Chủ tịch Lạng Sơn nói gì về đường dây thu 300 triệu/lốt xe qua xuất khẩu?
Loạt bài điều tra chỉ rõ cách thức thu hàng trăm triệu đồng một lốt xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu của Báo Giao thông đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trả lời phỏng vấn của Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định tỉnh sẽ kiên quyết xử lý, bất kể người liên quan là ai.
Tỉnh chỉ đạo công an điều tra ngay
Công luận cực kỳ bức xúc khi dịch bệnh đang khiến doanh nghiệp, người dân kiệt quệ lại có những đối tượng thu “tiền luật”, lên tới 300 triệu đồng cho một suất xe qua cửa khẩu sớm. Ông có từng nghe phản ánh về việc này trước khi Báo Giao thông đăng loạt bài điều tra?
Khi Báo Giao thông phản ánh về vụ việc một số xe nông sản phải chi hàng trăm triệu đồng để được ưu tiên xuất khẩu sớm, qua nắm thông tin từ nhiều kênh, UBND tỉnh đã nắm được có dấu hiệu nghi ngờ phát sinh các hoạt động tiêu cực này. Chúng tôi đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt tình hình, điều tra, xác minh xử lý thật nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Đã có 3 đối tượng liên quan bị bắt, khởi tố. Hướng xử lý tiếp theo của tỉnh là gì, thưa ông?
Tỉnh chỉ đạo quyết liệt, công an tỉnh đã phát hiện vi phạm, đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam những cá nhân có liên quan đến vụ việc.
Vụ này Công an tỉnh đã báo cáo sơ bộ với Thường trực Tỉnh ủy. Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Có đường dây được "chống lưng"?
Dư luận cho rằng phải có đường dây được bảo kê, “chống lưng” bởi các lực lượng chức năng. Một vài cá nhân ở đội trật tự đô thị huyện không thể đủ quyền lực cho xe qua cửa khẩu không cần đúng quy trình. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Qua kiểm tra, 02 đối tượng vi phạm là lao động hợp đồng tại Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc. Hiện vụ việc đang được điều tra, chưa thể khẳng định được việc có hay không sự tồn tại của đường dây mua bán để được ưu tiên xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu trên địa bàn.
Tất cả đang phải chờ kết quả điều tra cụ thể của cơ quan công an. Quan điểm của Lạng Sơn là không có vùng cấm trong xử lý, không dung túng cho cá nhân nào, dù đó là ai.
Cán bộ hay lãnh đạo nào có liên quan đến vụ việc cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước, đảm bảo tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu.
Công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo
Để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn đến đâu, thưa ông?
Thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, đảm bảo công khai, minh bạch; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong điều hành hoạt động thông quan xuất nhập khẩu.
Tỉnh đã thực hiện niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tại khu vực cửa khẩu để các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể phản ánh thông tin đối với các trường hợp vi phạm để kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường hơn nữa, sâu sát hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tại các cửa khẩu trên địa bàn. Phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay và nghiêm theo đúng quy định.
Một mình Lạng Sơn thì rất khó
Tình trạng các cửa khẩu bị ùn ứ, tắc nghẽn kéo dài trong nhiều tháng qua, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng tổ chức rất nhiều cuộc họp để tháo gỡ. Tới đây Lạng Sơn sẽ làm gì để hạn chế thấp nhất tình trạng trên?
Với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền tỉnh Lạng Sơn, tôi rất chia sẻ với những khó khăn, vất vả lái xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải đã và đang gặp phải trong những tháng qua.
Việc ùn ứ hàng hóa như hiện nay đã khiến người dân, chủ hàng phát sinh thêm nhiều chi phí, thiệt hại về kinh tế.
Nếu để riêng Lạng Sơn tự thực hiện, bảo đảm công tác xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu thì sẽ rất khó, vì còn liên quan đến chính sách vĩ mô của Trung ương, việc chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành có liên quan. Lạng Sơn chỉ đóng góp một phần trong việc bảo đảm xuất khẩu hàng hóa.
Về phía tỉnh, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư mở rộng nâng cao năng lực bến bãi, hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhất là khu vực cửa khẩu. Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó có công tác đối ngoại nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp lâu dài, căn cơ, khoa học trong khâu tổ chức sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, chế biến, tránh việc đưa dồn hàng hóa lên cửa khẩu cùng một thời điểm dẫn đến việc ùn ứ, thiệt hại.
Rất nhiều vấn đề cần xử lý
Có thể hình dung những khó khăn vừa qua Lạng Sơn phải giải quyết như thế nào, thưa ông?
Lượng phương tiện ùn tắc hàng nghìn xe tại các khu vực trên địa bàn tỉnh gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý điều hành của UBND tỉnh trong nhiều lĩnh vực. Nguy cơ lây nhiễm từ lái xe nội địa vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất cao và thực tế đã xảy ra ở nhiều khu vực.
Tỉnh Lạng Sơn đã phải huy động nguồn nhân lực, vật lực rất lớn để đảm bảo công tác quản lý đối với người, phương tiện chở hàng hóa tồn chờ xuất khẩu. Các cơ quan chức năng của tỉnh luôn phải căng mình kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Hàng vạn lái xe, phụ xe đường dài ở lại cùng xe trong các bãi tập kết cả tháng trời, phát sinh rất nhiều vấn đề về sinh hoạt, cần người phục vụ, vệ sinh môi trường, cần lực lượng duy trì an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy...
Nhiều lái xe dương tính với Covid-19 được phát hiện, đưa đi điều trị. Rất rất nhiều vấn đề cần xử lý trong bối cảnh này.
Lạng Sơn thí điểm ngay “cửa khẩu số”
Vậy trong phạm vi thẩm quyền, chức trách của mình, Lạng Sơn đang làm gì để hỗ trợ việc xuất khẩu nông sản thuận lợi?
Chúng tôi đang triển khai các giải pháp đồng bộ, bảo đảm thông quan hàng hóa. Cụ thể:
Thứ nhất, tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Quảng Tây - Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam; thống nhất phương pháp kiểm soát dịch bệnh, phương thức giao nhận hàng hóa; tăng thời gian, hiệu quả thông quan tại các cặp cửa khẩu.
Thứ hai, chúng tôi đã tổ chức kiểm soát dịch bệnh qua 3 lớp; bố trí khu đỗ xe, tạo vùng đệm an toàn, tách biệt với cửa khẩu để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, tạo lập lòng tin từ phía bạn, theo đó cùng phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa..
Thứ ba, Tỉnh đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi giảm giá dịch vụ cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tỉnh chủ động giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu.
Thứ tư, chúng tôi đã nỗ lực triển khai “cửa khẩu số”. Lạng Sơn là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình này.
Nền tảng cửa khẩu số vừa chính thức triển khai thí điểm từ ngày 14/1/2022.
Tất cả quy trình, thủ tục xuất, nhập khẩu sẽ tự động hóa, giúp kiểm soát chặt chẽ thứ tự các phương tiện từ khi đến Lạng Sơn đến lúc thông quan, xuất khẩu.
Cửa khẩu số sẽ công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp, tác động của con người vào hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó giúp phòng tránh những tiêu cực liên quan.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận