Chọn kênh đầu tư an toàn khi giá vàng "nhảy múa"
Trong bối cảnh biến động liên tục của giá vàng, tỷ giá, lãi suất... giới chuyên gia nhận định bất động sản vẫn đang là kênh an toàn và bền vững.
Nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng liên tục là hai lý do chính khiến giá nhà ở cao cấp rất khó giảm trong bất cứ trường hợp nào.
Đau đầu đi tìm kênh đầu tư an toàn giữa mùa dịch
Bán được mảnh đất nền tại quận Long Biên (Hà Nội) với giá 8 tỷ đồng đầu năm 2020, anh Nguyễn Trung Thành nửa năm nay vẫn chưa tìm được kênh đầu tư mới. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hàng loạt các kênh đầu tư sinh lời đều trong tình cảnh hoặc ảm đạm, hoặc rủi ro cao.
“Vàng thì “nhảy múa” lên đỉnh chạm đáy chỉ trong thời gian ngắn nên rủi ro cao, gửi ngân hàng an toàn hơn nhưng lãi suất tiết kiệm thấp, chứng khoán thì chưa rành, nên mấy tháng trời tôi để 8 tỷ nằm một chỗ mà không dám mạnh tay đầu tư ở đâu”, anh Thành kể.
Trong khi đó, anh Trần Mạnh Hà (Minh Khai, Hà Nội) cũng vừa hoàn tất hợp đồng mua bán một căn chung cư cao cấp ở phía Tây Hà Nội. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, nhà đầu tư này cho rằng trong bối cảnh “nhạy cảm” như hiện tại, bất động sản nhất là phân khúc cao cấp vẫn có khả năng sinh lời tốt, ngay cả khi không có nhu cầu ở đến:
“Chung cư cao cấp nếu chưa bán có thể cho thuê được giá cao. Đặc biệt khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các dự án được đồng bộ đầy đủ hạ tầng tất cả trong một thì càng có giá”, nhà đầu tư này cho hay.
Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tuỳ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro mà mỗi nhà đầu tư có thể chọn kênh rót tiền của mình. Hiện có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng bất động sản luôn là kênh đầu tư trung và dài hạn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn xa.
“Vàng đã qua thời kỳ lướt sóng; thị trường chứng khoán hấp dẫn nhưng kênh này đòi hỏi phải theo dõi thị trường chặt chẽ, phải động não suy nghĩ; trong khi bất động sản vẫn là kênh an toàn và bền vững”, TS Lực nhận định.
Thực tế, so với các loại hình đầu tư khác, thị trường bất động sản vẫn có dấu hiệu tăng trưởng cho dù cũng bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Cụ thể, theo Báo cáo quý II/2020 của Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý I/2020.
Tín hiệu khả quan này cho thấy các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời nhà đầu tư đã tích cực dồn vốn nhiều hơn vào kênh bất động sản, thay vì các kênh đầu tư bấp bênh khác.
Giá bất động sản có thể giảm không?
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, bất chấp dịch bệnh, giá căn hộ TP.HCM và Hà Nội trong quý II/2020 vẫn tăng gần 1% so với 3 tháng đầu năm. Giới chuyên gia dự báo, giá nhà ở, đặc biệt phân khúc cao cấp sẽ tăng mạnh khi Covid-19 được kiểm soát.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, giá bất động sản vẫn tăng giữa mùa dịch nghe có vẻ phi lý nhưng thật ra lại rất dễ hiểu. Lý do bởi nguồn cung đang ngày càng ít đi do các thủ tục cấp phép xây dựng bị siết chặt. Bên cạnh đó, giá đất - chi phí đầu vào của bất động sản - lại tăng dần lên nên chủ đầu tư không còn dư địa để giảm giá.
"Hai lý do chủ yếu này là cơ sở để nhà đầu tư nào muốn cố gắng chờ giá đáy cần tư duy lại phương pháp đầu tư của mình. Theo tôi, với thị trường bất động sản cao cấp ở Việt Nam, người mua trước sẽ luôn có lợi hơn người mua sau", một chuyên gia bất động sản phân tích.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, thị trường bất động sản đã, đang và sẽ “vững chãi như đất” trước Covid-19, mặc dù ảnh hưởng từ đại dịch này với thị trường là có. Trong đó, TS Ánh nêu 3 lý do giúp bất động sản trở thành kênh đầu tư an toàn và sinh lời bền vững ít nhất trong một thời gian dài nữa.
“Thứ nhất, giá bất động sản hiện ở mức tương đối hợp lý do hầu như không có hiện tượng “bong bóng” bất động sản như hơn 1-2 thập kỷ trước.
Thứ hai, chênh lệch giữa cầu và cung còn rất lớn. Nguồn cung ra thị trường nhỏ giọt trong khi nhu cầu về ở Việt Nam còn quá lớn. Cầu bất động sản đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn rất lớn và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ít nhất 15-25 năm nữa.
Thứ ba, thị trường bất động sản còn đang được hưởng lợi nhờ rất nhiều nút thắt về thủ tục, quy trình đã được tháo gỡ. Sự đảm bảo về pháp lý vững chắc và thông thoáng trong khả năng tiếp cận sẽ giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng và an tâm hơn khi lựa chọn đầu tư bất động sản phù hợp, giảm thiểu rủi ro”, TS Ánh phân tích.
Vị chuyên gia kết luận, so với các kênh đầu tư khác, rủi ro về pháp lý và thanh khoản, cùng sự bấp bênh của thị trường là rào cản lớn khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại nhất, nên những sản phẩm bất động sản có đảm bảo chắc chắn về pháp lý, có tính thanh khoản cao và do những nhà phát triển bất động sản có uy tín cung cấp sẽ có ưu thế tuyệt đối.
“Là người đã chứng kiến và trải qua tất cả những thăng trầm và phát triển của thị trường, giữa giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung trong tâm dịch Covid-19, tôi vẫn luôn có cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào sự vực dậy của bất động sản. Thực tế 25 năm vừa qua đã chứng minh cho việc, ngay trong thời gian khủng hoảng kinh tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm số ít các nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao ”, ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận