24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tuyên Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cho vay ngang hàng: Nội bế tắc, ngoại tung hoành

Theo các chuyên gia ngân hàng, đơn vị làm dịch vụ cho vay ngang hàng chỉ như sàn giao dịch, đứng giữa làm dịch vụ kết nối người vay, người cho vay và thu phí. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đa số người tiêu dùng khó phân biệt đâu là cho vay ngang hàng, đâu là cho vay theo hình thức khác mà thường gọi chung là cho vay tiền qua app (ứng dụng) hay vay tiền qua mạng.

Trước sự bùng nổ quá nhanh của hoạt động cho vay ngang hàng, trong đó có nhiều mô hình, ứng dụng chưa được cấp phép đang làm dấy lên lo ngại về biến tướng của hình thức tín dụng đen. Song, các dịch vụ này vẫn tồn tại, thậm chí là “sống khoẻ” vì cho vay dễ dàng, không cần nhiều thủ tục giấy tờ. Vì thế, cho vay ngang hàng mang lợi nhiều lợi ích nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ có thể phát sinh biến tướng, ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Chờ hành lang pháp lý

Ông Lê Minh Hải, CEO Tiền Ngay cho rằng, hiện có một bộ phận lớn khách hàng thuộc nhóm lao động phổ thông như công nhân, kinh doanh tự do chưa đáp ứng đủ các điều kiện, quy định cho vay ở các tổ chức tín dụng nên họ thường tìm đến công ty tài chính, đơn vị cho vay ngang hàng. Bên cạnh những công ty được cấp phép, hoạt động theo quy định của pháp luật thì cũng có những app vay tiền biến tướng với lãi suất cắt cổ khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ.

Hiện nay, ngay cả các đơn vị như Tiền Ngay cũng gặp một số bất lợi khi người tiêu dùng chưa hiểu rõ về sản phẩm và đánh đồng với các app vay tiền hoạt động như tín dụng đen. Vì trên thị trường đang tồn tại nhiều app cho khách vay tiền bất chấp, ngay cả khi người vay không có đủ giấy tờ. Do đó, khi các công ty làm thẩm định hồ sơ cho khách chỉn chu, thận trọng thì lại bị phàn nàn về thủ tục.

Câu chuyện của Tiền Ngay không mới vì nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng ở Việt Nam cũng đau đầu với bài toán “vàng thau lẫn lộn”. Ví dụ như Vay mượn, một dự án được đầu tư bởi Tập đoàn công nghệ NextTech đã tạm dừng hoạt động với lý do “không thể cạnh tranh lành mạnh” trên chính sân nhà.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ NextTech cho biết, Vay mượn rời bỏ cuộc chơi là không chờ được hành lang pháp lý ra đời. Vì doanh nghiệp trong nước không dám hoạt động khi không có hành lang pháp lý bảo vệ hoạt động cho vay ngang hàng. Trong khi, các doanh nghiệp P2P của nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam lại hoạt động rất nhộn nhịp.

Dự án cho vay ngang hàng của NextTech ra mắt từ năm 2017. Trong đó, Vaymuon.vn đóng vai trò môi giới, kết nối giữa người vay và nhà đầu tư để thực hiện giao dịch cho vay khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn, hoàn toàn online, không cần gặp mặt và không thế chấp. Khoản vay được giới thiệu đến các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi trên một ví điện tử.

Vaymuon.vn vẫn đang trong quá trình thí điểm, chờ gia nhập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Từ thông tin website, công ty này đã nộp hồ sơ lên Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm 2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động cho vay ngang hàng. Các công ty hoạt động trong lĩnh này đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính, cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Gỡ rối cho mô hình mới

Đầu tháng 4/2022, NHNN đã công bố dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để lấy ý kiến, trong đó có lĩnh vực cho vay ngang hàng.

NHNN cho biết, hoạt động cho vay ngang hàng nổi lên tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây. Một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật. Có công ty hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất, điều kiện vay trong khi áp mức lãi suất thực tế cao cắt cổ, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

Cho vay ngang hàng: Nội bế tắc, ngoại tung hoành

Theo NHNN, nhiều quốc gia trên thế giới đã có cách tiếp cận chủ động bằng việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính. Do đó, Việt Nam cũng cần sớm xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức nghị định quy định đối với hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, nếu hoạt động cho vay ngang hàng được kiểm soát, vận hành theo đúng quy định thì có thể giảm bớt gánh nặng cho ngân hàng. Vì mô hình này có thể phục vụ được các khoản vay dưới chuẩn của các tổ chức tín dụng.

“Không phải đến bây giờ cơ chế thử nghiệm cho hoạt động cho vay ngang hàng mới được đề xuất, mà trước đó NHNN từng một lần lấy ý kiến. Điều quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ để đưa các đề xuất đi vào thực tế, trên cơ sở đảm bảo đúng pháp luật’, ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ, thận trọng với nền tảng cho vay ngang hàng vì hiện nay chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh đối với lĩnh vực này.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho rằng, Việt Nam đang khá thận trọng trong việc thí điểm các dự án cho vay ngang hàng. Song, đây là hướng đi đúng đắn vì trước khi ban hành các cơ chế, chính sách cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các tổ chức, các cá nhân có liên quan. Theo ông Hoài, mô hình cho vay ngang hàng mang lợi nhiều lợi ích nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ có thể phát sinh biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cảnh báo xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ của Việt Nam. Thậm chí, họ chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Nếu Nhà nước ta không sớm ban hành và triển khai chiến lược, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến bị các doanh nghiệp lớn của nước ngoài chi phối hoàn toàn thị trường kinh tế chia sẻ trong nước, lũng đoạn thị trường một số ngành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước”, Bộ KH&ĐT cảnh báo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả