24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chờ đợi thêm một bước giảm trần lãi suất tiền gửi

Với khung lãi suất tiền gửi (LSTG) tại các ngân hàng đã giảm sâu đến thế và cách biệt lớn so với mức trần theo quy định hiện nay đối với tiền gửi dưới 6 tháng, có lẽ thị trường đang chờ đợi thêm một quyết định giảm trần LSTG nữa của nhà điều hành, để bám sát với thực tiễn thị trường hơn.

Giảm một bước dài

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 2 lần giảm trần lãi suất tiền gửi (LSTG) kỳ hạn dưới 6 tháng. Lần đầu tiên là vào giữa tháng 3 với mức giảm 0.25%, xuống 4.75%; lần thứ 2 diễn ra sau đó 2 tháng với mức giảm mạnh hơn đến 0.5%, xuống chỉ còn 4.25%, mức thấp nhất kể từ khi quy định trần lãi suất tiền gửi được đưa ra từ năm 2011.

Động thái trên của NHNN đã mở đường cho các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt giảm mạnh LSTG kể từ đó đến nay, không chỉ ở kỳ hạn dưới 6 tháng, mà các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng có những bước giảm đáng kể dù không bị áp theo quy định trần lãi suất. Đáng lưu ý là trong tháng 7 và tháng 8, các nhà băng tiếp tục có những đợt giảm mạnh lãi suất, dù nhà điều hành vẫn chưa có thêm động thái giảm lãi suất chính sách nào mới.

Một báo cáo gần đây của CTCK SSI cho biết các NHTM đã giảm LSTG từ 20-40 điểm cơ bản (bps) ở kỳ hạn ngắn và 0-20 điểm cơ bản kỳ hạn dài riêng trong tháng 8 vừa qua. Lũy kế 8 tháng, LSTG đã giảm tổng cộng 50-210 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. 1% tương đương với 100 điểm cơ bản.

Kết quả là tính đến thời điểm cuối tháng 8, nhiều ngân hàng đang niêm yết LSTG kỳ hạn dưới 6 tháng cách xa mức trần lãi suất theo quy định. Đơn cử như MB hiện đang niêm yết LSTG kỳ hạn 1-5 tháng chỉ từ 3.4 - 3.95%, thấp hơn 0.3-0.85 điểm phần trăm so với mức trần hiện nay. Hay như Techcombank, SHB và nhóm 4 NHTM quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cũng chỉ niêm yết ở mức 3.5% đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng. Thống kê cho thấy có đến 31/35 NHTM đang niêm yết LSTG kỳ hạn 1 tháng dưới mức trần quy định, trong số đó có đến 27 ngân hàng đang niêm yết từ 4% trở xuống.

Hay như ở kỳ hạn 6 tháng, có đến 20 ngân hàng niêm yết từ mức 6% trở xuống, với mức thấp nhất hiện nay là 4.4%, đều thuộc về nhóm 4 NHTM quốc doanh, tức chỉ cao hơn 0.15 điểm phần trăm so với mức trần lãi suất 4.25% đang áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Đối với các kỳ hạn dài hơn từ 12 tháng trở lên, cá biệt có Techcombank đang niêm yết ở mức thấp nhất thị trường, chỉ từ 5.0-5.2% đối với tiền gửi thông thường có giá trị nhỏ. Trong khi đó, nhóm 4 NHTM quốc doanh và 3 NHTM cổ phần là ACB, VPBank và MSB cũng đều niêm yết ở mức thấp từ 6% trở xuống.

Với khung LSTG tại các ngân hàng đã giảm sâu đến thế và cách biệt lớn so với mức trần theo quy định hiện nay đối với tiền gửi dưới 6 tháng, có lẽ thị trường đang chờ đợi thêm một quyết định giảm trần LSTG nữa của nhà điều hành, để bám sát với thực tiễn thị trường hơn. Và cũng như 2 lần trước, chính sách giảm các loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, thanh toán bù trừ và lãi suất trên thị trường mở sẽ có thể tiếp tục đi song hành cùng với quyết định giảm trần LSTG nếu được thực hiện, nhất là khi mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã rớt về mức thấp kỷ lục thời gian qua, với kỳ hạn qua đêm chỉ xoay quanh 0.1-0.2%/năm.

Những cơ sở ủng hộ

Đầu tiên, việc giảm thêm lãi suất của nhà điều hành nếu được thực hiện sẽ được xem là đi theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn cầu. Thống kê từ đầu tháng 7 đến ngày 10/09, đã có đến 17 NHTW trên thế giới tiếp tục giảm mạnh lãi suất chủ chốt. Tại khu vực Đông Nam có có Malaysia giảm 0.25%, Indonesia giảm 0.25%. Trước đó trong tháng 6 Philippines cũng có động thái giảm 0.5% còn Thái Lan giảm 0.25% trong tháng 5.

Ngay cả NHTW lớn nhất toàn cầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau quyết định giảm lãi suất cơ bản USD về mức thấp kỷ lục gần 0% trong tháng 3, thì mới đây trong cuộc họp cuối tháng 8 đã có một thay đổi chiến lược chính sách quan trọng, theo đó chấp nhận có những thời điểm lạm phát tăng hơn 2% khi nền kinh tế khỏe mạnh, miễn sao khi tính bình quân, lạm phát của 1 giai đoạn sẽ là 2%.

Do dư địa để giảm lãi suất đã không còn, nên sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng trong chính sách nới lỏng hiện nay của Fed, khi mở đường cho mức lãi suất thấp kỷ lục hiện nay tiếp tục được duy trì thêm một thời gian dài nữa. Trước quyết đinh trên của Fed, mà có thể khiến đồng USD nối dài xu hướng suy yếu, chắc chắn sẽ có thêm nhiều NHTW khác tiếp tục tăng cường độ nới lỏng chính sách thông qua các quyết định giảm thêm lãi suất.

Đó là chuyện của thế giới, còn thực trạng trong nước cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn, dù dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm nay ước tính chỉ tăng 2.2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9.5% của cùng kỳ năm 2019. Đáng lưu ý là chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) chỉ còn 45.7 điểm, tiếp tục giảm mạnh từ mức 47.6 điểm trong tháng 7, cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế tiếp tục bị thu hẹp.

Ở phía cầu nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng giảm 0.02% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4.5% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9.5%), riêng tháng 8 giảm đến 2.7% so với tháng trước

Trong bối cảnh này, việc tiếp tục giảm thêm lãi suất của nhà điều hành để hỗ trợ nền kinh tế là điều cần thiết, nhất là khi thực tế thời gian qua cho thấy lãi suất cho vay dường như vẫn giảm chậm hơn lãi suất tiền gửi, khi mà dù lãi suất thấp nhưng tăng trưởng tiền gửi vẫn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng, khiến các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất đầu vào không chùn tay, trong khi việc giảm lãi suất đầu ra vẫn có sự e dè nhất định.

Vì vậy, một quyết định giảm thêm lãi suất của NHNN có lẽ là cần thiết trong thời điểm này, không chỉ để sát với thực tiễn thị trường hơn như đã nói, mà còn là liều thuốc tâm lý cho thị trường, cũng như để tạo điều kiện cho những nhà băng vốn đang phải niêm yết bằng với mức trần, cũng là những ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, có thể mạnh tay giảm lãi suất theo quy định để tiết giảm chi phí vốn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, sau động thái mua ròng ngoại tệ mạnh mẽ trong thời gian qua, tương ứng bơm một lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế, sẽ là điều kiện đủ để chính sách giảm thêm lãi suất được thực thi. Một chia sẻ gần đây của người đứng đầu Chính phủ cho thấy dự trữ ngoại hối đã tăng lên đến 92 tỷ USD và dự kiến cuối năm sẽ đạt 100 tỷ USD, cho thấy nhà điều hành có kế hoạch tiếp tục mua ngoại tệ vào và bơm tiền đồng ra và điều đó sẽ càng khiến thanh khoản dư thừa.

Ngoài ra, với lạm phát vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng yếu, cộng thêm việc mới đây NHNN đã quyết định hoãn lại việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm, gỡ bỏ gánh nặng tăng nguồn vốn trung dài hạn cho các ngân hàng, đó đều là những yếu tố thuận lợi ủng hộ cho một bước giảm thêm lãi suất nữa của nhà điều hành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả