Chờ ‘gió đổi chiều’ trên thị trường chứng khoán
Thanh khoản thấp kết hợp chỉ số về vùng hỗ trợ mạnh là một trong dấu hiệu cho thấy nền giá mới được thiết lập; nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội trong biến động để mua vào các cổ phiếu tiềm năng với giá hợp lý, xây dựng danh mục đầu tư dài hạn.
Có dấu hiệu tạo đáy
Đáng chú ý, thanh khoản dù cải thiện song vẫn duy trì mức thấp, cho thấy sự chậm lại ở cả lực cung và cầu.
Thực tế, giá trị khớp lệnh trên HoSE đã liên tục tụt dốc xuống quanh mức 13.000 tỷ đồng trong suốt một tháng trở lại đây, thậm chí thanh khoản nhiều phiên "nhúng" dưới 10.000 tỷ đồng.
Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 5/11, thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE sụt giảm còn 8.200 tỷ đồng, thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2023, khối ngoại nâng quy mô rút ròng lên 853 tỷ đồng.
Thậm chí, trong phiên 6/11, VN-Index tăng hơn 15 điểm sau hiệu ứng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump, nhưng dòng tiền vào sàn vẫn chưa được cải thiện. Dòng tiền trong cả 2 phiên sau đó không có sự bứt phá, thanh khoản tiếp tục đi ngang ở mức thấp với giá trị khớp lệnh quanh ngưỡng 11.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản bình quân cả tháng 10/2024 chỉ đạt 17.764 tỷ đồng/phiên, tương đương tháng 9/2024 và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, tình hình địa chính trị trên thế giới, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các xung đột địa chính trị có khuynh hướng lan rộng khiến nhà đầu tư quan ngại và thận trọng hơn trong việc giải ngân.
Trong khi đó, trong nước cũng chưa có nhiều thông tin tích cực. Kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 đã gần hoàn tất, vấn đề nâng hạng thị trường chưa thực hiện được. Tỷ giá tăng, giá vàng tăng hoặc giao dịch đất đai tại một số địa phương sôi động, dù chỉ là hiện tượng cục bộ, nhưng cũng khiến nhà đầu tư chứng khoán cân nhắc thêm các kênh đầu tư khác. Việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Tương tự, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank cho rằng thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) chịu ảnh hưởng của dòng vốn dịch chuyển, dòng vốn nước ngoài bị rút bớt khỏi Việt Nam và khu vực châu Á. Bên cạnh đó, dòng tiền sụt giảm do TTCK đang thiếu vắng các cơ hội đầu tư và cũng cần đáp ứng nhu cầu thanh toán khoản vay, nợ trái phiếu.
Tuy nhiên, chuyên gia VPBankS lưu ý, thanh khoản TTCK về nền thấp trong 2 năm gần đây chính là cơ hội. Bởi khi thanh khoản thấp kết hợp chỉ số về vùng hỗ trợ mạnh là một trong dấu hiệu cho thấy nền giá mới được thiết lập.
“Khi thanh khoản tạo đáy thì TTCK cũng thường tạo đáy để bắt đầu phục hồi. Trong những giai đoạn thị trường giảm giá và bi quan nhất thì đấy chính là cơ hội lớn nhất. Nhìn lại giai đoạn tháng 11/2022 và 10 – 11/2023 đều là đáy của thanh khoản và điểm số”, ông Sơn dự báo.
Cân nhắc mua cho nhịp tăng mới
Cũng theo ông Trần Hoàng Sơn, nhóm ngân hàng đang giữ vai trò là trụ giúp VN-Index tăng, nếu chỉ số ngành ngân hàng giảm thêm 5% đến 7% nữa thì có thể kỳ vọng dòng tiền mới tham gia thị trường.
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital nhận định, 3 năm trước khi COVID-19 bùng phát, dưới thời ông Trump nắm quyền tại Mỹ, các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng, lên đến 19,1%.
Tuy các chính sách và phát ngôn khó đoán của ông Trump đã làm gia tăng độ biến động cho thị trường, nhưng VN-Index vẫn ghi nhận mức lợi nhuận kép hàng năm khoảng 15% trong giai đoạn này, chỉ thấp hơn một chút so với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp do chịu tác động chiết khấu từ sự biến động thị trường.
Hiện tại, triển vọng kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn tương đối tích cực, được hỗ trợ bởi định hướng tăng trưởng của Chính phủ, mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Ở chiều ngược lại, đồng USD mạnh lên có thể kéo dài việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi để chuyển sang thị trường Mỹ.
Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể tiếp tục phải chịu chiết khấu về định giá, như đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Điều này dẫn đến lợi nhuận kỳ vọng của TTCK Việt Nam có thể thấp hơn so với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dù vậy, P/E dự phóng năm 2024 của TTCK Việt Nam vẫn ở mức 11,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 17,2 lần, cho thấy khả năng giảm thêm sẽ bị hạn chế nhờ quan điểm tích cực của các nhà đầu tư trong nước.
"Các công ty thuộc nhóm ngành xuất khẩu có mức độ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách sắp tới của Tổng thống Trump chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường, nên rủi ro từ nhóm này sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến TTCK. Tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn duy trì sự tích cực, bởi nhiều người có cái nhìn lạc quan về việc đắc cử của ông Trump", chuyên gia của Dragon Capital nói.
SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội trong biến động. TTCK có thể biến động trong ngắn hạn, nhưng đây cũng là cơ hội để mua vào các cổ phiếu tiềm năng với giá hợp lý để xây dựng danh mục đầu tư dài hạn.
Ông Sơn kỳ vọng vùng 1.200 +/- có thể là vùng mà nhà đầu tư cân nhắc để mua cho nhịp tăng sắp tới.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia VPBankS cho rằng trong khoảng 6 - 8 tháng tới, xu hướng hạ lãi suất của Fed sẽ tiếp tục diễn ra, qua đó tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất trên toàn cầu và cả Việt Nam. Khi đó, những doanh nghiệp nào vay nợ nhiều như bất động sản, nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu hưởng lợi.
Ngoài ra, nhóm dịch vụ tài chính như ngân hàng, đặc biệt là chứng khoán cũng sẽ tích cực nhờ lãi suất giảm, dòng tiền rẻ sẽ kích thích nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư. Nhóm công nghệ cũng dự kiến hưởng lợi khi xuất khẩu phần mềm sang Mỹ thu USD về, đặc biệt là nhóm phần mềm và sản xuất chip.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận