Chọn lợi nhuận hay dòng tiền?
Kinh doanh có lãi là điều mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn và cũng là điều mà hầu hết nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, việc ghi nhận doanh thu được lập theo nguyên tắc kế toán thực tế phát sinh chứ không phải nguyên tắc kế toán tiền mặt. Qua đó, việc doanh nghiệp báo lãi không đồng nghĩa với việc tiền thực sự chảy về Công ty.
Theo nhiều chuyên gia, việc xem xét báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là quan trọng nhất. Bởi lẽ, báo cáo này chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đã đi đâu về đâu, tại sao doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng lại thường xuyên thiếu tiền? Qua đó, đánh giá về tính bền vững của lợi nhuận, khả năng chi trả nợ và lãi vay cũng như khả năng chi trả cổ tức trong tương lai.
Theo thống kê của Vietstock, có đến 16 doanh nghiệp âm 4 năm liên tiếp (từ 2016) và 10 doanh nghiệp âm 3 năm liên tiếp (từ 2017) dù các doanh nghiệp này vẫn liên tục báo lãi. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có dòng tiền từ HĐKD vẫn tiếp tục âm trong quý 1/2020 vừa qua.
Các doanh nghiệp có lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD âm 4 năm liên tiếp (*)
Đvt: Tỷ đồng
Dù lãi ròng liên tiếp tăng trưởng, nhưng dòng tiền từ HĐKD của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cũng liên tiếp âm (từ năm 2016) chủ yếu do Công ty liên tục tăng các khoản phải thu hàng tồn kho cũng như tăng chi phí trả trước.
Theo Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Đất Xanh, năm 2019, Công ty ghi nhận dòng tiền HĐKD âm đến 1,796 tỷ đồng với nguyên nhân chủ yếu do tăng khoản phải thu 18%, tăng hàng tồn kho 61% và chi phí trả trước gấp 74 lần năm 2018. Hơn nữa, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng này sẽ dừng lại khi quý 1 vừa qua, Đất Xanh lại tiếp tục ghi nhận dòng tiền HĐKD âm 1,484 tỷ đồng và tiếp tục báo lãi ròng 68 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của Vietstock, phần lớn nhóm doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng dòng tiền kinh doanh vẫn âm rơi vào nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản và xây dựng. Ngoài DXG, còn có nhiều cái tên đáng chú ý khác như VPI, KOS, FCN, CKG hay VC7… Đối với CTCP KOSY (HOSE: KOS), doanh thu thuần của Công ty tăng trưởng ấn tượng trong 4 năm qua với lãi ròng luôn trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD của KOSY lại chuyển động ngược chiều.
Dựa trên BCTC của KOS, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc hàng tồn kho của Công ty luôn tăng đột biến qua các năm cùng với khoản phải thu ngắn hạn của KOSY thường rất lớn, dẫn đến dù doanh thu tăng cao, nhưng dòng tiền thực sự lại không chảy về Công ty.
Hay như CTCP FECON (HOSE: FCN), lợi nhuận ròng của đơn vị này tăng trưởng liên tục trong 4 năm gần đây nhưng dòng tiền thuần thì năm nào cũng âm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khoản phải thu khách hàng của Fecon luôn rất lớn, và tăng liên tục qua các năm.
Có thể thấy, bên cạnh những báo cáo lợi nhuận tốt đẹp, việc phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ là không thể bỏ qua, bởi từ đây, nhà đầu tư mới soi rõ được ‘chất lượng’ thực sự của lợi nhuận doanh nghiệp - khoản mà đôi khi đã được ‘tô hồng’.
Nhìn một cách tổng quan, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền HĐKD âm đều đáng báo động. Nếu doanh nghiệp vừa mới thành lập, đang trong quá trình mở rộng thì việc nhập thêm hàng hóa, tăng hàng tồn kho, khoản phải thu, khoản phải trả… dẫn đến dòng tiền âm là phù hợp.
Tuy nhiên, nếu dòng tiền từ HĐKD của doanh nghiệp vẫn âm trong nhiều năm liên tiếp dẫn đến thiếu trước hụt sau, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không thể xoay vòng vốn và cuối cùng phản ánh lên KQKD bết bát…Đối với các doanh nghiệp này, nhẹ thì hủy niêm yết, nặng thì đệ đơn phá sản.
Theo thống kê của Vietstock, trong quý 1/2020, các doanh nghiệp niêm yết mang về 42,606 tỷ đồng lãi ròng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tương đối phù hợp khi nền kinh tế trong nước và cả thế giới đã bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Nhìn về dòng tiền, dòng tiền thuần từ HĐKD của các doanh nghiệp này âm hơn 195 ngàn tỷ đồng trong quý 1/2020, trong khi đó cùng kỳ âm 62 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, có đến 32 doanh nghiệp lãi ròng trên 100 tỷ đồng nhưng dòng tiền từ HĐKD vẫn ghi nhận âm, chủ yếu là các doanh nghiệp Ngân hàng và Bất động sản.
Các doanh nghiệp lãi cao nhưng dòng tiền HĐKD âm hơn ngàn tỷ trong quý 1
Đvt: Tỷ đồng
Thực tế, vào quý 1 hằng năm, các Ngân hàng thường phải cho vay hỗ trợ; qua đó, dòng tiền thường chảy mạnh ra khỏi ngân hàng trong quý này. Ngược lại, vào quý 4, khi ngân hàng kết sổ, thu hồi nợ xấu, tăng trưởng tín dụng và huy động được tiền thì dòng tiền thường tăng cao hơn các quý khác. Do đó, việc dòng tiền từ HĐKD của Ngân hàng âm trong quý 1 có thể được xem là diễn biến có tính chu kỳ, thế nên không phản ánh đúng được năng lực tài chính của nhóm này.
Tuy nhiên, từ biểu đồ trên, có thể thấy quý 1 năm nay thực sự khó khăn hơn với các ngân hàng khi dòng tiền từ HĐKD ghi nhận mức âm ‘sâu’ hơn khá nhiều so với các năm trước. Cùng với đó, hơn một nửa số Ngân hàng công bố KQKD quý 1/2020 có lãi trước thuế giảm so với cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận