24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chưa hết lo lạm phát, Fed có thể phải lo kinh tế Mỹ giảm tốc

Dù lạm phát ở Mỹ còn một chặng đường đáng kể để giảm về mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nền kinh tế nước này đang có những dấu hiệu mất đà.

Tăng trưởng chưa giảm tốc tới mức khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải lo ngại, nhưng điều đó có thể sớm xảy ra nếu xu hướng hiện nay tiếp tục.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát giữ vai trò quan trọng trong các quyết định lãi suất của Fed. Sự chú ý của nhà đầu tư đối với báo cáo này chủ yếu tập trung vào chỉ số PCE, nhằm xác định liệu Fed có bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Theo báo cáo, chỉ số PCE tháng 4 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với mức dự báo mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra, đồng thời không thay đổi so với mức tăng của tháng 3. PCE lõi - thước đo không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng - tăng 2,8%, chỉ nhỉnh hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Wall Street Journal, nhưng số liệu khác về hoạt động của nền kinh tế Mỹ mà bản báo cáo này đưa ra thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả chỉ số PCE. Trong đó phải kể tới các số liệu về thu nhập và tiêu dùng cá nhân.

Thu nhập cá nhân tháng 4 tăng 0,3% so với tháng trước đó, phù hợp với dự báo và giảm tốc từ mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 3. Chi tiêu cá nhân chỉ tăng 0,2%, thấp hơn so với kỳ vọng và giảm tốc mạnh từ mức tăng 0,7% ghi nhận trong tháng 3. Sau khi trừ đi lạm phát, cả thu nhập khả dụng và tiêu dùng cá nhân đều giảm 0,1% so với tháng trước.

Có vẻ như ảnh hưởng tích tụ của mấy năm lạm phát cao đã bắt đầu đè nặng lên người tiêu dùng Mỹ và bào mòn tiền tiết kiệm của họ - điều mà các công ty kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu như cà phê Starbucks hay bách hoá Kohl’s đều đã phản ánh trong các báo cáo tài chính gần đây.

Nhà kinh tế trưởng Scott Anderson của công ty BMO Capital Markets lưu ý rằng tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ trong tháng 4 là 3,6%, dù không thay đổi so với tháng 3, nhưng đã giảm mạnh dưới mức bình quân của 12 tháng là 5,2%.

Cũn gvào hôm thứ Sáu vừa rồi, báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực Chicago cho thấy sự sụt giảm còn 35,4 điểm trong tháng 5 từ 37,9 điểm trong tháng 4. Dù đây chỉ là chỉ số của một khu vực, nhưng cũng là một tín hiệu đáng ngại, bởi PMI của Chicago đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 - thời điểm Mỹ đang phong toả chống dịch Covid-19.

Chưa kể, một báo cáo khác từ Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Năm đưa ra số liệu điều chỉnh cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của nước này tăng 1,3%, thay vì tăng 1,6% như trong lần công bố sơ bộ. Sự suy giảm của số liệu GDP so với công bố lần đầu chủ yếu do suy giảm trong số liệu về tiêu dùng - một dấu hiệu đáng lo ngại khác về tiêu dùng.

Một báo cáo của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics dự báo kinh tế Mỹ chỉ đạt mức tăng 1,2% trong quý 2 năm nay, thay vì tăng 2,7% như dự báo mà công ty này đưa ra cách đây 2 tuần.

Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu của sự giảm tốc. Trong khi đó, Fed vẫn đang chủ trương duy trì lãi suất thêm một thời gian cho tới khi tin chắc rằng lạm phát giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững. Nếu nền kinh tế sụt tốc mà lạm phát còn cao, đó sẽ là một “bài toán khó” đối với Fed, vì nếu Fed giảm lãi suất để cứu tăng trưởng thì lạm phát có nguy cơ trỗi dậy, còn nếu Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát, nền kinh tế sẽ đương đầu áp lực giảm lớn hơn.

Giới phân tích cho rằng Fed hiện tại sẽ không bận tâm nhiều bởi các số liệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế. Fed chỉ có thể thay đổi toan tính về lãi suất nếu thị trường việc làm xấu đi nhanh chóng. Trong tháng 4, tốc độ tăng trưởng của thị trường việc làm Mỹ đã giảm, nhưng số 175.000 công việc mới trong khu vực phi nông nghiệp vẫn là một con số khả quan. Báo cáo việc làm tháng 5 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này.

Tuy nhiên, các thống kê về thị trường việc làm vốn được biết đến là những chỉ báo có độ trễ cao về sức khoẻ của nền kinh tế, nghĩa là phản ánh thực tế muộn hơn so với các số liệu khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả