Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nêu 7 kiến nghị phát triển ngành xây dựng Việt Nam
Ông Lê Viết Hải nhấn mạnh mục tiêu của ngành xây dựng là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng.
Phát biểu tại Gala kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ ngày 26/12/2019 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đồng thời là Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định ngành xây dựng trong một thời gian ngắn đã tạo nên một năng lực cạnh tranh vượt trội.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận rằng, doanh nghiệp xây dựng vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ để nhanh chóng đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, góp phần giúp vượt qua bẫy thu nhập trung bình trước khi giai đoạn dân số vàng qua đi (dự báo vào khoảng năm 2030).
Với mục tiêu xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng, ông Hải kiến nghị bảy giải pháp để Chính phủ nghiên cứu và sớm ban hành qui định về một số cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp xây dựng phát triển ra thị trường quốc tế.
Thứ nhất, đối với những dự án quy mô lớn (như dự án đường cao tốc và đường sắt Bắc - Nam, dự án tàu điện ngầm thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dự án sân bay quốc tế Long Thành...) nên chia nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn.
Điều kiện đấu thầu quốc tế nên có quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước theo tỷ lệ tham gia của nhà thầu trong nước tối thiểu là 35% và hình thức liên danh là bình đẳng, cùng quản lý điều phối toàn dự án chứ không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình, hoặc thầu chính - thầu phụ.
Lợi ích đạt được là Chính phủ giảm được gánh nặng về vốn khi thực hiện một gói thầu quá lớn, công trình không bị lãng phí khi chưa đủ điều kiện khai thác hết công suất của dự án đồng thời tạo cơ hội cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng cho các giai đoạn dự án về sau.
Và quan trọng nhất là doanh nghiệp xây dựng trong nước có cơ hội học hỏi để có thể làm chủ công nghệ ngay sau khi được cùng quản lý điều phối dự án với nhà thầu nước ngoài ở gói thầu đầu tiên. Từ đó, nhà thầu trong nước có đủ khả năng làm tổng thầu để triển khai tiếp các gói thầu còn lại mà không phụ thuộc vào nhà thầu ngoại với cái giá phải trả nhiều khi lên đến gấp đôi gấp ba.
Thứ hai, giao cho VCCI hoặc một cơ quan chuyên trách ở trong nước kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (các tòa đại sứ, tổng lãnh sự, các tham tán kinh tế, tham tán thương mại, đại diện các tổ chức phi chính phủ...) để thu thập thông tin về thị trường xây dựng ở những nước có tiềm năng và điều kiện thuận lợi, qua đó cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trong nước nhanh chóng tiếp cận các thị trường này.
Thứ ba, khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản của hiệp định cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác cũng như bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại. Đồng thời, hiệp định cũng nên có điều khoản công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục đào tạo chính quy của Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Một điều khoản nên quan tâm nữa đó là doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư và phương tiện thi công khi đưa vào nước sở tại. Hiệp định cũng cần có điều khoản tránh đánh thuế hai lần đối với doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thục hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của nhà nước như toà đại sứ, toà tổng lãnh sự... Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước.
Sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở Hải ngoại để tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, khuyến khích thành lập hiệp hội những nhà xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ của các chuỗi cung ứng để tăng cường mối quan hệ hợp tác với nhau.
Thứ năm, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển bằng nhiều hình thức như cho doanh nghiệp xây dựng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các chế độ ưu đãi cho ngành xây dựng như các ngành công nghệ cao khác.
Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký bằng sáng chế ở trong nước cũng như quốc tế, rút ngắn qui trình cấp bằng sáng chế cho những phát minh kỹ thuật công nghệ mới trong xây dựng để mở rộng ứng dụng và bảo vệ tài sản trí tuệ của chúng ta, đảm bảo năng lực cạnh tranh lâu dài, bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam.
Thứ sáu, có chính sách phù hợp để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên môn hoá cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác để tạo nên những doanh nghiệp xây dựng có đẳng cấp quốc tế trong từng loại công trình, từng hạng mục công tác chuyên môn. Như vậy, chắc chắn nguồn lực chuyên môn sẽ được tập trung đúng chỗ và năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được nâng lên khi chúng ta hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ bảy, xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển ngành xây dựng Việt Nam và truyền thông rộng rãi về chính sách khuyến khích phát triển toàn diện ngành xây dựng cùng các chuỗi cung ứng với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Không chỉ những người chủ doanh nghiệp các ngành sản xuất công nghiệp mà cả chủ doanh nghiệp xây dựng cũng nên có tư duy toàn cầu. Thúc đẩy sự phấn đấu tự hoàn thiện doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu của mỗi công ty xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận