Chơi cá độ được lãi 6-8%/ngày?
Trong hàng loạt thương vụ đầu tư với lời hứa hẹn "bao lỗ" bị đổ bể thời gian gần đây, người chơi đều chuyển tiền thông qua ngân hàng. Liệu có thể chặn các giao dịch chuyển tiền kiểu này để triệt các vụ đầu tư lừa đảo hay không?
Theo các chuyên gia, những mô hình đầu tư đổ bể nêu trên thực chất là mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước và thường "bể" rất nhanh, nhiều khi chỉ vài tuần đến 1 tháng.
"Đầu tư bao lỗ"
Phản ánh đến Tuổi Trẻ, anh Hoàng Ánh (TP.HCM) cho hay đã rót tiền vào trang web chuyên cá độ đá banh có tên newworld097... vào tháng 3, sau khi được một người bạn hướng dẫn rằng người chơi chỉ cần chuyển tiền qua ngân hàng (NH) đến các số tài khoản được chỉ định rồi "đặt lịch để người ta kiếm lãi cho mình", mỗi ngày 6 - 8%, nhưng phải chia cho những người "chủ sàn".
"Không biết họ kiếm tiền thế nào nhưng cứ nạp 1 triệu đồng được chia 50% hoa hồng, nạp 5 triệu được chia 40%, 10 triệu được chia 30%, 200 triệu được chia 20%. Nếu nạp trên 500 triệu thì được chia 10%. Tuy nhiên, sau khi tôi tham gia hơn 1 tháng, trang web bị đánh sập khiến nhiều người mất tiền, ít cũng vài chục triệu nhưng cũng có người mất bạc tỉ", anh Ánh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều nhà đầu tư cho hay cơ sở để nhà đầu tư tin và rót tiền là những lời mật ngọt của môi giới với cam kết "đầu tư bao lỗ".
Tin lời hứa này cộng với hàng loạt hình ảnh hoành tráng về lễ ra mắt và các buổi hội thảo, anh Đỗ Cao Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) đã liên tục nạp tiền. Chỉ từ ngày 13-4 đến ngày 17-4, anh đã nạp tổng cộng 223 triệu đồng vào app Coolcat với tài khoản ngân hàng đứng tên Lưu Ngọc Thắng.
Nhưng trái với lời hứa hẹn "sẽ an toàn tuyệt đối 100%, không bị thua lỗ vì có bảo hiểm vốn", vào 21h ngày 17-4, khi sàn này bị đánh sập, anh Minh vẫn chưa rút tiền ra được.
Do đó, anh Minh đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an đề nghị ngăn chặn kịp thời việc tẩu tán số tiền của các đối tượng lừa đảo. Không riêng gì anh Minh, số tài khoản đăng ký tham gia đầu tư qua ứng dụng này lên đến hàng chục ngàn người nên số tiền thiệt hại vô cùng lớn.
Ngân hàng có ngăn chặn được?
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho hay các NH chỉ chặn được những giao dịch chuyển tiền với điều kiện người chuyển ghi rõ nội dung giao dịch và những mục đích này trong danh mục bị cấm (như: đánh bạc, cá độ giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, thanh toán các trò chơi điện tử trên mạng chưa được cấp phép phát hành tại VN...) hoặc những tài khoản nằm trong "danh sách đen" của các cơ quan chức năng.
Nếu chuyển tiền mà không ghi rõ nội dung, chỉ ghi là cá nhân A chuyển cho cá nhân B, tài khoản chuyển đến lại không nằm trong danh sách cảnh báo của cơ quan công an, NH không thể biết để chặn được.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc kêu gọi đầu tư vào những thương vụ này nhan nhản trên mạng, dù được điều hành ở nước ngoài nhưng có các đại lý nhận tiền trong nước. Do vậy không khó để lực lượng quản lý thị trường, công an lần ra đường dây. Và một khi có cảnh báo từ cơ quan chức năng, NH có thể dễ dàng chặn các giao dịch này.
Theo thạc sĩ Trần Kim Long, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nếu nhà đầu tư tự đặt câu hỏi rằng những mô hình kinh doanh chào mời nhà đầu tư rằng lãi cao kinh doanh theo mô hình gì, lấy lãi ở đâu để trả cho người chơi với mức lãi ngất ngưởng, rồi tính pháp lý của các dự án này thế nào... là có thể thấy tính phi lý của dự án.
Trên thực tế, đây là những mô hình theo kiểu lấy tiền người sau trả cho người trước và thường "bể" rất nhanh, nhiều khi chỉ vài tuần đến 1 tháng.
"Nhưng khi thấy người khác nhận được lãi cao, nhiều người bị lung lạc nên tham gia và bị lừa. Khi các nạn nhân phát giác bị lừa đảo và tố cáo đến cơ quan chức năng, kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay. Sau một thời gian im ắng, chúng lại lập ra các dự án khác để đưa nhà đầu tư vào tròng", ông Long nói.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, những người lập ra các thương vụ lừa đảo này thường sử dụng tài khoản không chính danh, thuê người khác đứng tên nên NH rất khó kiểm soát. Chỉ trong trường hợp có những giao dịch bất thường NH mới phát hiện nhưng nhiều trường hợp khi truy ra thì chủ tài khoản khai đã "bán" cho người khác.
"Trên thực tế món lợi mà người đứng tên mở giùm tài khoản NH chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng, quá nhỏ so với rủi ro họ phải chịu khi cơ quan chức năng "sờ gáy" sau này, thậm chí có thể dính vào vòng lao lý" - ông Minh cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận