Chứng khoán châu Á "rực lửa" khi lạm phát Mỹ tăng cao
Thị trường chứng khoán châu Á ngập "sắc đỏ" trong phiên giao dịch sáng 13/5 sau khi chứng khoán Phố Wall lao dốc bởi ám ảnh lạm phát.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục "nhuốm đỏ" ngay đầu phiên sáng nay 13/5, với chỉ số Shanghai Composite giảm 0,8%, còn chỉ số Shenzhen Component giảm 0,98%.
Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng sụt giảm 1,4%. Các nhà đầu tư đang trông đợi kết quả kinh doanh quý I/2021 và cả năm tài chính của "gã khổng lồ" công nghệ Alibaba mà tập đoàn này dự kiến công bố 7:30 tối nay (giờ Hong Kong/Singapore). Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hong Kong sáng nay rớt giá 2%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt mạnh nhất trong các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á với mức giảm tới 2,14%, trong khi chỉ số Topix giảm 0,85%. Cổ phiếu Softbank Group sáng nay trượt dốc khoảng 6% sau khi tập đoàn này quyết định không gia hạn kế hoạch mua vào, theo Reuters.
Sắc đỏ cũng bao phủ thị trường Australia với chỉ số S&P/ASX 200 trượt 0,4% khi nhóm cổ phiếu ngân hàng rơi vào vùng tiêu cực.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi ghi nhận mức giảm 0,44%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,8%. Các thị trường chứng khoán Ấn Độ, Malaysia, Singapore, và Philippines hôm nay đóng cửa nghỉ lễ.
Chứng khoán Mỹ đêm qua lao dốc sau khi số liệu được công bố cho thấy áp lực lạm phát lớn hơn dự báo. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones "bốc hơi" 681 điểm, tương đương 1,99%, đồng thời đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 1.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng hứng chịu mức giảm sâu nhất trong ngày kể từ tháng 2 sau khi giảm tới 2,1%, còn chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite để mất 2,6%.
Theo Bộ Lao động Mỹ, giá cả hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008 với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
"Phản ứng thị trường đối với số liệu CPI là tức thời... Nỗi sợ hãi của thị trường chứng khoán là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất một cách mạnh mẽ nếu xuất hiện một số quan điểm rằng Fed phản ứng chậm chễ như ông Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers) nêu ra", ông Tapas Strickland, Giám đốc phụ trách kinh tế và thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) bình luận sáng nay.
Chuyên gia Tapas Strickland cho rằng: "Lạm phát vừa phải và việc Fed phản ứng chậm chạp là những diễn biến có lợi thời gian qua, còn nếu lạm phát tăng cao và Fed có động thái sẽ tác động tiêu cực đến việc định giá cổ phiếu".
Fed trước đó cho biết cơ quan này chấp nhận lạm phát tăng cao hơn mục tiêu 2% và sẽ xem xét ngưỡng lạm phát có thể chấp nhận được. Nhưng mối lo ngại hiện nay là lạm phát của Mỹ có thể trở nên quá nóng và Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất, một động thái tiêu cực đối với thị trường chứng khoán.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh sáng nay trượt giá. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm về 90,648, từ mức gần 90,7 thiết lập trước đó. Đồng yên Nhật cũng suy yếu và quy đổi 109,50 JPY/USD, so với mức khoảng 108 JPY/USD ghi nhận trước đó. Đồng đô la Australia rớt giá xuống còn 1 AUD đổi 0,7741 USD, từ mức 1 AUD/0,78 USD trước đó.
Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á sáng nay hạ nhiệt. Dầu thô giao sau của Mỹ trượt giá 0,7% xuống còn 65,62 USD/thùng trong khi dầu Brent giao kỳ hạn rớt giá 0,69% xuống 68,84 USD/thùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận