Chủ tịch Vietravel Airlines: Nếu chúng ta không mở cửa thì tiêm chủng để làm gì?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines đánh giá sẽ là lãng phí nguồn lực, thời gian và tiền bạc khi toàn bộ nguồn lực đã đầu tư vào việc đưa hoạt động của xã hội trở lại bình thường mới thông qua việc chống dịch thành công và an toàn nhưng không mở cửa để phát triển kinh tế trở lại.
Phát biểu tại Tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức sáng nay, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines đánh giá, việc 16/21 tỉnh thành (có càng hàng không) đồng ý mở cửa hàng không là tín hiệu rất tích cực cho việc mở cửa đi lại.
"Chúng ta muốn mở cửa phát triển kinh tế sau dịch, trước hết phải mở cửa giao thông, trong đó có hàng không. Nếu không mở cửa giao thông sẽ gây tắc nghẽn rất lớn, gây trở ngại cho việc giao thương kinh tế và giao lưu các vùng miền", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Thống kê trong ngày hôm qua về các ca mắc bệnh, ở phía Bắc chỉ có Hà Nam là nhiều thôi, còn lại đa số là ở các tỉnh phía Nam và miền Trung. Do đó, việc chưa mở cửa ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội là do còn tâm lý e ngại, lo lắng khi có sự luân chuyển giữa các dòng người.
TP.HCM là một trong những vùng dịch cao nhất trong thời gian vừa qua, nhưng đến giờ này rất an toàn, với gần như 100% người dân đã tiêm mũi một và gần 70% đã tiêm mũi hai. Như vậy, không có lý gì là không an toàn cả, vì chỉ cần đạt 75% đã là miễn dịch cộng đồng rồi.
Chủ tịch Vietravel Airlines cho rằng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tỷ lệ tiêm chủng rất cao so với một số tỉnh thành khác. Những khu vực này được Nhà nước quan tâm, đã đầu tư nhiều cho công tác tiêm chủng. Do vậy, đừng để việc đầu tư đó trở nên lãng phí và làm mất lợi thế của vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, việc luân chuyển dòng người sẽ dẫn đến những nguy cơ lây lan dịch bệnh nhất định. Bộ Y tế cần ban hành thận trọng, kỹ lưỡng bộ tiêu chí mà chúng tôi gọi là “On Hot” với bốn cấp độ mà Bộ Y tế đã ban hành đưa ra vấn đề này. Đây chính là “luật sống” của chúng ta sau dịch. Bình thường mới là toàn bộ xã hội vận hành trong bối cảnh mới là có dịch. Vì vậy, những quy định của Bộ Y tế với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ trở thành bộ luật cho những người dân sống, đi lại và kinh doanh trong bối cảnh sống chung với dịch. Bộ “On Hot” này rất cần thiết với từng kịch bản ở từng khu vực để mở ra, đóng vào sao cho phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đánh giá, một số hướng dẫn ban hành trong thời gian vừa qua của Bộ Y tế chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống; chưa giải toả được các nỗi lo của các địa phương. Do vậy, các địa phương vẫn phải “cẩn tắc vô áy náy” là "đóng cửa đã".
Điều này dẫn đến đòi hỏi một cấp cao hơn. Có lẽ để điều hành, giải toả tất cả, Chính phủ phải vào cuộc.
"Chúng tôi đánh giá rất cao Bộ GTVT, Cục Hàng không VN khi chủ động từ rất sớm lên kế hoạch hỏi ý kiến các đơn vị, địa phương để mở cửa hàng không. Nhưng chúng tôi cho rằng, khi Chính phủ đã nhìn thấy được vấn đề trong luân chuyển dòng máu trong khắp cơ thể thông qua giao thông, Chính phủ phải đứng ra vận hành trở lại. Chính phủ là cơ quan cấp trên của các Bộ, cấp trên của các tỉnh và là cơ quan điều hành toàn bộ hoạt động của đất nước", vị Chủ tịch Vietravel Airlines kiến nghị.
Chính phủ sẽ ra quyết định và trên cơ sở quyết định đó, các tỉnh sẽ chấp hành. Nếu chúng ta không làm như vậy, các tỉnh sẽ có quy định của riêng mình. Khi đó, các quy định riêng của các địa phương sẽ rất dày và có thể đóng được “COVID-19 toàn tập của các tỉnh”. Khi đó, không ai nhớ nổi trong đó các tỉnh đã ban hành bao nhiêu văn bản để chống COVID-19 nữa. Điều này vô hình biến mỗi địa phương là một lãnh thổ và làm khó cho việc mở cửa kinh tế.
"Chúng tôi làm về du lịch và cũng có một chút về hàng không. Do vậy, tôi cho rằng, nếu chúng ta không mở cửa mà vẫn tiếp tục đóng thì tiêm chủng để làm gì?", ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt câu hỏi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận