menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoài Thơ

Chính sách giúp định hình thị trường xe điện

Xe xanh đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, nhưng khi chi phí cho xe điện còn cao hơn xe động cơ đốt trong, các nhà sản xuất vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, chính sách của các chính phủ đang được xem như 'liều thuốc'.

Hãng xe Việt đề xuất ưu đãi thuế, phí cho xe điện

Chính sách giúp định hình thị trường xe điện
Các trạm sạc ô tô điện của VinFast đang được xây dựng (Nguồn: VinFast)

VinGroup vừa đề xuất thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện. Đề xuất này được Vingroup đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành vào giữa tháng 5 vừa qua.

Vào cuối năm 2019, khi phát biểu tại hội nghị “Thủ tướng với doanh nghiệp: phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả - bền vững”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup cũng từng đề xuất Chính phủ có thêm những ưu đãi cho xe điện.

“Rất mong muốn sẽ nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô sử dụng động cơ điện”, Tổng giám đốc của Vingroup nói.

VinFast (thuộc VinGroup) đã công bố nhiều mẫu xe điện vào tháng 3 vừa qua bên cạnh các mẫu xe động cơ đốt trong đang sản xuất. Mẫu xe điện VF e34 cũng đã được mở bán với mức giá ban đầu 590 triệu đồng. Theo dự kiến, những chiếc xe ô tô điện đầu tiên do tập đoàn này sản xuất sẽ bàn giao cho khách hàng vào tháng 11 năm nay.

Sau khi chủ trì cuộc họp về đề xuất ưu đãi của VinGroup, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu quan điểm: Cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ phát triển sản xuất ô tô điện tại Việt Nam theo định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Phó Thủ tướng cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ô tô điện.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính đánh giá về đề xuất của Tập đoàn VinGroup. Trong đó cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá và hướng xử lý cụ thể phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6.

Thị trường xe điện định hình nhờ chính sách

Để giảm lượng khí thải carbon và giảm ô nhiễm không khí đô thị, các quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy xe điện thông qua nhiều biện pháp, bao gồm trợ cấp trực tiếp cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, miễn thuế và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng... Trung Quốc là một trong những nước thành công nhất trong việc thúc đẩy sản xuất và bán ô tô điện.

Chính sách giúp định hình thị trường xe điện
Doanh số xe điện tại Trung Quốc từ 2011 - 2019 (Nguồn: Sustainalytics)

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), năm 2011, chỉ có 5.000 chiếc xe điện được bán ra tại Trung Quốc. Đến năm 2019, lượng xe điện được tiêu thụ tại quốc gia này đã đạt hơn 1 triệu chiếc. Dù mới chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ nhưng, cũng đủ đưa Trung Quốc trở thành thị trường và nơi sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Điều gì đã khiến ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc thay đổi trong 1 thập kỷ qua?

Trong khi các quốc gia châu Âu, Mỹ đều tập trung các khoản trợ cấp trực tiếp cho người mua xe điện để phát triển thị trường, Trung Quốc thực hiện các chính sách mạnh mẽ hơn cho các loại xe điện được sản xuất tại Trung Quốc.

Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng các chính sách khuyến khích hào phóng cho sản xuất và sử dụng xe điện. Các nhà sản xuất nhận trợ cấp để giảm giá nhằm khuyến khích bán hàng. Khoản trợ cấp này được tính theo số lần di chuyển trên mỗi lần sạc. Nhà nước chi cho R&D, đầu tư trực tiếp vào các công ty xe điện và cơ sở hạ tầng sạc. Ngoài việc giảm giá trực tiếp, nhà nước cũng có chính sách ưu đãi để tiếp cận với việc đăng ký biển số (đối với các thành phố lớn đang bị hạn chế để kiểm soát giao thông).

Chính sách giúp định hình thị trường xe điện
Trung Quốc đang là thị trường xe điện hấp dẫn nhất (Nguồn: Jato)

Theo các chuyên gia, các chính sách này đã tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự thâm nhập xe điện nhanh chóng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường xe điện Trung Quốc phát triển mạnh mẽ.

Một quốc gia khác là Thái Lan cũng đang có nhiều chính sách tương tự. Với tham vọng trở thành “cứ điểm” sản xuất xe điện lớn trên thế giới, Thái Lan đang dành nhiều đặc quyền cho các nhà sản xuất xe điện bên cạnh các ưu đãi cho người sử dụng.

Ủy ban đầu tư quốc gia (BoI) vừa ban hành chính sách miễn thuế 3 năm cho các nhà sản xuất xe plug-in hybrid và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 8 năm cho những nhà sản xuất xe điện chạy pin, đi kèm theo các điều kiện nhất định.

Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng cũng được hưởng ưu đãi. Thái Lan bổ sung thêm nhiều chi tiết linh kiện, phụ tùng quan trọng của xe điện vào danh mục ưu đãi, chẳng hạn như dây đai điện áp cao, thiết bị giảm tốc, hệ thống làm mát pin... Các nhà sản xuất thiết bị, linh kiện sẽ được miễn thuế doanh nghiệp 8 năm.

Quốc gia này cũng đặt ra mục tiêu xe điện chiếm 50% tổng số đăng ký ô tô mới vào cuối thập kỷ này, tức là tăng so với 30% trước đây.

Những điểm cần lưu tâm

Các nhà nghiên cứu cho biết, để có thể phát triển thị trường xe điện, các ưu đãi cho người dùng, nhà sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng là những điều kiện quan trọng.

Các khoản trợ cấp của chính phủ đã thúc đẩy nhu cầu mua xe điện ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, những khoản trợ cấp, nhất là tiền mặt được xem là tốn kém và những gì đã diễn ra ở Trung Quốc được xem như một lời cảnh báo rằng, đây không phải là một chính sách bền vững.

Với chính sách hỗ trợ mạnh tay trong thời gian đầu, Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất, và kéo theo sự ra đời của hàng trăm startup về ô tô điện.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, Chính phủ đã bắt đầu cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ. Năm 2019, việc cắt giảm mạnh các chính sách đã khiến cho doanh số xe điện sụt giảm sâu hơn, về dưới mức 5% tổng doanh số toàn thị trường và tiếp tục có dấu hiệu trượt sâu khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Các chính sách trợ cấp được cắt giảm hoàn toàn vào năm 2020, như một nỗ lực để ngành công nghiệp xe điện tự đứng trên đôi chân của mình, thay vì sống nhờ vào chính sách.

Dù vẫn đang duy trì như một biện pháp thúc đẩy thị trường, nhưng một số nước châu Âu cũng đang xem xét cắt giảm dần các chương trình trợ cấp này. Nhiều hãng xe bày tỏ lo ngại, đây là các biện pháp ngắn hạn và không thể tạo ra thị trường ô tô điện bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, các Chính phủ nên tập trung hơn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho ô tô điện như trạm sạc xe, hay hỗ trợ xây dựng các nhà máy sản xuất pin để có thể giảm giá thành xe điện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại