Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ
Đầu phiên giao dịch sáng 9/3, các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại tác động mạnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế và giá dầu giảm hơn 20% sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia giảm giá dầu.
Cụ thể, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,87% xuống còn 25.134,02 điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải mất 1,56% xuống còn 2.987,18 điểm và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 1,66% xuống mức 1.883,35 điểm.
Trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đầu phiên giảm 5,10% xuống còn 19.691,69 điểm, lần đầu tiên giảm dưới mức 20.000 điểm kể từ đầu tháng 1/2019. Chỉ số Topix giảm 5,01% xuống mức 1.397,77 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng cùng ngày, giá dầu đã giảm hơn 20%, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác "vàng đen" và Saudi Arabia giảm giá dầu.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 21,8% xuống mức 32,29 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 22% xuống còn 35,32 USD/thùng. Đầu phiên, cả hai hợp đồng này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, với giá dầu thô ngọt nhẹ ở mức 30 USD/thùng và giá dầu Brent ở mức 31,02 USD/thùng. Theo đó, giá dầu đang tiến tới mức giảm mạnh nhất lần thứ hai trong lịch sử sau khi giá 2 loại dầu này giảm hơn 30% vào tháng 1/1991.
Trước đó, hãng tin Bloomberg News ngày 8/3 cho biết Saudi Arabia đã thực hiện lần giảm giá bán dầu mạnh nhất trong 20 năm qua với giá dầu giao tháng 4/2020 xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm khoảng 4 - 6 USD/thùng trong khi đối với dầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 7 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Arabia Light của tập đoàn dầu mỏ Aramco (Saudi Arabia) bán sang thị trường châu Âu lần đầu tiên thấp hơn 10,25 USD/thùng so với giá dầu Brent.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Saudi Arabia cũng đã công bố kế hoạch tăng sản lượng dầu thô đáng kể lên trên mức 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4 tới. Những động thái trên diễn ra sau khi các nước đối tác của OPEC, còn gọi là OPEC+, không nhất trí giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày để ứng phó các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 do Nga không ủng hộ đề xuất này.
Nhu cầu dầu mỏ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát dịch COVID-19. Đầu tháng 2 vừa qua, OPEC đã đề xuất giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm sút vì dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức cắt giảm trên vẫn chưa đủ do Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới - vẫn đang chật vật đối phó với dịch COVID-19, trong khi dịch bệnh đang lây lan nhanh sang nhiều nước trên thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận