Chính sách tiền tệ là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019.
Vì sao ông lại đánh giá chính sách tiền tệ (CSTT) là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019?
Trong năm 2019, mặc dù thị trường tài chính thế giới nhiều biến động, song với phương châm linh hoạt nhưng ổn định, NHNN đã điều hành tỷ giá thành công góp phần tích cực giữ lạm phát ở mức thấp trong năm nay và nhiều năm trở lại đây. Ngoài tỷ giá, công cụ lãi suất được NHNN điều hành nhịp nhàng về những thay đổi chính sách và các mức điều chỉnh cũng như thời điểm.
Tác động của việc điều chỉnh lãi suất đối với nền kinh tế hiện vẫn chưa nhiều, vì lãi suất các kỳ hạn dài cần thấp hơn nữa. Nhưng vấn đề này không phụ thuộc nhiều vào quyết định của NHNN mà còn từ nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như nguồn tiền gửi tiết kiệm của người dân ngắn hạn hay dài hạn. Có thể kinh tế vĩ mô ổn định được nhiều năm nay, nhưng cần nhiều thời gian hơn nữa để người dân thay đổi thói quen và yên tâm gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài nhiều hơn.
Đến thời điểm này, tôi cho rằng, những thay đổi cũng như điều hành CSTT trong năm qua đều đúng hướng và có đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát lạm phát.
Nhiều ý kiến nhận định rằng, năm 2020, tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Sang năm 2020, kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định, nhưng khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng sẽ thấp hơn chút so với năm 2019 do tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại. Bởi với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ kinh tế thế giới. Ngoài tác động từ kinh tế thế giới, yếu tố nữa tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là mấy năm gần đây, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn mức tiềm năng, nên khả năng năm 2020 sẽ chậm lại một chút.
Xuất khẩu cũng có thể sẽ chững lại theo chu kỳ tăng cao một thời gian dài đến lúc phải giảm... Dư địa các chính sách khác cũng không còn nhiều nên sự hỗ trợ cũng không quá lớn. Giả sử, đối với CSTT, nếu ngân hàng có giảm lãi suất thì chỉ giảm được lãi suất kỳ hạn ngắn, khó giảm kỳ hạn dài do quy định của NHNN đối với sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo xu hướng ngày càng siết chặt hơn. Từ phân tích các yếu tố trên, theo đánh giá của tôi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ thấp hơn năm 2019 còn ở mức bao nhiêu chưa thể nói chính xác được.
Ông có gợi ý chính sách nào để chúng ta có thể giữ được đà tăng tốt?
Tôi nghĩ rằng, mục tiêu nhà điều hành hướng đến vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên trong điều hành NHNN vẫn có chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng mục tiêu xuyên suốt của cơ quan điều hành trong nhiều năm trở lại đây ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhất. Sự kiên định trong điều hành CSTT đã mang lại hiệu quả cao không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà cả nền kinh tế.
Nhưng tôi nghĩ, sang năm có thể NHNN nới lỏng CSTT thêm chút nữa thông qua giảm lãi suất điều hành, và các kỳ hạn ngắn để hỗ trợ thêm cho tăng trưởng kinh tế. Còn muốn hỗ trợ dài hạn cho tăng trưởng kinh tế phải cải cách môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính giảm chi phí cho DN... Phải cải cách thể chế mới thu hút được nhiều NĐT hơn, tăng trưởng kinh tế mới tốt hơn.
Đối với đầu tư công, về mặt lý thuyết giải ngân đầu tư tính vào tăng trưởng. Nhưng theo tôi, về mặt chủ trương vẫn phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhưng có chọn các dự án khả thi chứ không nên giải ngân ồ ạt dẫn đến lãng phí.
Vậy năm 2020, CSTT có chịu nhiều sức ép không, thưa ông?
Tôi cho rằng, sang năm 2020, điều hành CSTT tiếp tục linh hoạt như năm 2019. Với kinh nghiệm điều hành cùng nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, tỷ giá sẽ duy trì được sự ổn định. Vì năm 2020 tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể tín dụng không tăng mạnh nên áp lực lên lãi suất không nhiều. Chủ trương hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NHNN có thể khiến cho mặt bằng lãi suất sẽ giữ như năm 2019. Nếu có giảm thì cũng rất ít chứ khó giảm nhiều được như năm trước.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận