Chính sách nới lỏng định lượng, Việt Nam chưa cần và chưa nên
Các quốc gia phát triển trên thế giới có thể sử dụng nới lỏng định lượng (QE) như một công cụ trong tình huống khẩn cấp để cứu chữa nền kinh tế đang lâm nguy. Câu hỏi đặt ra là các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thị trường mới nổi (emerging market) có thể làm điều tương tự?
Tờ Financial Time đưa ra luận điểm các thị trường mới nổi hoàn toàn có thể tận dụng thời điểm hiện tại để thực hiện chính sách nới lỏng định lượng do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mở rộng quy mô cân đối chưa từng có.
Nới lỏng định lượng là một chính sách tiền tệ độc đáo, trong đó một ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ hoặc các chứng khoán khác trong thị trường để tăng cung tiền và khuyến khích cho vay và đầu tư.
Trên thực tế, các quốc gia như Croatia, Ba Lan và Romania đều đã khởi động các chương trình đầu tiên của họ vào đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Hungary đã khởi động lại chương trình mua trái phiếu.
Trong khi đó, Colombia đã trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên thử nghiệm với QE vào tháng 3, sau đó là kế hoạch của Chile mua tới 8 tỷ USD trái phiếu, tương đương 3% GDP nước này. Ở Đông Nam Á, Indonesia cũng tung ra một gói mua trái phiếu chính phủ 38,92 tỷ USD.
Tại Việt Nam, cơ chế cung tiền tệ tương đối khác so với rất nhiều nước, ở đó có thị trường tiền tệ liên ngân hàng (thị trường 2) và thị trường huy động (thị trường 1).
Hai thị trường này có sự cách biệt tương đối xa. Ở thị trường 1, lãi suất qua đêm hiện chỉ ở mức 0,15%/năm, kỳ hạn 3 tháng chỉ ở mức 2,2%/năm.
Trong khi trên thị trường 2, mức lãi suất huy động và cho vay vẫn khá cao, khoảng 6,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Điều này cho thấy nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra thêm một bước hạ lãi suất tiếp theo cũng không thể giúp lãi suất trên thị trường 1 giảm. Điều này có thể được lý giải bởi một vài nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do tăng trưởng tín dụng thấp
Tăng trưởng tín dụng thấp khiến huy động không có cơ sở mở rộng. Cho tới hết tháng 3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng mới đạt 1,3%. Điều này được giải thích do khó khăn trong giai đoạn dịch Covid.
Tăng trưởng tín dụng thấp dẫn tới việc các ngân hàng không đẩy được vốn từ thị trường 2 đang dư thừa xuống thị trường 1. Việc này tiếp tục từ quý I cho tới thời điểm hiện tại.
Thứ hai, do các ngân hàng vẫn phải thực hiện đảm bảo tỷ lệ với Ngân hàng Nhà nước
Mặc dù Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc hoãn, giãn, tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ được đưa ra, nhưng điều này lại gián tiếp khiến các tỷ lệ về thanh khoản tại thị trường 1 của các ngân hàng, bao gồm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và LDR bị áp lực, khiến lãi suất huy động khó có thể giảm.
Thứ ba, do tiếp tục bị cạnh tranh bởi kênh trái phiếu
Kênh trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả chính trái phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục là kênh cạnh tranh trực tiếp với huy động của ngân hàng.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, riêng trong quý I/2020, các doanh nghiệp còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành vẫn tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ 2019.
Cụ thể, có tổng cộng 47.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong thời gian này. Trong đó, có 5.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng của CTCP Tập đoàn Masan (MSN), còn lại thuộc về 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 doanh nghiệp niêm yết và 48 doanh nghiệp chưa niêm yết.
Các lý do trên dẫn tới việc lãi suất của thị trường 1 khó hạ dù việc dư thừa vốn hiện tại không cần thiết để Ngân hàng Nhà nước đưa ra thêm bất kỳ biện pháp kích thích tiền tệ nào. Ngược lại, giữ ổn định được lãi suất và tỷ giá trong giai đoạn hiện tại lại là điều kiện để dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận