Chính sách tiền tệ: Cân bằng tăng trưởng và ổn định vĩ mô
Kinh tế sau mỗi cú sốc hoặc sau khủng hoảng luôn đứng trước yêu cầu phục hồi và khi đó, lĩnh vực tiền tệ đối diện với bài toán lớn: Ổn định vĩ mô, nhưng phải thúc đẩy tăng trưởng.
Thời điểm hiện tại, trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19 cũng là như vậy.
Tín dụng phải tăng…
Hệ thống tài chính tại Việt Nam chưa hoàn thiện, 2 trên 3 trụ cột là thị trường vốn (chứng khoán) và thị trường trái phiếu vẫn chưa là kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và nền kinh tế, gánh nặng đổ lên vai trụ cột cuối cùng là thị trường tiền tệ. Nhiều năm nay vẫn là như vậy.
Thị trường tiền tệ với chức năng chính là cho vay thương mại (ngắn hoặc trung hạn), nhưng phải gánh đủ từ cho vay ngắn hạn tới dài hạn, nói tới nguồn vốn cho kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào thì cụm từ “vay vốn ngân hàng” vẫn là khái niệm tới đầu tiên.
Nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế sau dịch Covid-19 được rất nhiều nước làm và Việt Nam không phải là ngoại lệ khi một loạt lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước hạ liên tục từ đầu năm.
Không chỉ công cụ tiền tệ, mà yêu cầu hành chính về hạ lãi suất cũng được ban hành nhằm tạo một giá vốn rẻ hơn cho doanh nghiệp tiếp cận.
Trước số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 thấp kỷ lục 10 năm, chỉ đạt mức 1,81%, đã xuất hiện những yêu cầu mới với tiền tệ là phải nới lỏng hơn nữa, hạ lãi suất mạnh hơn nữa, tăng cung tiền… để tín dụng có thể tăng lên, vốn ngân hàng phải ra được với doanh nghiệp.
Ngoài tín dụng ngân hàng, chính sách tài khóa cũng được đề cập khi ý tưởng về việc nới trần nợ công đã xuất hiện.
Quay lại với câu chuyện tín dụng, 6 tháng đầu năm nay, lãi suất đã hạ nhưng tín dụng chỉ tăng được 3,26% so với cuối năm 2019, bằng một nửa so với mức tăng của cùng kỳ năm 2019 (7,36%). Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 là 14% còn khá xa vời.
Tăng trưởng tín dụng có ý nghĩa thế nào với GDP? Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, tăng trưởng tín dụng thường sẽ là 2,5 lần trên GDP, nghĩa là nếu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ ở tỷ lệ 14% như kế hoạch ban đầu thì GDP ở mức 5,6%.
“Tôi cho rằng tỷ lệ trên sẽ không đạt được và vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho biết phấn đấu GDP tăng trường 4% trong năm 2020. Nếu muốn đạt được GDP 4%, thì tăng trưởng tín dụng khoảng 10%. Nhưng, kể cả Chính phủ điều chỉnh mục tiêu GDP còn 3% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải trên 8% cũng là một tỷ lệ vô cùng khó khăn”, TS. Hiếu nói.
Cụ thể hơn, TS. Hiếu phân tích, dư nợ tín dụng hiện khoảng 8,5 triệu tỷ đồng, nếu tăng trưởng tín dụng là 14% thì có khoảng 1,2 triệu tỷ đồng được đưa thêm vào nền kinh tế; nếu tăng trưởng tín dụng 10% nghĩa là gần 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế và với tăng trưởng tín dụng 8% là trên 850.000 tỷ đồng.
Nhưng vào lĩnh vực nào?
Với một khoản tiền lớn như vậy đưa vào lưu thông, câu hỏi được đặt ra, lĩnh vực nào có đủ dư địa tăng trưởng để hấp thụ được nguồn vốn này?
Hai tháng sau khi hết lệnh cách ly, các hoạt động của doanh nghiệp đã quay trở lại. Nhưng có một con số phải lưu tâm, trong 6 tháng đầu năm 2020, có hơn 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019), số vốn đăng ký đạt 697.100 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ 2019) và hơn 507.200 lao động (giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019). Cùng với đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 48.800 doanh nghiệp, tăng 129,4% so với cùng kỳ năm trước.
Và nhìn qua các mặt báo kinh tế, những tin tức kiểu “nhiều sạp hàng chợ Bến Thành vẫn nghỉ Tết”, “khách sạn 5 sao không phục vụ buffet ăn sáng vì vắng khách”, “sa thải hàng nghìn lao động”… vẫn còn đó.
Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, nền kinh tế Việt Nam quá mở và khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn hoành hành thì nhu cầu hàng hóa tiêu dùng ở hầu hết các nước nhập khẩu từ Việt Nam đều giảm, chuỗi sản xuất toàn cầu trong các ngành dệt may, linh kiện điện từ, sản xuất ô tô, xe máy… bị gián đoạn thì hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam đều bị tác động xấu (mức độ nặng nhẹ khác nhau).
“Tình hình đó khiến ngân hàng dù rất muốn cho vay, bởi tiền đứng yên trong ngân hàng là 'tiền chết', nhưng không thể cho vay thêm vì doanh nghiệp giảm nhu cầu và mức độ rủi ro cho vay đang tăng lên rất cao”, vị tổng giám đốc này nói và chia sẻ thêm: “Lãi suất vay hiện tại của chúng tôi đã rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng 10 năm qua, nhưng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng ở mức thấp nhất trong khoảng thời gian tương ứng”.
Vậy nếu lãi suất thấp hơn nữa, chẳng hạn lãi cho vay ở khoảng 5-6%/năm, thì liệu sức vay có cải thiện?
Trả lời câu hỏi này, chủ tịch HÐQT một ngân hàng cổ phần cho biết: “Về lý thuyết thì lãi suất rẻ sẽ kích thích thêm nhu cầu cho vay, nhưng khủng hoảng của Covid-19 khác với các đợt khủng hoảng cơ cấu kinh tế trước đây, nhu cầu hàng hóa giảm trên diện rộng khiến khả năng mở rộng sản xuất bị giới hạn, tiêu dùng cũng giới hạn, nên lãi suất thấp hơn nữa cũng không kích thích nhu cầu vay mới cải thiện nhiều”.
Cũng theo vị này, lãi suất xuống thấp hơn nữa còn có thể tạo ra một mặt trái, đó là kích thích nhu cầu đảo nợ các khoản vay giá trị cao trước đây của doanh nghiệp và người vay tiêu dùng, khiến cơ cấu cho vay của ngân hàng đảo lộn và có thể xuất hiện một số phương thức đảo nợ gây rủi ro cho chính ngân hàng, đặc biệt là tạo ‘hồ sơ ảo’ để vay mới nhưng không phải đầu tư kinh doanh, mà để trả nợ cũ.
“Tôi kỳ vọng là sức cầu hàng hóa sẽ cải thiện trong 6 tháng cuối năm một cách từ từ. Khi có cầu thật thì hoạt động sản xuất mới phục hồi và lúc đó lãi suất thấp hiện tại sẽ thực sự hỗ trợ kinh doanh. Hay nói khác đi, các đợt hạ lãi suất từ đầu năm tới nay mới phát huy tác dụng”, vị này cho biết.
Một câu chuyện mà lãnh đạo các ngân hàng không muốn đề cập tới khi trao đổi với phóng viên, đó là lãi suất hạ thì liệu tiền có chạy sang các kênh đầu cơ rủi ro như bất động sản và chứng khoán hay không? Không muốn đề cập là bởi để tiền cho vay của ngân hàng sang các kênh này có “trách nhiệm” của ngân hàng trong kiểm soát vốn vay.
Tuy nhiên, trong góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu thì điều này là hoàn toàn có thể bởi vốn rẻ, trong một môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện, sẽ chảy ra các kênh đầu cơ theo những đường đi riêng của mình.
“Bài học trong quá khứ cho thấy khi đó các bong bóng tài sản sẽ hình thành”, TS. Hiếu nói.
Rủi ro vẫn đang còn
Số liệu cập nhật hàng ngày về Covid-19 trên toàn cầu cho thấy một kịch bản xấu vẫn đang treo lơ lửng, đó là dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại và cách ly diện rộng lại diễn ra. Nếu vậy, đây sẽ giáng một đòn mạnh, làm sụp đổ nỗ lực gượng dậy và hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới.
“Khi đó, nỗ lực đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp sẽ trở thành vô nghĩa, doanh nghiệp không thể phát huy được hiệu quả vốn vay, kịch bản không trả được nợ và nợ xấu ngân hàng tăng lên lại lặp lại”, TS. Hiếu phân tích.
Kích thích tăng trưởng bằng tiền tệ là giải pháp có tính truyền thống, nhưng trong bối cảnh hiện tại phải có sự thận trọng.
Hầu hết các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều tung ra các gói kích thích kinh tế rất lớn và lãi suất về mức 0 hoặc âm, tức là hết dư địa nới lỏng thêm, nhưng dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều định chế tài chính khác thì Mỹ hay nhiều nước châu Âu năm nay vẫn đứng trước mức tăng trưởng âm, thậm chí âm rất sâu từ 6-8%.
Câu chuyện này đặt một bài toán rất lớn cho Việt Nam khi sử dụng công cụ tiền tệ. Nếu đẩy được vốn vay ra nền kinh tế một cách hiệu quả, mọi chuyện trở nên đẹp đẽ, nhưng không hiệu quả thì các hệ lụy cũ có thể lặp lại, đó là nợ xấu ngân hàng, đó là lạm phát, nợ công… Tức là các vấn đề nằm trong nội hàm của “ổn định kinh tế vĩ mô”.
“Kích thích nền kinh tế bằng việc đẩy lượng vốn lớn vào lưu thông sẽ khiến lãi suất cho vay xuống thấp, người dân đi vay tiền nhiều và nguồn tiền này có thể đổ vào những thị trường đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, vàng... sẽ tạo ra bong bóng trong nền kinh tế.
Và cái giá phải trả khi bong bóng nổ như nền kinh tế Việt Nam cách đây 10 năm dẫn đến khó khăn trong việc đạt được GDP, tín dụng như kế hoạch. Chúng ta cần một kịch bản thấp hoặc không có kịch bản nào, chỉ lấy ổn định vĩ mô làm trọng nhằm tránh được những rủi ro của lạm phát, bong bóng của nhiều thị trường”, một chuyên gia kinh tế của Fulight Việt Nam chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán.
Chuyện cũ, nhưng còn mới
Còn nhớ, sau khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, xuất hiện nhiều diễn biến xấu, lạm phát tăng, giá dầu thô, nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, lương thực, thực phẩm trên thị trường tiếp tục tăng cao.
Trong nước, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, trực tiếp gây ra tình trạng rủi ro, bất ổn đe dọa hệ thống ngân hàng. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao hơn trước…
Thời điểm tháng 2/2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 11/NQ-CP, chuyển trọng tâm điều hành chính sách sang “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.
Quan điểm chỉ đạo này được khẳng định tại Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị là: “Tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo”.
Trên tinh thần chỉ đạo này, trong 3 năm tiếp theo, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như sau: GDP năm 2011 tăng 6,24%, năm 2012 tăng 5,25% và năm 2013 tăng 5,42%; nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được thực hiện với những con số là 18,13% năm 2011 xuống 9,21% năm 2012 và năm 2013 lạm phát ở mức 6,04%.
Thực tế diễn ra của giai đoạn 2011-2013 cho thấy, trọng trách cân bằng tăng trưởng và ổn định vĩ mô được giao cho hệ thống ngân hàng. Năm 2013, trong một chuyến công tác tại Ðồng bằng sông Cửu Long với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết TW 7, khóa X về tam nông, chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán, vị tư lệnh ngành ngân hàng nói: “Hai năm vừa qua, gần như việc đầu tiên của mỗi sáng là xem số liệu dư nợ của hệ thống và chắt chiu từng 0,1% tăng trưởng tín dụng”.
Thành tựu của điều hành kinh tế Việt Nam sau giai đoạn lạm phát cao và phải tái cơ cấu nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực đã được ghi nhận. “Ổn định kinh tế vĩ mô” vẫn là từ khóa để tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định các mặt đời sống xã hội.
Với câu chuyện hậu Covid-19, phục hồi kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh phòng chống dịch bệnh quay lại. Tăng trưởng kinh tế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, góp phần giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là yêu cầu không cũ.
Thực tế Việt Nam vẫn là một trong số ít nước trên thế giới giữ được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khiến kinh tế thế giới và hầu hết các nước được dự báo rơi vào suy thoái sâu.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP Việt Nam quý II/2020 ước đạt 0,36% - là mức thấp nhất từ năm 2011 đến nay và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (6,76%). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, GDP tăng 1,81% - là mức tăng trưởng 6 tháng thấp nhất từ năm 2011.
Ðiểm đáng chú ý, chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong 4 năm. Trái ngược với việc giảm mạnh của giá nhóm giao thông trong 5 tháng/2020 (đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội), trong tháng 6/2020, giá nhóm hàng này đã tăng mạnh ở mức 6,05% do ảnh hưởng từ 3 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp và nhu cầu đi lại, du lịch nội địa đang dần trở lại mức bình thường trước dịch…
Áp lực lạm phát còn khá lớn khi chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5 và bình quân 6 tháng/2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức cao nhất trong vòng 6 năm.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo.
Cụ thể, về gói hỗ trợ về tài khóa, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị định 41/2020/NÐ-CP ngày 8/4/2020 hiện mới giải ngân được khoảng 37.000 tỷ đồng, tương đương 20,6%. Bên cạnh đó, xem xét trình Quốc hội về việc gia hạn thêm thời hạn giãn hoãn các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (hiện chỉ được gia hạn 5 tháng).
“Tiếp tục thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển (cả doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể, đóng góp gần 40% GDP năm 2019). Ðiều này cũng phù hợp với định hướng tập trung khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, thì sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,156 điểm phần trăm”, TS. Lực nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận