Chủ tịch VCCI lo ngại mục tiêu cao sẽ gây bất ổn vĩ mô
Mặc dù đánh giá mục tiêu cao giúp cả hệ thống nỗ lực hơn nhưng Chủ tịch VCCI cho rằng cũng gây sức ép cho chính sách tài khóa, tiền tệ.
Mặc dù đánh giá có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam trong nhiệm kỳ qua mà báo chí trong nước và quốc tế và các báo chính thức tại kỳ họp này đã nêu rõ. Tuy nhiên, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho biết còn nhiều thách thức.
Diễn đàn Doanh nghiệp gửi tới bạn đọc toàn văn phát biểu của Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại phiên thảo luận đầu tiên (3/11) của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Ngôi sao kinh tế Việt Nam
Có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, tôi chỉ xin nhấn mạnh một số điểm: Thứ nhất, điểm sáng đầu tiên là công cuộc phòng chống tham nhũng bước đầu đã có kết quả rõ nét, tạo được dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ này, góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh liêm chính, công bằng với chi phí thấp cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước.
5 điểm sáng nói trên như 5 cánh sao của ngôi sao kinh tế Việt Namđang tỏa sáng trên bầu trời của nền kinh tế thế giới đang có nhiều mây đen bao phủ. Và Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn.
Đại sứ Nhật Bản nói với tôi, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản xin hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch đầu tư thì có tới 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam. Tổng giám đốc tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết Trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á đang được tập đoàn này xây dựng tại thủ đô Hà nội.
Tuần trước, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do VCCI chủ trì tổ chức với sự tham gia của trên 2200 đại biểu từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết các thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá tới trên 11 tỷ đô La Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Những cơ hội thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn!
Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng
Nói cụ thể về những thành tích phát triển của giai đoạn 2016 -2020 thì có thể nói rằng: Mặc dù có việc một số chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, nhưng những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội chúng ta đã đạt được thời gian qua là rất đáng tự hào. Chúng ta đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,8%/năm trong suốt 4 năm đầu nhiệm kỳ. Điều rất cần nhấn mạnh ở đây là chúng ta đã đạt được kết quả này mà không cần phải hy sinh các mục tiêu khác như lạm phát, tỷ giá hay nợ công. Ngược lại, chính việc kiềm chế lạm phát dưới 4%, cộng với nỗ lực giữ tỷ giá ổn định và giảm nợ công xuống còn 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất và chất lượng.
Rồi trong năm 2020, trong bối cảnh COVID-19 khó khăn, chúng ta vẫn tăng trưởng dương, trong khi hầu hết các nền kinh trên thế giới rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam lại ghi thêm dấu ấn lịch sử: Lần đầu tiên chúng ta đã vượt Singapore, Malaysia trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có quy mô lớn nhất ASEAN.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế chúng ta cũng còn nhiều điểm mà chúng ta chưa thể hài lòng. Trong khi các chính sách kinh tế vĩ mô như tài khóa, tiền tệ và các chính sách phát triển như nông nghiệp, xuất khẩu... được hoạch định tương đối tốt thì đại dịch Covid-19 cũng là phép thử cho thấy, mạng lưới an sinh xã hội của chúng ta vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã tăng 1,3 lần trong 5 năm qua, nhưng cho đến nay mới chỉ có 1/3 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này cho thấy một phần là do khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế nước ta còn quá lớn, mặt khác cũng có nghĩa là phần lớn người lao động đã và sẽ không nhận được những hỗ trợ cần thiết vào đúng thời điểm họ cần được hỗ trợ nhất. Cộng vào đó, việc thiết kế và triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp 62 nghìn tỷ cho người lao động và các đối tượng yếu thế còn lúng túng và kém hiệu lực cũng là việc cần phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
Về định hướng phát triển cho 5 năm tới, mặc dù đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, nhưng tôi cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức nếu như ta nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua. Từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và năm 2020, con số còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong 5 năm tới, theo tôi, là mục tiêu rất gian nan. Tương tự, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực.
Có khát vọng là cần thiết, đặt ra mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống nỗ lực hơn, nhưng cũng sẽ gây sức ép lên các chính sách tài khóa và tiền tệ, và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây là điều rất cần cẩn trọng và tôi đề nghị Chính phủ trong chỉ đạo điều hành cần ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng bay lên.
Để thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao trong khi vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, thì giải pháp của mọi giải pháp vẫn là tiếp tục cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn đầu tư. Tôi đề nghị phải quyết tâm thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3,4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN; Chương trình rà xét, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật về kinh doanh đã được chính phủ khởi động cần được triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ nhằm tới mục tiêu có được ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025. Bên cạnh đó cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể - nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào ta. Đừng để khu vực này bị bỏ lại phía sau.
Cuối cùng, để đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới, chúng ta phải nhận diện thật đúng bản chất của làn sóng đầu tư này là làn sóng dịch chuyển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy tôi đề nghị quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng Dự luật về công nghiệp hỗ trợ trình Quốc hội ban hành để thúc đẩy ngành công nghiệp quan trọng này. Nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ và vươn dần lên các phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng, thì dù chúng ta có thu hút được thêm hàng chục, hàng trăm tỷ $ US FDI trong thời gian tới, thì nền kinh tế cũng sẽ không thể thoát được kiếp gia công, dựa vào lao động rẻ và đất nước này sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận