24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lý Bằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chống lạm phát phi mã: Một thời để nhớ

Một loạt các biện pháp quyết liệt đã giúp cung cầu hàng hóa dần trở về trạng thái cân bằng, kéo giảm nhanh lạm phát xuống và đến các năm 1992 - 1993 lạm phát trở lại mức một con số. Việc chống lạm phát phi mã thành công giai đoạn 1986-1991 sau này đã được mọi người nhắc tới là “hiện tượng Việt Nam”.

Lạm phát phi mã

Những năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ; trong khi cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã không còn thích ứng với thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội trong nền kinh tế hàng hóa thời bình. Thời điểm đó, hàng hóa khan hiếm, lương không đủ sống khiến cán bộ - công nhân viên gặp vô vàn khó khăn... Đứng trước thực trạng này, Hội nghị Trung ương 8 khóa V của Đảng (tháng 8/1985) đã ra quyết nghị tiến hành cuộc cải cách "giá - lương - tiền" nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của cải cách là để tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất, thực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả; Người hưởng lương có thể sống chủ yếu bằng tiền lương, có thể tái sản xuất được sức lao động; xác lập quyền tự chủ về tài chính của các ngành và các cơ sở kinh tế.

Ngay sau đó, Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch cải cách này. Sau hai tháng thiết kế, Ban chỉ đạo vào tháng 8/1985 đã đưa ra phương án cải cách với các nhóm nhiệm vụ cụ thể: Về giá, phải tính toán đầy đủ giá các mặt hàng Nhà nước cung cấp và giá các mặt hàng Nhà nước mua của nông dân, thợ thủ công theo giá sát với chi phí sản xuất. Để tiện cho tính toán, các mức giá trên được “quy ra thóc” và giá thóc được xác định bình quân là 25 đồng/kg. Nhà nước ban hành mức giá mới của một số vật tư, như xi măng, sắt… với giá mới tăng nhiều lần so với mức giá cũ.

Về lương, Ban chỉ đạo đề nghị trả lương người lao động tăng thêm 20% để bù cho giá hàng hóa tăng. Về tiền, để đáp ứng với mặt bằng giá và lương mới, tăng giá trị đồng tiền, đồng thời điều chỉnh lượng tiền lưu thông nên Ban chỉ đạo đưa ra chủ trương đổi tiền và sau đó quyết định đổi tiền được Chính phủ đưa ra vào tháng 9/1985. Theo đó, 10 đồng hiện hành sẽ được đổi lấy một đồng mới. Theo quy định, mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa 2.000 đồng tiền mới, hộ kinh doanh công thương nghiệp có môn bài bậc cao được đổi tối đa 5.000 đồng.

Mục tiêu là để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi cơ chế bao cấp, nhưng thực tế triển khai cải cách “giá - lương - tiền” lại không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Giá vật tư tăng lên nhiều lần khiến sản xuất tiếp tục gặp khó khăn và các xí nghiệp đề nghị phải giảm giá vật tư xuống; lương tăng thêm cho người lao động vẫn không đủ để cải thiện đời sống nên Nhà nước phải tiếp tục cho tăng thêm lương (từ 20% theo đề xuất ban đầu lên 100%); ngân sách cạn kiệt nên phải in thêm tiền; hàng hóa tiếp tục khan hiếm và giá hàng hóa vẫn tiếp tục tăng mạnh; sau đổi tiền thì đồng tiền mới lại tiếp tục mất giá mạnh… Những vòng xoáy điều chỉnh giá - lương - tiền như vậy càng làm cho lạm phát tăng phi mã, như lên tới trên 700% vào năm 1986.

Chống siêu lạm phát - ưu tiên hàng đầu

Bài toán mấu chốt về cân đối tiền - hàng vì vậy cũng chưa giải quyết được. Tình thế lúc đó rất căng thẳng và khó khăn, bởi một mặt chúng ta vẫn tiếp tục bị bên ngoài bao vây, cấm vận kinh tế, trong khi bên trong sản xuất trì trệ, đời sống người lao động rất đói khổ, giá cả leo thang hàng ngày. Trong bối cảnh lạm phát phi mã, việc chống lạm phát lúc này trở thành ưu tiên hàng đầu dù thực sự lúc này chúng ta hầu như chưa có kinh nghiệm, phải làm theo cách “dò đá qua sông”.

Trên thế giới, lạm phát có thể đến từ nhiều nguyên nhân và để chống lạm phát thường có 3 cách: Đổi tiền; Đẩy mạnh sản xuất, cung hàng hóa ra để đáp ứng cầu; Triển khai các giải pháp để rút mạnh tiền trong lưu thông về. Với bối cảnh chính trị và kinh tế - xã hội Việt Nam khi đó (đặc biệt là thông tin với bên ngoài và từ bên ngoài vào không mở như hiện nay), biết được kinh nghiệm thế giới đối phó thế nào với lạm phát phi mã đã khó, lựa chọn cách làm nào phù hợp càng khó khăn hơn. Nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa mới tiến hành đổi tiền năm trước song lạm phát không giảm mà còn tăng mạnh hơn và sản xuất tiếp tục đình trệ chứ không đẩy lên được. Chống lạm phát vì vậy vừa phải học hỏi kinh nghiệm bên ngoài, nhưng vừa phải dựa trên thực tiễn bối cảnh lúc đó của Việt Nam.

Chính phủ lúc đó đã thành lập ra nhóm chống lạm phát, gồm một nhóm thuộc Ngân hàng Nhà nước, một nhóm gồm các chuyên gia giỏi từ các ngành rồi sau đó thảo luận, lựa chọn các biện pháp tốt và khả thi nhất để tham mưu cho Chính phủ. Xác định lạm phát phi mã vì nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp và lớn nhất lúc đó vẫn là sự mất cân đối tiền - hàng. Do đó về giải pháp, trong ngắn hạn là phải rút nhanh được lượng tiền quá lớn trong lưu thông về, đồng thời là phải phục hồi và củng cố được sản xuất để cung ứng hàng hóa ra. Để rút nhanh được tiền trong lưu thông về, chúng ta đã thực hiện tăng mạnh lãi suất huy động, thời điểm cao nhất lên tới 20%/tháng, tức 240%/năm, trong khi lãi suất cho vay chỉ 10 - 15%/năm. Phần chênh lệch giữa huy động rất cao trong khi cho vay rất thấp trên được ngân sách Nhà nước bù. Chi tiết này vừa cho thấy đó là cái giá phải trả cho đổi mới và hội nhập thị trường, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc thực hiện con đường đổi mới, quyết tâm xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa.

…và thành công

Trong bối cảnh lạm phát đang rất cao, nên khi lãi suất tiết kiệm tăng mạnh đã được người dân hưởng ứng, tăng gửi tiết kiệm với kỳ vọng phần nào bù đắp sự mất giá của đồng tiền. Vì vậy chỉ trong mấy tháng sau đó, chúng ta đã rút được khoảng một nửa số tiền trong lưu thông về, trong khi đẩy mạnh được cho vay ra để đầu tư vào sản xuất, khôi phục được dần dần tình trạng khan hàng hóa. Qua nhiều vòng rút tiền về - bơm vốn vào cho sản xuất và đẩy hàng hóa ra như vậy, giá cả hàng hóa dần giảm xuống. Lạm phát theo đó bắt đầu được kéo giảm xuống và lãi suất tiết kiệm cũng hạ nhanh.

Chống lạm phát phi mã: Một thời để nhớ

Cùng với đó, Nhà nước cũng khuyến khích các cá nhân (cán bộ, chuyên gia, học sinh, sinh viên, lao động ở nước ngoài, Việt kiều) khi trở về nước đem hàng về càng nhiều càng tốt. Nhà nước không áp đặt quota, không đánh thuế, không thu mua, không kiểm soát với vật tư, thuốc men, hàng tiêu dùng… nhờ đó cũng bù đắp phần nào cho nhu cầu về hàng hóa trong bối cảnh sản xuất trong nước vẫn rất khó khăn. Chính phủ cũng vay ngoại tệ từ một tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để có ngoại tệ bán cho các đơn vị nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, hạt nhựa… để phục vụ sản xuất, hay cho nhập vàng từ bên ngoài về và khuyến khích nhập vàng tự do để bình ổn giá vàng trong nước; Xóa bỏ chế độ hai tỷ giá song hành (tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường mà thời điểm đó có sự chênh lệch rất lớn) năm 1989… nhờ đó giúp giảm giá vàng trong nước xuống và giữ được tỷ giá không biến động quá lớn.

Một loạt các biện pháp quyết liệt như vậy đã giúp cung cầu hàng hóa dần trở về trạng thái cân bằng, kéo giảm nhanh lạm phát xuống và đến các năm 1992 - 1993 lạm phát trở lại mức một con số. Việc chống lạm phát phi mã thành công giai đoạn 1986-1991 sau này đã được mọi người nhắc tới là “hiện tượng Việt Nam”.

Như vậy có thể thấy, cải cách về "giá - lương - tiền" nói chung, đợt đổi tiền năm 1985 nói riêng dù không mang lại thành công như kỳ vọng, nhưng lại rất liên quan đến những quyết sách tiếp theo mà lớn nhất là quyết tâm tiến hành Đổi mới năm 1986. Bởi trong nền kinh tế, lĩnh vực tài chính - ngân hàng luôn là huyết mạch, nếu không có vốn thì không thể làm gì được và nút thắt này có tháo gỡ được thì mới có vốn để sản xuất kinh doanh. Và cần nhắc lại rằng lạm phát phi mã giai đoạn này chủ yếu do mất cân đối về quan hệ tiền - hàng nên khi chúng ta “đánh trúng” vào nguyên nhân đó thông qua rút tiền lưu thông về nhanh và bơm vốn cho đầu tư sản xuất, cùng với các giải pháp song hành khác đã giúp chúng ta vừa thành công trong chống lạm phát, vừa từng bước thoát khỏi tình trạng sản xuất trì trệ, giúp tạo cơ sở cho mở cửa và hội nhập với thế giới những năm sau đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả