng, tăng 592 tỷ đồng so với tuần trước.
Đứng sau ông Nhơn là bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Phạm Thu Hương và là người đồng cấp với bà Hương tại Vingroup. Tuần qua tài sản của bà Hằng tại VIC cũng đã giảm 585 tỷ đồng, còn lại 9,230 nghìn tỷ đồng.
Hai vị trí còn lại trong Top 10 vẫn thuộc về ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa và bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long. Giá trị cổ phiếu VCS do ông Năng nắm giữ đã giảm 96 tỷ đồng còn 7,567 nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị cổ phiếu HPG do bà Hiền nắm giữ giảm nhẹ 30 tỷ đồng, còn 5,509 nghìn tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, dự báo thị trường sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên đầu tuần tới. Chỉ số đang bị kẹp trong vùng được giới hạn bởi cận trên nằm tại 863-867 điểm và cận dưới là vùng hỗ trợ 840-845 điểm.
Tuy nhiên, áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu, nếu vùng hỗ trợ quanh 840 điểm bị xuyên thủng, thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780-820 điểm trong ngắn hạn.
Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch cuối tháng 6. Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận