Chứng khoán chờ sóng từ mùa công bố kết quả kinh doanh
Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại và nếu chỉ số VN30 vượt được mức 1.310 điểm thì xu hướng ngắn hạn có thể tích cực hơn trong những phiên giao dịch tới.
Nhìn lại kết quả giao dịch tuần qua, thị trường liên tục có những phiên tăng điểm sớm và tiến lên vùng 1.290 điểm, sau đó thu hẹp đà tăng về cuối ngày. Nhưng tổng quan lại, VN-Index vẫn di chuyển theo hướng uptrend khi có tới 4/5 phiên tăng và kết tuần tăng gần 26 điểm so với tham chiếu đầu tuần.
Thanh khoản giao dịch bình quân 3 sàn đạt mức gần 26.000 tỉ đồng/phiên, tăng nhẹ 2% so với tuần trước. Điểm nhấn là dòng tiền liên tục luân chuyển giúp các nhóm ngành đều có cơ hội tăng giá.
Những áp lực gần đây của thị trường liên quan tới tỉ giá, giá vàng đã phần nào hạ nhiệt. Trong khi đó, nền kinh tế vĩ mô trong nước đang trên đà hồi phục từ đầu năm với các điểm sáng như sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023; hoạt động thương mại xuất nhập khẩu phục hồi, trong đó kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 15%, kim ngạch nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ.
Tại ngày 7.6, chỉ số VN-Index giao dịch tại mức P/E 14.44 lần, khá gần với mức trung bình 5 năm qua của thị trường. Tuy vậy, bức tranh về nền kinh tế vĩ mô trong giai đoạn hiện nay đang mở ra nhiều triển vọng về việc lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh trở lại, qua đó kéo giảm mức P/E trong tương lai, qua đó giúp khả năng chỉ số VN-Index vượt kháng cự mạnh 1.300 điểm trong một vài tuần tới là hoàn toàn khả thi.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán AgriBank cho rằng, các yếu tố trên đều đang ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường sẽ tiếp tục được duy trì. VN-Index có thể sớm trở lại vùng 1.300 điểm, nhất là khi nhóm ngành vốn hóa lớn như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đang dần hồi phục trở lại và có nhịp củng cố lại mốc hỗ trợ ngắn hạn.
Khối chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VietinBank đưa ra nhận định, hiện nay nhà đầu tư có thể chia kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II sắp tới của các doanh nghiệp niêm yết thành hai nhóm. Nhóm một bao gồm các ngành có mức nền so sánh thấp trong năm 2023 (như nhóm bán lẻ, ôtô, bất động sản, xây dựng, thép, dệt may, thủy sản…).
Với nhóm này, kết quả kinh doanh quý II năm nay chắc chắn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, tuy vậy nhà đầu tư cần theo dõi chất lượng lợi nhuận từ các số liệu trong báo cáo tài chính để đánh giá khả năng phục hồi trong các khung thời gian dài hơn.
Trong đó, nhóm hai sẽ bao gồm các nhóm ngành đã phát đi các tín hiệu phục hồi sớm hơn (như nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí…). Đối với nhóm này, nhà đầu tư cần đánh giá triển vọng dài hạn của nhóm các doanh nghiệp và theo dõi mức định giá P/E để xem các yếu tố này đã được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu hay chưa để có hành động phù hợp khi số liệu này được công bố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận