menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Lan

Chủ tịch AVI đánh giá RCEP sẽ biến đổi toàn cảnh dòng đầu tư và thương mại trong khu vực

Chủ tịch Viện nghiên cứu Tầm nhìn châu Á cho rằng, cuộc khủng hoảng dịch bệnh lại trở thành “xung lực” để các nước có lợi ích nhanh chóng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến các nền kinh tế khu vực, Tiến sĩ Chheang Vannarith - Chủ tịch Viện nghiên cứu Tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Phnom Penh, cho rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh lại trở thành “xung lực” để các nước có lợi ích nhanh chóng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Campuchia ngày 10/11, Tiến sĩ Chheang Vannarith, chuyên gia phân tích kinh tế - chính trị Đông Nam Á cho rằng đại dịch COVID-19 đã buộc các nước phải hội nhập mạnh mẽ và tích cực hơn nữa, kết nối nền kinh tế của mình nhằm nhanh chóng hồi phục từ cuộc suy thoái hiện nay.

Với 15 quốc gia (trừ Ấn Độ rút lui) đã đạt được thỏa thuận về RCEP hồi tháng 11/2019, gồm các nước thành viên ASEAN và đối tác đối thoại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, RCEP được đánh giá là Hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, các quốc gia thành viên với tổng dân số hơn 2,2 tỉ người, tương đương 30% dân số thế giới.

Mức GDP kết hợp của các nước thành viên RCEP là 25.600 tỷ USD trong năm 2019, tương đương 29,3% GDP thế giới. Kim ngạch thương mại cả khối đạt hơn 10.400 tỷ USD, chiếm 27,4% giá trị buôn bán thế giới.

Trong tương quan của cả hiệp định RCEP, khối ASEAN với dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, được xem là thị trường đặc biệt quan trọng của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cho các sản phẩm của Việt Nam thử sức cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới.

Trong quan hệ thương mại với ASEAN, Việt Nam luôn nhập siêu với kim ngạch nhập khẩu chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại. Tuy nhiên, tăng trưởng bình quân xuất khẩu luôn cao hơn tăng trưởng bình quân nhập khẩu (khoảng 3-5%).

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN đạt gần 25 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2018 và 30% so với năm 2016. Riêng tháng 10/2020 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, giảm 11,4% và nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường ASEAN là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm dệt may… Trong khi đó Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị; xăng dầu; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Vài năm gần đây, Thái Lan và Indonesia đã trở thành các thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất của Việt Nam, vượt qua các thị trường truyền thống như Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhìn nhận về ý nghĩa của hiệp định RCEP với khối ASEAN, Tiến sĩ Chheang Vannarith cho rằng thỏa thuận này có thể làm biến đổi toàn cảnh dòng thương mại và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy các chuỗi cung ứng nội khối, tăng cường niềm tin trong giới kinh doanh khu vực.

Về những kỳ vọng của Campuchia với hiệp định RCEP, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) cho rằng Campuchia luôn ủng hộ tiến trình xây dựng RCEP do Việt Nam điều phối và thúc đẩy. Ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, Campuchia đã sẵn sàng ký hiệp định RCEP nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Việt Nam.

Đặc biệt với Campuchia, RCEP có thể mở ra những cơ hội thị trường mới cho các sản phẩm của quốc gia này, đặc biệt là mặt hàng nông nghiệp. Nhà phân tích thuộc viện AVI cho rằng RCEP còn giúp thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia cũng như các nước khác trong khu vực.

Về mặt chính trị và chiến lược, việc hoàn tất đàm phán RCEP còn gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng các nền kinh tế châu Á không chấp nhận xu thế đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả