24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ trung tâm thương mại giải cứu hãng bán lẻ

Khi các khách thuê như Brooks Brothers hay Forever 21 phá sản, nhiều chủ trung tâm thương mại hỗ trợ tài chính cho họ để cứu cả ngành bán lẻ.

Hãng chục hãng bán lẻ Mỹ đã bị đẩy đến bờ vực phá sản và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản năm nay do đại dịch. Trong đó có nhiều cái tên nổi tiếng như J.Crew, Brooks Brothers, GNC hay RTW Retailwinds – công ty mẹ của New York & Co. Danh sách này sẽ còn được nối dài khi đại dịch vẫn hoành hành trên thế giới.

Rất nhiều hãng bán lẻ là huyết mạch của các trung tâm thương mại, do thuê nhiều gian hàng trong này. Việc này khiến một số chủ sở hữu trung tâm thương mại lớn nhất Mỹ, với số tiền mặt dồi dào, phải tìm cách cứu họ để vực dậy cả ngành này.

Simon Property Group – công ty sở hữu nhiều trung tâm thương mại nhất Mỹ- có 8,5 tỷ USD tiền mặt và tài sản thanh khoản cao, tính đến hết tháng 6. Đầu tháng này, họ lại phát hành trái phiếu để huy động thêm 2 tỷ USD nữa.

Simon tuần trước hợp tác với hãng quản lý thương hiệu Authentic Brands Group (ABG) để hỗ trợ tài chính, giúp Brooks Brothers thoát phá sản. Theo tài liệu nộp lên tòa án, khoản vay trị giá 80 triệu USD, không phí và lãi suất, được Sparc (công ty do Simon và ABG tạo ra) cung cấp . Dù vậy, khoản vay này yêu cầu Brooks Brothers sử dụng thương hiệu kèm với tên của bên cho vay. Và trong trường hợp Brooks Brothers thanh lý hoàn toàn, Sparc sẽ giữ quyền sở hữu trí tuệ.

ABG và Simon cũng đang hợp tác ra giá 191 triệu USD mua lại tài sản của hãng thời trang Lucky Brand. Trong khi đó, bộ ba ABG, Simon và Brookfield Properties – một chủ sở hữu trung tâm thương mại khác tìm cách mua lại chuỗi bán lẻ JC Penney. Trước đó, bộ ba này đã giải cứu Forever 21 với giá 81 triệu USD. Chuỗi cửa hàng thời trang này nộp đơn phá sản tháng 9/2019.

CEO ABG Jamie Salter tháng trước cho biết trên CNBC rằng ông coi JC Penney là một thương hiệu đáng giải cứu. Đánh giá của ông về Brooks Brothers cũng tương tự.

ABG hiện sở hữu nhiều hãng bán lẻ từng phá sản, gồm Barneys New York, Nautica, Nine West and Juicy Couture. Salter cho biết việc hợp tác với một công ty như Simon sẽ giúp họ có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ngoài sản xuất thời trang và nhượng quyền thương hiệu.

Covid-19 đã khiến các trung tâm thương mại tại Mỹ đóng cửa suốt nhiều tháng. Đây là cơ hội mua vào hấp dẫn với các chủ đất.

"Tôi cho rằng đây là món hời với các công ty như Simon. Họ đóng vai trò như các công ty cổ phần tư nhân vậy (mua các doanh nghiệp có tiềm năng, cải tiến hoạt động, sau đó bán lại với giá cao để thu lời). Họ đang ngồi trên một núi tiền và chờ thời. Có lẽ thương vụ với Aeropostale trước đây đã tạo nền tảng thành công cho hoạt động này", Scott Stuart, CEO Turnaround Management Association nhận xét.

Năm 2016, Simon và General Growth Properties (hiện thuộc Brookfield) đã hợp tác với ABG để giải cứu hãng thời trang cho thanh thiếu niên Aeropostale. Cả ba đã thắng thầu, mua lại thương hiệu Aeropostale từ tòa án phá sản với giá 243,3 triệu USD, giải cứu hàng trăm cửa hàng.

Năm ngoái, CEO Simon David Simon cho biết công ty này đã "kiếm được cả tấn tiền" từ thương vụ Aeropostale. Ông không phủ nhận khả năng đổ thêm tiền vào các thương hiệu đang thuê mặt bằng của mình, nhưng nhấn mạnh "chỉ mua các công ty chúng tôi cho rằng có thương hiệu và quy mô xứng đáng".

Dù vậy, nhiều nhà phân tích không ủng hộ ý tưởng này. Một số chuyên gia bất động sản cho rằng Simon có thể đi quá xa so với ngành kinh doanh cốt lõi là bất động sản. "Tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ muốn họ đổ tiền vào ngành của họ hơn", Haendel St. Juste – nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Mizuho nhận xét, "Tôi hiểu các hãng bán lẻ đó là khách hàng lớn của họ. Nhưng đó đâu phải ngành kinh doanh của họ đâu".

Brookfield dường như cũng đang tìm kiếm thêm thương vụ. Hồi đầu tháng 5, công ty này cho biết đang lập quỹ mới và đặt mục tiêu chi 5 tỷ USD để giúp các hãng bán lẻ đang gặp khó.

"Quan điểm của họ là có những thương hiệu tốt cần được giữ lại", Byron Carlock – Giám đốc mảng bất động sản Mỹ tại PwC nhận xét, "Như Brooks Brothers chẳng hạn. Thương hiệu này chẳng có vấn đề gì cả. Chỉ là chủ sở hữu nó mở rộng quá nhanh mà thôi".

Dĩ nhiên, khi các thương vụ dạng này còn quá ít, giới phân tích cho rằng họ cần thêm thời gian để đánh giá liệu chiến lược này có thực sự hiệu quả hay không. "Lợi thế của Simon là họ quá lớn nên có thể đánh cược vào những thương vụ thế này", Vince Tibone – nhà phân tích tại Green Street Advisors cho biết, "Nhưng họ phải thật chọn lọc".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả