Chưa đồng thuận phương án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do đơn vị này đề xuất.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc VEC đề xuất đầu tư với quy mô 8 làn xe (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) là chưa phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị VEC nghiên cứu thực hiện theo Thông báo số 278/TB-BGTVT ngày 8/7/2022 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp nghe báo cáo về các tuyến giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và phương án tổ chức giao thông của các nút giao trong khu vực. Riêng cầu Long Thành, đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng cầu mới với quy mô tương tự giai đoạn 1 và tổ chức phân làn giao thông cho phù hợp.
Bên cạnh đó, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư, ngoài 2 phương thức đầu tư do VEC thực hiện như đề xuất, Bộ Giao thông vận tải đề nghị VEC bổ sung các phương án đầu tư như: đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP (hợp tác công tư), đầu tư theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu nhược điểm của 5 phương án.
Bộ Giao thông vận tải ghi nhận việc VEC đề xuất phương án đầu tư do ngân sách nhà nước đóng góp 44,4% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy phương án này không khả thi do hiện nay, Bộ Giao thông vận tải không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho dự án như đề xuất. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị VEC cập nhật thông tin để đề xuất phương án có tính khả thi.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải vào đầu tháng 9/2022, VEC kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (cơ quan quản lý nhà nước về giao thông); Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của VEC), chấp thuận phương án giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với phạm vi mở rộng là Km4+000 - Km25+920 (nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), chiều dài khoảng 21,92 km.
Đoạn tuyến này sẽ được mở rộng với quy mô 8 làn xe có xét đến phân kỳ đầu tư kết cấu công trình cầu (móng, mố, trụ 10 làn xe) (phương án 8+); trong đó đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 -Km8+770) sẽ mở rộng với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch.
Đối với đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) được phân kỳ làm 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 đề xuất đầu tư mở rộng với quy mô phần đường là 8 làn xe, phần cầu (kết cấu phần dưới 10 làn xe, kết cấu phần trên 8 làn xe) và giai đoạn 2 sẽ đầu tư mở rộng với lên quy mô 10 làn xe theo quy hoạch tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Riêng đối cầu Long Thành, với đơn nguyên cầu mới, VEC đề xuất trong giai đoạn 1 phạm vi cầu dẫn (kết cấu phần dưới là 5 làn xe và kết cấu phần trên là 4 làn xe) và cầu chính là 5 làn xe; giai đoạn 2 sẽ đầu tư mở rộng hoàn chỉnh cầu dẫn lên 5 làn xe. Đối với cầu Long Thành hiện hữu, đơn vị đề xuất dự án kiến nghị không đầu tư mở rộng cầu và kiến nghị tổ chức giao thông châm trước 5 làn xe.
Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư mở rộng 21,92 km cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành dự kiến là 13.882,97 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng).
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải từng chỉ đạo VEC nghiên cứu đầu tư với quy mô 10 làn xe theo quy hoạch. Trường hợp VEC huy động được nguồn vốn để đầu tư, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ phương án VEC thực hiện đầu tư với điều kiện phải có ý kiến thống nhất của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nghiên cứu thủ tục đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận