Chuẩn bị gì khi kinh doanh nhà hàng?
Nghề nhà hàng là được ví là nghề "làm dâu trăm họ". Ai đi vào mới hiểu, phải khéo léo, phải chịu đựng lắm. Vừa lo nhân viên, vừa lựa khách hàng, lại vừa phải chịu áp lực trong bếp, áp lực tài chính, áp lực gia đình vv. Nhất là khi mới khởi nghiệp thì lo lắng tứ bề. Mình viết này không phải để làm nản lòng các bạn đang có sẵn dự định kinh doanh.
Kinh doanh hoặc làm việc trong ngành nhà hàng có nhiều thách thức khó khăn, vì vậy bạn cần phải xem xét kỹ càng trước khi quyết định. Mình chỉ muốn các bạn hãy lường trước hết những thách thức, áp lực của nghề nhà hàng để chuẩn bị tinh thần. Sau khi đã lường trước hết những khó khăn, mình vẫn muốn làm, vẫn muốn đi vào thì sẽ tốt hơn, sẽ bớt nhiều thất vọng và mệt mỏi, áp lực về tinh thần sau này.
Dưới đây là những thách thức, khó khăn của ngành nhà hàng bạn nên ý thức trước khi bước vào.
1. Khung giờ làm việc kéo dài
Nhiều chủ nhà hàng làm trên 50h một tuần là phổ biến trong ngành nhà hàng và có thể dẫn đến kiệt sức, gặp vấn đề sức khỏe và thiếu thời gian chất lượng với gia đình. Cá nhân mình khi mới ra khởi nghiệp, thường xuyên thức dậy từ 5h30 sáng, đi chợ mua đồ rồi ở nhà hàng non-stop cho đến 21h00. Nhà hàng mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7. Chủ nhật lại ra dọn dẹp, thay dầu cho máy chiên. Mình làm liên tục như vậy 1 năm liền trước khi tuyển thêm nhân viên và giảm tải công việc cho bản thân. May mắn lúc ấy mình tràn đầy năng lượng bởi hoài bão nâng tầm hình ảnh ẩm thực Việt Nam tại Pháp.
2. Chủ nhà hàng thường ít có thời gian cho bản thân
Đôi khi công việc nhiều đến mức cảm thấy mình bị giam cầm bởi chính thứ mà mình tạo ra, dẫn đến stress và mệt mỏi vì họ không thể buông tay. Nếu buông thì quán không chạy nữa. Mình may mắn không bị cảm giác này nhưng mình biết nhiều chủ nhà hàng từng bị.
3. Lo lắng kinh doanh thua lỗ, stress khi nhà hàng vắng khách sẽ đe doạ an ninh tài chính của gia đình
Nhất là lúc mới bắt đầu, vì vậy bạn cần tự đánh gi tính cách, thần kinh và khả năng chịu áp lực của mình trước khi bắt đầu kinh doanh. Cá nhân mình thường khuyên các bạn không nên để tất cả vốn cá nhân vào việc kinh doanh. Chỉ nên để 50%. Nếu thiếu nên tìm người cùng hợp tác kinh doanh. Thời gian đầu là để tích luỹ kinh nghiệm, nên mình sở hữu ít cổ phần cũng không sao. Khi đã vững chắc, tách ra kinh doanh 100% cũng chưa muộn.
4. Có nên khởi nghiệp theo mô hình doanh nghiệp gia đình?
Lợi thế của mô hình kinh doanh hộ gia đình là tiết kiệm chi phí nhân công ở giai đoạn ban đầu. Vì khi thiếu người, bạn có thể huy động vợ, chồng, con cái, bố mẹ ra giúp mà đôi khi không phải lo chi phí hay giờ giấc cuối tuần. Tuy nhiên về lâu dài sẽ khó ổn định và quán sẽ không thể tự vận hành nếu phải thuê nhân viên với giá cao hơn. Lúc ấy lợi nhuận có thể không còn. Ngoài ra nhiều nhà hàng cũng thất bại do vấn đề gia đình. Vì cả gia đình dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho nhà hàng, dẫn đến nội bộ mâu thuẫn. Vợ chồng không đồng thuận trong cách tư duy về tài chính, về cách quản lý dẫn đến mâu thuẫn và cuối cùng là ly dị. Khi một vợ chồng cùng kinh doanh nhà hàng, theo mình cả hai phải yêu thích, tâm huyết với công việc và đặc biệt phải chuyên nghiệp, tôn trọng vài trò của nhau, động viên nhau mạnh mẽ mới có thể thành công.
Tóm lại, kinh doanh nhà hàng hay bất kỳ dự án kinh doanh nào đều có những rủi ro phải tính đến. Với ngành nhà hàng thì có thêm những đặc thù riêng. Để thành công trong ngành nhà hàng cần sự năng động, kiên trì, có thể chịu áp lực, khéo léo trong giao tiếp vì là ngành dịch vụ, và đặc biệt ngành nhà hàng không phù hợp cho những ai muốn nghỉ cuối tuần. Nếu bạn đã lường trước rủi ro, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị tốt về tinh thần, sức khoẻ và một trái tim đam mê với ngành dịch vụ ẩm thực, nhất là ẩm thực Việt thì ngành nhà hàng cũng có thể trở thành một lĩnh vực thú vị và đầy thách thức để làm việc giúp bạn thành công.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận