Chốt số cuối năm: Tin vui đầu tiên, thu về 41 tỷ USD
2020 là năm khó khăn chồng chất với ngành nông nghiệp khi thiên tai ngày càng tàn khốc, dịch bệnh hoành hành. Thế nhưng, vượt qua “sóng to gió lớn”, nông nghiệp hoàn thành mục tiêu kép, xuất khẩu nông sản thu về 41,2 tỷ USD.
Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động trực tiếp tới sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, gây không ít khó khăn cho việc tái đàn, tăng đàn,... Chưa kể, lũ lụt còn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền Trung.
Trước khó khăn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhận định, ngành nông nghiệp vốn đã nỗ lực, nay phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến "nguy" thành "cơ"; linh hoạt phát huy lợi thế để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi dịch bênh Covid-19 được khống chế.
Nhờ đó, năm 2020, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,65%; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD lần lượt là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả hạt điều và gạo.
Năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8-3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có các vùng nguyên liệu tương đồng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. Kết nối nông nghiệp với công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận