Chính sách tiền tệ thắt chặt và triển vọng chứng khoán 2022
Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục điều chỉnh giảm khi giới đầu tư lo ngại chính sách tiền tệ sẽ bị siết lại (Taper) cũng như lãi suất có khả năng tăng. Tại Việt Nam, câu chuyện này bắt đầu nhen nhóm và câu hỏi thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động ra sao trong năm 2022 được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Bài học từ quá khứ ở Mỹ
Quay lại thời điểm năm 2016, kinh tế Mỹ bắt đầu có tín hiệu tích cực và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đó là bà Yelen đưa ra quyết định tăng lãi suất vào cuối năm. Trong cả năm 2016, dòng vốn đầu tư dịch chuyển tương đối lớn. Khá nhiều thị trường mới nổi, cận biên bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, trong đó có Việt Nam.
Năm 2017, Fed nâng lãi suất thêm nhiều lần, mỗi quý 1 lần, nhưng dòng vốn trong năm có sự thay đổi theo hướng tích cực.
Nhà đầu tư nhận ra rằng, mức lãi suất mà Fed tăng không đáng kể so với tiềm năng từ nhiều thị trường chứng khoán khác. Dòng vốn vì thế bắt đầu chảy ngược trở lại, trong đó, thị trường Việt Nam có 2 năm khối ngoại mua ròng liên tiếp, là 2 năm Fed tăng lãi suất mạnh tay nhất.
Trở lại hiện tại, thời điểm Fed sẽ dừng mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD hàng tháng và tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát đang rất gần. Thực tế, Mỹ vẫn đang là quốc gia theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng (QE) và bơm tiền lớn. Kể từ khủng hoảng năm 2008 đến nay, nhiều chính sách QE của Mỹ không bằng số tiền nước này bơm ra chỉ trong 2 năm vừa qua (2020 - 2021) do đại dịch Covid-19.
Khi đại dịch xuất hiện, lo ngại tác động tiêu cực đến kinh tế, Tổng thống Donald Trump khi đó đã ký ban hành 2 gói hỗ trợ, tổng trị giá lên đến 4.500 tỷ USD. Đến thời Tổng thống Joe Biden, tháng 3/2021, ngay sau khi nhậm chức, ông đã ký ban hành Đạo luật Kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá khoảng 1.900 tỷ USD; tiếp theo đó là gói kích thích kinh tế và cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD. Hiện tại, ông Biden đề xuất thêm gói kích thích với dự luật Xây lại tốt hơn trị giá 1.700 tỷ USD.
Fed với quan điểm của vị chủ tịch hiện nay (ông Jerome Powell) là thích ứng và hỗ trợ phát triển kinh tế nên nhiều quan điểm cho rằng, cơ quan này sẽ mạnh tay nâng lãi suất trong năm 2022, thậm chí 4 lần, mỗi lần tăng 0,25% như trước.
Tuy nhiên, lo ngại quá mức với Taper hay Fed nâng lãi suất có thể khiến nhà đầu tư bối rối và ra quyết định giao dịch sai lầm. Nhìn lại lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ có những biến động trong năm 2016 vì Taper, nhưng đến nay, cả 3 chỉ số chính đều đã tăng gấp đôi.
Chiến lược đầu tư tại thị trường Việt Nam
Hai năm qua, dưới tác động của đại dịch, dòng tiền nhàn rỗi bỗng chốc chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, giống như nhiều nước khác.
Ban đầu, dòng tiền này hướng đến những doanh nghiệp nền tảng cơ bản, cổ phiếu nhiều ngành tạo “sóng” như thép, ngân hàng, cảng biển, chứng khoán... Sau đó, đà thắng thế của dòng tiền song hành với lượng nhà đầu tư mới (F0) quá lớn bắt đầu lệch hướng, chuyển sang xu thế đầu cơ mạnh mẽ.
Kể từ tháng 8/2021, dòng tiền nhắm đến cổ phiếu bất động sản và những cổ phiếu “trà đá” (thị giá thấp). Không ít cổ phiếu dạng này bỗng chốc tăng giá nhanh như thổi, trong đó phải kể đến CEO, CII, DIG, DLG, IDI, MCG...
Những cổ phiếu bất động sản được liệt kê “làm mưa làm gió” với mức tăng tính bằng lần chỉ trong thời gian ngắn. Bởi lẽ, đa số nhà đầu tư có niềm tin rằng, giá đất đang tăng nên giá cổ phiếu bất động sản vẫn còn rẻ, nếu tính theo giá trị tài sản.
Tuy nhiên, cú sụp gần đây của nhóm cổ phiếu bất động sản khiến nhiều nhà đầu tư phải trả giá. Giá cổ phiếu sụt giảm nhanh chóng từ 20 - 30% và rơi vào tình trạng bán tháo. Vậy nhà đầu tư nên ứng xử như thế nào? Chiến lược cần áp dụng là gì?
Chỉ số VN-Index đến nay có mức tăng khoảng 270% kể từ đáy tháng 3/2020, không ít mã chứng khoán đạt mức tăng cả chục lần. Theo đó, nhiều cổ phiếu đã “tới ngưỡng” và mức giá không còn hấp dẫn. Thị trường lập đỉnh mới tại 1.536 điểm (mức cao nhất trong phiên 6/1/2022) phần lớn nhờ dòng tiền nóng của F0, vì thế sẽ rất khó để nhìn thấy đà tăng như thế này một lần nữa trong năm 2022, nếu đà tăng số lượng F0 chững lại.
Mặc dù vậy, thị trường đang có một số điểm nhấn tích cực.
Thứ nhất, với hàng triệu người mới tham gia thì cho dù gặp khó khăn đến mấy, lượng nhà đầu tư ở lại với thị trường vẫn còn nhiều, tương tự như năm 2007 hay 2009. Nhờ đó, thị trường sẽ duy trì mức thanh khoản tốt hơn nhiều những năm 2019 trở về trước.
Thứ hai, tình trạng bình thường hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt khi Việt Nam đã phủ được mũi 2 và mũi 3 vắc-xin Covid-19 với số lượng lớn. Tăng trưởng kinh tế sẽ là câu chuyện lớn hơn tất thảy và vì thế, nhiều ngành nghề sẽ sớm hồi phục như hàng không, dịch vụ, du lịch. Tôi đánh giá cao những doanh nghiệp sớm khởi động lại dự án, bộ máy kinh doanh sẵn sàng ở mức cao nhất có thể nhằm chớp lấy cơ hội.
Thứ ba là triển vọng dòng vốn nước ngoài. Vốn ngoại rút mạnh trong 2 năm vừa qua hẳn nhiên có tác động lớn từ rủi ro nâng lãi suất.
Chúng ta biết rằng, giai đoạn gần đây, dòng vốn ngoại đến từ một số thị trường lân cận như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan là rất lớn. Có thể, dòng vốn này sẽ sớm quay lại khi những đánh giá về lo ngại rủi ro trên giảm đi.
Lưu ý, thị trường vẫn có rủi ro đồng hành. Việc khôi phục kinh tế có thể dẫn tới lãi suất huy động nhích lên và với tình trạng thua lỗ của đợt giảm điểm vừa qua có thể kéo một phần dòng tiền rời khỏi thị trường. Làn sóng bán tháo đó đã sớm kết thúc, nhưng sẽ là một câu chuyện buồn khó phai trong lòng nhiều người và chắc chắn có tác động lớn đến định hướng đầu tư.
Dòng chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, nhưng thị trường năm 2021 cũng bị rút ra một lượng tiền lớn, ước tính hơn 230.000 tỷ đồng.
Một rủi ro khác là dòng tiền tiếp tục chảy vào, nhưng thị trường cũng bị rút ra một lượng tiền lớn, ước tính hơn 230.000 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, các hoạt động phát hành tăng vốn hút ra khoảng 105.000 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 62.000 tỷ đồng, doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ, người liên quan bán ra khoảng 20.000 tỷ đồng, phí giao dịch, lãi vay giao dịch ký quỹ (margin) khoảng 45.000 tỷ đồng.
Nếu như dòng vốn từ khối ngoại không quay lại và lượng nhà đầu tư mới tham gia giảm sút sẽ là rủi ro khó lường. Bên cạnh đó, các kế hoạch tăng vốn năm 2022 tiếp tục tác động đến thị trường.
Các cổ phiếu đầu cơ tăng nóng có dấu hiệu bước vào xu hướng giảm. Tuy nhiên, những cổ phiếu này luôn có vẻ đẹp riêng là mức biến động lớn, có thể khiến nhà đầu tư mắc bẫy, mua vào nhằm trung bình giá, hay lướt sóng để rồi “nặng gánh” thêm.
Thế giới đã từng nói đến hồi kết của nhiều cổ phiếu meme (đà tăng giá không dựa trên yếu tố bền vững là giá trị nội tại) và Việt Nam cũng sẽ tương tự. Nhà đầu tư nên tránh xa vẻ đẹp chết người này và dùng đồng tiền đầu tư thông minh nhất có thể; tránh cả những cổ phiếu có hệ sinh thái rối rắm; thận trọng với những công ty có vấn đề như chậm công bố thông tin, lợi nhuận dương nhưng dòng tiền âm, dòng tiền yếu, muốn huy động vốn cổ phần lớn.
Nhà đầu tư nên tập trung phân lọc ra những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng. Tôi đánh giá cao những doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh, đầu tư mạnh mẽ cho tương lai, vì điều đó sẽ giúp giá cổ phiếu dần trở nên hấp dẫn khi chỉ số PEG (chỉ số định giá P/E có tính đến yếu tố tăng trưởng thu nhập) thấp dần.
Ví dụ, lợi nhuận năm 2022 của HPG có thể giảm so với năm 2021 nhưng dự kiến vẫn ở mức cao và hấp dẫn, chưa tính đến kỳ vọng vào dự án mở rộng giai đoạn 2. Hay như DGC, cho dù giá cổ phiếu này đã tăng mạnh nhưng ngành nghề của doanh nghiệp rất đặc biệt, sẽ hưởng lợi dài hạn khi Trung Quốc hạn chế sản xuất.
Trong tư duy đầu tư, thay vì mong muốn kiếm tiền nhanh thì kỳ vọng vừa phải vào thị trường là khả thi.
Tất cả những kỳ vọng quá lớn sẽ luôn khiến nhà đầu tư hành động bất chấp để đạt được và cuối cùng mắc phải lỗi sơ đẳng là mua cổ phiếu có giá trị thấp cùng với sử dụng margin cao. Khi dòng tiền tập trung lại, những doanh nghiệp có giá trị sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, điều này giống như cổ phiếu Apple.
Trong năm 2022, thị trường có thể lập đỉnh mới, nhưng sẽ không dễ dàng, nhà đầu tư cần nhìn vào dòng tiền mới như khối ngoại, số lượng tài khoản mới để định lượng lại thị trường.
Đầu tư là không khó, tuy nhiên, nhiều người lại luôn làm điều khó khăn nhất là mua bán liên tục, tham lam và sợ hãi. Nên đặt mục tiêu ở mức vừa phải, có tầm nhìn dài và song hành với những doanh nghiệp tiềm năng.
Hãy luôn nhớ, trước khi trả giá cho cổ phiếu, nhà đầu tư cần xác định sẽ nhận lại được cái gì từ doanh nghiệp, chứ không phải từ thị trường. Điều đó giúp chúng ta trở nên bình tĩnh, tài khoản an toàn và cơ hội thu lợi nhuận cao hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận