Chữ tín trong kinh doanh thời đại dịch
Một tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”, “đôi bên cùng có lợi” sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được mối quan hệ bền chặt với đối tác, khách hàng và nhân viên. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tăng cường “sức đề kháng” để vượt qua khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ khi đại dịch đã qua đi.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong suốt nhiều tháng qua đã gây nên một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Không chỉ các công ty vừa và nhỏ chịu cảnh lao đao mà hàng loạt ông lớn ở nhiều lĩnh vực cũng phải đau đầu đối mặt với nhiều bài toán khó.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm nguyên liệu sản xuất. Đầu vào khan hiếm, các nhà cung cấp cũng chần chừ, khắt khe hơn trong việc cung cấp hàng hóa và ưu đãi, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài.
Một số nhà cung cấp dường như tạo nên một áp lực đe dọa đối với doanh nghiệp khi có khả năng tăng giá bán hoặc giảm chất lượng nguyên liệu đầu vào mà họ cung cấp. Một số bên cũng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng, thời gian cung ứng.
Chính những điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động và doanh thu của doanh nghiệp, thậm chí nhiều đơn vị đã phải ngừng sản xuất do không có nguyên liệu.
Dòng tiền bị gián đoạn, doanh nghiệp phải thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm mọi chi phí có thể để tồn tại. Trong đó, phương án cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để chống đỡ áp lực tài chính.
Một minh chứng cụ thể là Microsoft đã cắt giảm hàng trăm nhân sự trên nhiều khu vực toàn cầu nhằm tái cơ cấu lại hoạt động công ty.
Tổng giám đốc điều hành Grab Anthony Tan cũng đã gửi thông báo cho các nhân viên rằng công ty “sẽ cắt giảm 360 Grabber, tương đương dưới 5% đội ngũ nhân sự”, giữa lúc dịch Covid-19 gây ra tác động lớn.
Ở Việt Nam ngay từ đầu tháng 4/2020, cảnh một nữ quản lý khách sạn phải nghẹn lòng tuyên bố đóng cửa khách sạn, cho toàn bộ nhân sự nghỉ việc cũng đã phản ánh một cách rõ nét bức tranh tối màu trong mùa đại dịch.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của từng người, từ giám đốc đến nhân viên, từ nhân sự hành chính đến kỹ sư, công nhân trong các nhà máy. Họ là người phục vụ khách hàng, và cũng chính là khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Trước thực trạng thị trường có nhiều biến động, việc giữ chân khách hàng đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp. Không chỉ là câu chuyện giữ chân khách hàng để tìm kiếm doanh thu trong mùa dịch mà còn là câu chuyện giữ được niềm tin và tình yêu của khách, để khách hàng vẫn mãi đồng hành cùng doanh nghiệp, ủng hộ doanh nghiệp phát triển khi mọi “bóng đen” đã qua đi.
Giữ chữ tín để giữ chân khách hàng
Trong mùa dịch, khách hàng có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe và cân nhắc lựa chọn các sản phẩm, thương hiệu. Hơn bao giờ hết, uy tín và chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, nếu không, việc nhãn hiệu bị khách hàng quay lưng trong mùa khủng hoảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Đặc biệt, sự uy tín, triết lý kinh doanh “win - win” (đôi bên cùng có lợi), “buôn có bạn, bán có phường” không chỉ giúp doanh nghiệp có được các khách hàng trung thành mà còn có được các đối tác tin cậy sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; nhân sự toàn tâm toàn lực dốc sức cùng lãnh đạo vượt qua khủng hoảng để rồi cùng phát triển lâu dài, bền vững khi khó khăn đã qua đi.
Theo bà Vũ Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại quốc tế Hoa Lâm, win - win là một trong những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật thương thuyết và đàm phán trong lĩnh vực kinh doanh hiện đại.
Theo nguyên tắc này, người lãnh đạo cần phải biết cách tôn trọng và chấp nhận một nguyên tắc chung là “đôi bên cùng có lợi”. Đó là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của một nhà lãnh đạo, đồng thời đảm bảo sự hợp tác bền vững hơn.
“Người đầu bếp muốn làm ra món ăn ngon thì nguyên liệu phải tươi, phải sạch. Cũng giống như vậy, Hoa Lâm tuy chỉ là một công ty cung ứng nguyên vật liệu nhưng mỗi một sản phẩm đều có sự chọn lọc. Để đạt được điều đó, việc giữ mối quan hệ với đối tác, khách hàng và nhân viên là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động khó lường”, bà Kim Anh nhận định.
Thứ nhất là với đối tác, Hoa Lâm luôn tạo sự tin tưởng, minh bạch. Nhờ vậy, công ty này có được sự hỗ trợ và ưu đãi của đối tác, nhà cung cấp nhờ tinh thần “win-win” đã liên tục thực hiện trong nhiều năm qua.
Bà Kim Anh cho biết, nhiều khi nhà cung cấp nước ngoài không cho các doanh nghiệp nợ nhưng với Hoa Lâm thì vẫn được kéo dài thời hạn thanh toán đến cuối tháng nhờ mối quan hệ được duy trì một cách chặt chẽ.
Cũng vì có mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp nên Hoa Lâm - một doanh nghiệp cung ứng vải cho các khách sạn, luôn đảm bảo được vấn đề chất lượng sản phẩm, tạo uy tín đối với khách hàng. Thậm chí, bà Kim Anh còn cho biết, có những khi còn đồng hành với khách hàng trong câu chuyện quản lý, quản trị nhân sự mỗi lần khách hàng ngỏ ý nhờ tư vấn.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây khó cho hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị trong ngành dịch vụ như khách sạn, Hoa Lâm đã điều chỉnh giá theo hướng tốt hơn, phù hợp hơn, hỗ trợ khách hàng từ xa về chi phí vận chuyển, hỗ trợ giao hàng cả trong ngày nghỉ.
Ngoài ra, sứ mệnh “luôn đồng hành cùng khách hàng” cũng được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh. Đội ngũ Hoa Lâm thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm về chuyên môn, kiến thức điều hành doanh nghiệp với khách hàng của mình với tư duy “làm bạn trước khi bán hàng”.
Điển hình như các dịp mừng khai trương, sinh nhật, lễ tết,... đều dựa trên mối quan hệ thân thiết. Hơn thế, còn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng nếu có phát sinh bất cứ vấn đề gì và đề xuất chính sách tốt cho họ trong lần mua bán tiếp theo.
Lãnh đạo Hoa Lâm cho biết, có trường hợp khách hàng ở xa xảy ra vấn đề, bà đã cùng nhân viên đến tận nơi để cùng tìm cách giải quyết. Điều đó khiến khách hàng rất hài lòng.
Đối với nhân viên, bà Kim Anh cho biết, Hoa Lâm không áp dụng chính sách cắt giảm nhân sự hay cắt giảm tiền lương, thưởng trong mùa dịch. Ngược lại, nguyên tắc của làm việc của bà là “không thanh toán lương chậm cho nhân viên dù chỉ nửa ngày”.
Đồng thời, lãnh đạo công ty cũng tạo cơ hội cho nhân viên được tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn, kiến thức ngành vải; học các kỹ năng khác như bán hàng, tư vấn,… Hoa Lâm còn cho nhân viên học lái xe để có thể chủ động trong việc gặp gỡ khách hàng, gửi mẫu, giao hàng. Song song đó, công ty còn nêu cao tinh thần chịu khó và hết lòng vì khách hàng trong tư duy toàn bộ nhân sự.
Thị trường ngày một biến động, cũng giống như không ai đoán trước được diễn biến của dịch Covid-19. Việc các doanh nghiệp tự xây dựng cho mình nguồn nhân lực, mối quan hệ gắn kết với đối tác, niềm tin với khách hàng sẽ góp phần tạo nên năng lực cốt lõi giúp doanh nghiệp vượt qua thử thách sau mùa dịch này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận