24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hướng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chứng khoán 9/3: VN-Index tiếp tục tuyệt vọng, P/E về mức 13 lần

Giảm sàn hàng loạt trên diện rộng và không có nổi một cú hồi nào trên thị trường. VN-Index đã chấp nhận buông tay trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên giao dịch, toàn HOSE còn đúng 34 mã tăng trong khi đó 173 giảm sàn trên 368 mã giảm và chỉ 14 mã đứng giá tham chiếu.Tiền lớn vào bắt đáy nhưng vẫn phải đầu hàng để cho trạng thái trắng bên bán còn nguyên ở một loạt các mã từ Ngân hàng, Dầu khí cho đến các nhóm ngành Tiêu dùng, Bất động sản.

Chỉ số VN-Index giảm 6,28% xuống 835,49 điểm. Thanh khoản sàn HOSE đạt 309,1 triệu đơn vị, tương đương 5.561 tỷ đồng.

Nếu như khối nội đã mất hết hy vọng thì nhà đầu tư ngoại cũng tiếp tục bán ra. Khối này tăng cường rút tiền hơn trong phiên chiều và giá trị bán ròng lên 200 tỷ đồng trên HOSE. Tâm điểm là các mã MSN (-70 tỷ đồng) và VIC (-57 tỷ đồng).

Sau phiên hôm nay, P/E của VN-Index đã về chỉ còn 13,06 lần thấp hơn nhiều các thị trường Indonesia, Thái Lan, Phillipines.

Còn HNX-Index, với sự tháo chạy đồng loạt của ACB, SHB, PVS, thiệt hại vẫn lớn hơn, giảm 6,44% xuống 106,34 điểm. Thanh khoản đạt 68,43 triệu đơn vị, tương đương 893,45 tỷ đồng.

Tại UPCoM, UPCoM-Index giảm 5,38% xuống 52,44 điểm. Thanh khoản đạt 33,68 triệu đơn vị, tương đương 402 tỷ đồng.

Đầu phiên chiều, thị trường còn đang bi đát hơn khi nhà đầu tư vẫn bất chấp bán ra bằng mọi giá. Một loạt cổ phiếu Ngân hàng chứng kiến tình trạng trắng bên mua như VCB, STB, MBB, BID, VPB, TPB, CTG...

Con số các mã giảm sàn hiện đã lên tới 143 mã so với 27 mã tăng và 16 mã đứng giá tham chiếu. VN-Index tiếp tục để mất tới 6,12% xuống 836,87 điểm. Theo tính toán sơ bộ, HOSE đang thiệt hại gần 8 tỷ USD vốn hóa trong phiên hôm nay.

Cho đến 13h30, thị trường Việt Nam vẫn đang diễn biến tiêu cực nhất khu vực và chỉ xếp sau đúng ASX 200 (-6,6%).

Trong vòng 2 tiếng rưỡi giao dịch, toàn HOSE đã có 3.556 tỷ đồng được giao dịch trong đó có tới 104 mã giảm sàn. Đây là các diễn biến khẳng định cho xu hướng tháo chạy của nhà đầu tư khỏi thị trường.

Tuy nhiên theo thống kê, khối ngoại chỉ bán ròng 45,57 tỷ đồng, qua đó cho thấy toàn bộ những động thái tháo chạy hiện tại đều xuất phát từ khối nội.

Mọi cổ phiếu bất kể vốn hóa lớn nhỏ đều bị giẫm đạp lên nhau bán ra. CTG (-6,98%), STB (-6,94%), VCB (-6,98%), BID (-6,94%) giảm sàn trong đó CTG, STB giao dịch trên 100 tỷ đồng. HPG (-6,47%), MBB (-6,54%), VPB (-6,55%), TCB (-6,58%) cũng gần như xấp xỉ mức giảm sàn.

Nhiều nhóm ngành khác cũng xuất hiện các mã giảm sàn như HSG, HVN, FLC, PNJ, D2D, TCM, DXG, LDG, HCM, ROS, MWG... Tạm kết phiên sáng, VN-Index mất gần 52 điểm, tương đương 5,97%.

Tại HNX, trạng thái cũng cũng không thể tích cực hơn. HNX-Index giảm 6,12% xuống 106,7 điểm. Thanh khoản đạt 50,07 triệu đơn vị, tương đương 614 tỷ đồng.

Như vậy, tạm thời, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đang gần như dẫn dầu khu vực châu Á về mức sụt giảm, và chỉ thua kém ASX200 (-6,6%).

Các thông tin về gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng của Chính phủ lúc này cũng không còn nhiều giá trị với thị trường trong phiên đầu tuần. Tâm lý dễ trở nên hoảng loạn tiêu cực hơn sau khi số ca lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tăng lên con số 30 và dầu thô đang rơi vào cuộc chiến về giá.

Ngay sau khi thị trường HĐTL chỉ số VN30 mở cửa, đã có báo hiệu về một phiên giao dịch không hề tích cực khi VN30F2003 rơi xuống dưới 800. Trong khoảng 15 phút của phiên ATO của thị trường cơ sở, một loạt các cổ phiếu cùng đều cho thấy trạng thái chất bán tiêu cực.

Và VN-Index đã rớt ngay hơn 16 điểm sau khi phiên ATO kết thúc. Nhìn vào một loạt các mã gây tiêu cực nhất thì đó đều là các trụ quan trọng nhất của thị trường như VCB (-5,7%), VHM (-4,2%), VIC (-3,8%), CTG (-6%), BID (-5,9%).

Tâm điểm của thị trường là GAS (-7%) cũng không thể né được cú đạp của nhà đầu tư khi giá dầu đã có lúc giảm tới gần 30% trong sáng nay. Mã này hiện còn kéo theo PVD (-6,9%).

Nhóm Ngân hàng khi đã có sự tiêu cực của các trụ hàng đầu thì những mã còn lại cũng hầu như không thể tích cực. MBB (-4,8%), STB (-6,1%), TCB (-6,1%), VPB (-5,6%) đều bị bán tháo mạnh ra. Ngay cả SHB (-9,7%) trên HNX cũng có sự liên đới mạnh dù đã tăng tới gần 30% tuần vừa qua.

Cùng với đó là nhiều nhóm ngành cũng đều phản ứng rất tiêu cực trở lại như hàng không với HVN (-6,81%), VJC (-4,4%) bán lẻ, công nghệ với FPT (-5%), MWG (-6,8%), DGW (-6,95%), dệt may là TCM (-6,94%), cao su là DRC (-6,92%). Bất động sản là FLC (-6,9%), ROS (-6,94%), SZC (-6,76%), D2D (-6,9%)...

Hiện chỉ còn duy nhất AMD tăng trần bất chấp thị trường chung hoảng loạn. Thông tin sáp nhập với GAB có lẽ vẫn là đòn bẩy tâm lý quan trọng hơn với cổ phiếu này.

Cả HOSE hiện đang có tới trên 50 mã giảm sàn trên tổng số 275 mã giảm so với 26 mã tăng và 17 mã đứng giá tham chiếu. Tính đến 9h30, VN-Index đang tiếp tục giảm sâu, mất 5,01% xuống 846,77 điểm. Thanh khoản nhanh chóng đạt gần 1.200 tỷ đồng cho thấy nhà đầu tư đang lao ra bán.

Tại khu vực châu Á, chỉ có NIKKEI 225 (-5,9%) và ASX200 (-6,13%) mới ghi nhận các mức giảm sâu hơn VN-Index. Các thị trường còn lại dù tiêu cực nhưng vẫn chưa thể so sánh được với Việt Nam.

Chỉ số HNX-Index thậm chí còn đang giảm sâu hơn cả VN-Index khi để mất 5,48% xuống 107,43 điểm. Nguyên nhân là do các mã giảm không chỉ giới hạn ở SHB mà còn đang có ACB (-6,72%), PVS (-9,93%) đều tỏ ra hoảng loạn cao độ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả