Chủ đầu tư: Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ngập do nước sông dâng cao
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua huyện Hàm Tân ngập 0,7 m do mưa lớn, nước sông dâng cao, phải khơi thông dòng chảy, theo chủ đầu tư dự án.
Thông tin được Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải liên quan sự cố xảy ra trên tuyến đường huyết mạch ở phía nam. Sau ba tháng đưa vào khai thác, hôm 29/7 đoạn dài 100 m trên cao tốc này qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, ngập sâu 0,7 m khiến giao thông ùn tắc kéo dài.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, cao tốc cắt qua sông Phan và đi vào khu vực đồi núi thấp dạng bát úp. Vị trí ngập cách thượng lưu sông Phan khoảng 9 km, gần đó có công trình đập sông Phan.
Đoạn từ cầu vượt sông Phan đến chỗ trũng có cống được thiết kế độ dốc dọc 0,8%, còn đoạn từ cống lên hướng đồi độ dốc dọc 2,18%... Khu vực ngập có xây cống hộp rộng 2,5 x 2,5 m để thoát nước từ bên trái sang phải cao tốc, đổ về dòng chảy tự nhiên dẫn ra sông Phan.
"Cao tốc ngập do 'nước sông Phan dâng cao' kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống đã chảy tràn lên mặt đường", báo cáo nêu.
Còn theo đơn vị thiết kế dự án, Sông Phan có dòng chảy uốn lượn quanh co, bề rộng không đồng đều, lòng sông nhiều cây cối với kích thước lớn. Mưa bất thường (từ 26-29/7) kết hợp lượng nước được xả theo điều tiết của đập sông Phan với lưu lượng 90 m3/s đã gây ngập cục bộ tại khu vực này.
Ngoài ra, sau khi đập sông Phan đưa vào vận hành, lòng sông đã có những thay đổi trong quá trình bồi lắng. Mặt khác dòng sông có hình thái uốn lượn quanh co, khúc khuỷu, mặt cắt lòng sông liên tục thay đổi, giữa sông có nhiều cây cối mọc lên, phát triển lớn khiến chế độ thủy văn của sông Phan rất phức tạp.
Từ đó đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp trước mắt cần nạo vét lòng sông Phan (chặt cây, dọn đất sạt lở) phạm vi từ hạ lưu cống thoát đến cầu sông Phan, đề phòng mưa lớn bất thường xuất hiện, tiếp tục xẩy ra gây ngập úng.
Tuy nhiên, để có thể khẳng định và có giải pháp xử lý triệt để, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cho cả lưu vực và dòng chảy sông Phan từ khu vực đập nước đến cao tốc.
Nhằm đảm bảo tính khách quan trong tìm kiếm nguyên nhân, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, làm cơ sở đề xuất phương án phù hợp.
Trong khi đó, dựa vào dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn và lượng mưa, nhóm nghiên cứu iWAT thuộc phân hiệu Đại học Thủy lợi hợp tác Tecotec Group, đã phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục ngập trên tuyến này.
Nhóm lấy cao độ mặt đường thiết kế hiện hữu là 44,47 m, với giả thiết thời gian mưa kéo dài 4 giờ rưỡi, lượng mưa lần lượt là 25, 50, 100 mm, cho ra kết quả ngập trên tuyến như sau:
Cường độ mưa 25 mm trong vòng 2 giờ rưỡi, đoạn đường bị ngập kéo dài 68-93 m, sâu 50-65 cm, trong 3-4 giờ.
Mưa lưu lượng 50 mm, chỉ sau một giờ rưỡi, khu vực sẽ bị ngập 70-95 cm, đoạn đường ngập là 85-116 m, kéo dài trong vòng 4-6 giờ.
Với cường độ mưa 100 mm, ngập diễn ra sau 45 phút kể từ khi có mưa, kéo dài 7-9 giờ; ngập sâu 121-186 cm và đoạn đường ngập kéo dài 165-252 m.
Nhóm cũng tính toán với cao trình mặt đường tại vị trí này lần lượt là 45m, 46m, kết quả cho thấy cao tốc ngập sâu. Còn với cao trình đường 47 m, ngập vẫn xảy ra trong thời gian ngắn khi lượng mưa trên 100 mm liên tục 4 giờ rưỡi.
Theo tính toán của nhóm, trường hợp cống thoát nước ở khu vực có các khẩu độ khác nhau, thậm chí rộng 20 x 2,5 m, đoạn cao tốc vẫn ngập. Hiện cống xây dựng ở đoạn này độ rộng 2,5 x2,5 m.
PGS-TS Triệu Ánh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đối ngoại (phân hiệu Đại học Thủy lợi), đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết với độ cao mặt đường như hiện tại thì sự cố cao tốc ngập như vừa qua là điều dễ hiểu. Vì các điểm ngập đều nằm ở khu vực địa hình thấp - nơi dòng nước tụ về.
Theo chuyên gia này, mưa và dòng chảy trên các sông suối trên toàn lưu vực đổ về vị trí ngập trong thời gian ngắn kết hợp mực nước sông tương đối lớn, gây ra hiện tượng dồn nước trên sông, xảy ra ngập úng cục bộ. Ngoài ra, khu vực mà cao tốc đi qua dễ ngập úng khi mưa từ 100 mm trở lên, mặt đường được thiết kế thấp hơn 47 m.
Dựa vào kết quả tính toán và mô phỏng, nhóm nghiên cứu đề xuất kiểm tra lại khẩu độ và cao trình cống ở tuyến để bảo đảm thoát nước; xác định lại cao trình vượt lũ của mặt đường phù hợp yêu cầu thoát nước trên toàn lưu vực. Theo nhóm, việc xây các cầu cạn tại các vị trí ngập là "phù hợp".
Ngoài ra, để hạn chế rủi ro ngập, các đơn vị liên quan cần điều tra, khảo sát, tính toán, kiểm tra lại dòng chảy lũ ở toàn tuyến để có giải pháp phù hợp. Quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành cao tốc cần sự phối hợp và tham vấn của đơn vị chuyên môn về thủy văn và quản lý, tổng hợp lũ trên lưu vực sông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận